Tuyên Quang cam kết sẽ đồng hành tạo môi trường đầu tư thuận lợi với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, tới kết nối, giao thương phát triển sản xuất kinh doanh tại tỉnh.
Đó là ý kiến của ông Nguyễn Tiến Hưng - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Tuyên Quang tại Hội nghị kết nối giao thương, thu hút đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Tuyên Quang năm 2024 tại Thành phố Hải Phòng.
Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh; lãnh đạo Hiệp hội du lịch cụm Đồng bằng sông Hồng; hiệp hội Du lịch, lữ hành các tỉnh, thành phố: Tuyên Quang, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Nguyên.
Thông qua Hội nghị này Tuyên Quang mong muốn gửi gắm thông tin tới các doanh nghiệp tại Hải Phòng và các tỉnh bạn khi đầu tư vào Tuyên Quang nói chung và vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng sẽ tăng cường đẩy mạnh hợp tác, khai thác phát triển sản phẩm du lịch, thương mại, làng nghề vùng dân tộc thiểu số và miền núi; Đa dạng hóa sản phẩm du lịch, thương mại, làng nghề để quảng bá trong và ngoài nước.
Phát biểu tại hội nghị ông Nguyễn Tiến Hưng - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Tuyên Quang cho biết, Bên cạnh những kết quả đạt được trong những năm qua, thực trạng kinh tế và đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vẫn còn khoảng cách khá xa so với mặt bằng chung của cả tỉnh Tuyên Quang nói riêng và của cả nước nói chung.
Cụ thể: Chuyển dịch cơ cấu lao động chậm, lao động chủ yếu vẫn làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp; Tốc độ tăng trưởng khá nhưng quy mô còn nhỏ bé, xuất phát điểm thấp nên tăng tương đối thấp; Số lượng dự án đầu tư vào địa bàn các xã khu vực 2 rất ít, hầu như không có các dự án đầu tư ở các xã khu vực III; Điện, đường, trường, trạm,… chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của người dân, ông Tiến Hưng cho biết thêm.
Tại hội nghị, các đại biểu có những trao đổi kinh nghiệm, thảo luận và thống nhất đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp, đề xuất những kiến nghị phù hợp cho phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi để thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết 120 của Quốc hội đề ra, góp phần rút ngắn khoảng cách chênh lệch vùng miền để đồng bào các DTTS cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Tuyên Quang hiện thực hoá các nhiệm vụ để hoàn thành mục tiêu đưa Tuyên Quang phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.
Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Huề - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Tuyên Quang cho rằng, Tuyên Quang là tỉnh khởi xướng du lịch về cội nguồn, là nơi giao lưu kết nối văn hóa và du lịch. Các sản phẩm du lịch của chúng tôi tiềm năng rất giàu có nhưng để xây dựng sản phẩm có thương hiệu còn có mặt hạn chế, rất mong có những đóng góp gợi mở đường hướng đi trong thời gian tới. Nhưng nếu du khách về với Tuyên Quang sẽ được thưởng thức những món ăn từ những bàn tay lao động của những con người dân tộc chân chất và mến khách.
Tham dự chương trình ông Nguyễn Minh Xô - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Hải Dương chia sẻ, Chúng tôi ghi nhận những gì Tuyên Quang đã đạt được, từ những hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch, kết nối tiêu thụ sản phẩm giữa các tỉnh, thành phố. Từ đó, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, làm tiền đề cho các hoạt động đầu tư và mở rộng quan hệ hợp tác, khai thác, phát triển sản phẩm thương mại, du lịch, làng nghề giữa tỉnh Tuyên Quang với các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Đồng quan điểm ông Nguyễn Thế Huệ - Chủ tịch hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Ninh cho biết, Qua hội nghị chúng tôi được kết nối với các doanh nghiệp tỉnh bạn kết nối qua sản phẩm, qua những ký kết với các doanh nghiệp. Hiện nay tất cả những sản phẩm của Tuyên Quang đã được đến tận nơi các tỉnh như ở Quảng Ninh thì tại hội chợ OCOP nào cũng có và cũng được người dân biết đến nhưng để những sản phẩm này được trở thành sản phẩm du lịch thì còn phải làm nhiều việc như thông qua Hiệp hội du lịch để kết nối các đầu mối; để sản phẩm lan tỏa thì phải kết hợp với truyền thông, bên cạnh đó, nên có những chương trình kích cầu du lịch, ưu đãi các sản phẩm về giá, thì hiệu quả kết nối, giao thương sẽ có hiệu quả hơn và đi vào thực tế hơn.
Kết luận hội nghị ông Nguyễn Tiến Hưng bày tỏ mong muốn qua hội nghị Tuyên Quang sẽ thu hút được sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, Hợp tác xã để mở rộng liên kết, xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, thúc đẩy hoạt động giao thương giữa các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Mong muốn các đơn vị, tổ chức, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành quan tâm, nghiên cứu các sản phẩm du lịch của Tuyên Quang để tư vấn, giới thiệu đến đông đảo du khách, đưa Tuyên Quang trở thành điểm đến không thể thiếu trong các tour, tuyến, hành trình phục vụ khách du lịch của mỗi doanh nghiệp. Cảm ơn các doanh nghiệp đã tin tưởng đầu tư và cam kết đồng hành với các địa phương trong phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Tuyên Quang.
Cũng tại hội nghị đã diễn ra lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác đầu tư 3 bên Tuyên Quang, Hải Phòng, Hải Dương và ký kết các doanh nghiệp thương mại, du lịch, làng nghề với các đơn vị doanh nghiệp, HTX các tỉnh.