Cà phê chuẩn châu Âu xuất khẩu đạt 65.000-70.000 tấn/năm, nhưng tiêu thụ nội địa chưa được 1% con số này, Phúc Sinh đang lội ngược dòng để người Việt được uống cà phê chất lượng.
Cà phê Việt đã có vị thứ đáng kể về xuất khẩu nguyên liệu trên bản đồ hàng hóa thế giới, với chỗ đứng thứ 2 và sản lượng xuất đạt tới 1,8 triệu tấn cà phê nhân (số liệu 2017). Tuy vậy, thị trường tiêu dùng cà phê trong nước mặc dù có sự bùng nổ về quy mô phát triển sản phẩm có nhãn hàng… vẫn tồn tại khoảng cách về chuẩn mực thức uống hoàn chỉnh giữa cà phê quốc tế và cà phê Việt.
Có thể bạn quan tâm
11:37, 03/10/2018
07:26, 23/12/2017
21:58, 04/07/2017
06:31, 14/11/2015
Thay đổi thói quen của người nông dân
Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT CTCP Phúc Sinh, đơn vị sở hữu thương hiệu K Coffee cho biết, trong quá trình làm hàng xuất khẩu, một trong những tiêu chuẩn mà các nhà nhập khẩu quốc tế vô cùng quan tâm, đó là chuẩn UTZ và BRC.
UTZ là chương trình phát triển bền vững cho cà phê, cacao và chè, hợp tác cùng các thương hiệu sản phẩm hiện có. Điều này cho phép người nông dân sản xuất ra khối lượng sản phẩm lớn hơn với chi phí thấp hơn, từ đó làm tăng mức sống của cộng đồng nông nghiệp. Người tiêu dùng có thể thưởng thức thương hiệu yêu thích của mình và đồng thời cũng đóng góp cho một thế giới bền vững.
BRC Food là tiêu chuẩn toàn cầu của Hiệp hội bán lẻ Anh Quốc. Bộ tiêu chuẩn này thiên về tiêu chí với các quy định về an toàn thực phẩm, lưu trữ, bao bì nguyên liệu, đại lý và môi giới toàn cầu... Đạt được các chuẩn này tức là đảm bảo sản phẩm được công nhận từ nguồn (farm), cho đến chế biến và ra thị trường.
Về lý thuyết là như vậy, còn thực tế thì chỉ riêng việc thuyết phục người nông dân ở khâu nguồn, thực hành theo chuẩn UTZ đã rất khó. Bởi người nông dân thường có thói quen, tập quán canh tác cũ, họ chỉ đơn thuần muốn hướng đến làm sao canh tác giản đơn nhất nhưng lại kiếm được tiền. Vừa thuyết phục, vừa đầu tư 5 tỷ đồng cho chương trình đào tạo người nông dân ở khu vực Buôn Hồ -Tây Nguyên, nhưng ông Thông cho biết đó chỉ là giai đoạn ban đầu và Phúc Sinh xác định đây không chỉ tạo dựng vùng nguyên liệu chuẩn mà là một hoạt động có giá trị cho cả cộng đồng. Kết quả là từ chỗ chỉ 1 vài hộ tham gia, đến nay đã có 897 hộ với diện tích là 1.000,6 ha đã trồng cà phê theo chuẩn UTZ, với 2.748,48 tấn.
Chất lượng cà phê tốt nhất theo tiêu chuẩn UTZ (tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc) phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe như: không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật quá ngưỡng, tỷ lệ trái chín, ít nhất là 90%...
Theo báo cáo thường niên 2017 của UTZ toàn cầu, ghi nhận 987.000 nông dân trong chương trình với 41 quốc gia sản xuất và sản lượng cung cấp cho 43 tỷ ly cà phê trên toàn cầu, sự hiện diện bước đầu UTZ tại cà phê Việt Nam, bao gồm cả sản lượng và số hộ nông dân tham gia được nhân bởi một số doanh nghiệp cùng xuất khẩu, rõ ràng còn khiêm tốn. Dù vậy, đây vẫn là số liệu đáng khích lệ.
Từ vườn tới bàn (From farm to table)
Ông Thông phân tích: có cà phê chất lượng, đầu vào cho nhà máy sơ chế cao cấp với tỷ lệ trái chín 80% và không “tuốt sạch” một lần (giá cà phê này sẽ chênh lệch hơn giá cà phê thường từ 20-40USD/tấn), với lượng xuất khẩu duy trì nhiều năm từ 65.000-70.000 tấn cà phê/ năm. Phúc Sinh đã sẵn sàng nền tảng để làm cà phê 100% nguyên chất hương vị tự nhiên phục vụ người dùng nội địa, với cam kết cung cấp thức uống hoàn chỉnh và phá vỡ "quy luật bất thành văn": Chỉ người nước ngoài mới được uống cà phê với những hạt ngon nhất theo chuẩn châu Âu!
Nhưng thị trường nội có dễ chinh phục không? Câu trả lời chắc chắn là không! Trong hơn 2 năm từ cuối 2015 đến nay, tỷ lệ tiêu thụ nội địa của Phúc Sinh chỉ chiếm khoảng 1% xét trên tổng sản lượng cà phê xuất khẩu. .
Một chuyên gia trong ngành cà phê nói rằng sau giai đoạn “chen chúc” của các nhãn hàng..., thì thị trường đã bước sang “màu sắc” mới với thông điệp hướng về cà phê sạch, nguyên chất, an toàn, tự nhiên... hay như sự ngắn gọn của Phúc Sinh là “từ vườn đến bàn”... Sự gia nhập của các thương hiệu mới, đã và đang góp tay cùng nới rộng "size" thị trường ở nguồn cung và rút hẹp dần hấp lực của một thị trường 96 triệu dân - đối tượng của mọi nhà F&B /tiêu dùng.
Ngay cả như vậy, chuyên gia dự đoán, "cửa vẫn sẽ mở với những doanh nghiệp có sự đầu tư và đủ kiên nhẫn chờ đợi. Từ chỗ chúng ta đang có 1 số doanh nghiệp làm cà phê đạt chuẩn UTZ và BRC nhưng chỉ phục vụ cho xuất khẩu, nay có doanh nghiệp áp 2 chuẩn này để cung cấp cà phê cho nội địa. Hy vọng những con số này sẽ càng tích cực hơn và thị trường cà phê Việt sẽ không còn cảnh: Đứng đầu thế giới về hàng nguyên liệu nhưng người tiêu dùng lại uống cà phê "độn"!”.