Chính trị - Xã hội

Cân nhắc kéo dài dự án đường sắt tốc độ cao từ Lạng Sơn đến Cần Thơ

Gia Nguyễn 20/11/2024 19:43

Đây là kiến nghị của các đại biểu tại phiên thảo luận về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam chiều 20/11.

Theo đó, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, chiều 20/11, Quốc hội tiến hành thảo luận về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.

duong-sat-toc-do-cao-bac-nam-20.11.1.2.jpg
Đại biểu Nguyễn Quốc Hận – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau tham gia góp ý tại hội trường - Ảnh: Media Quốc hội

Tham gia góp ý tại hội trường, đại biểu Nguyễn Quốc Hận – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau bày tỏ, Lạng Sơn và Cà Mau là những “phên dậu” của đất nước, tuy nhiên, do hạ tầng còn hạn chế nên kinh tế - xã hội chưa phát triển, còn nhiều điểm nghẽn.

Vì vậy, đại biểu đề nghị nghiên cứu kéo dài tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam theo hướng, điểm đầu là Lạng Sơn, còn điểm cuối là Cà Mau.

“Nếu dự án đường sắt tốc độ cao chạy dài từ Lạng Sơn đến Cà Mau sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực này”, đại biểu Nguyễn Quốc Hận bày tỏ.

Bên cạnh đó, để giải quyết bài toán nguồn vốn, đại biểu này đề nghị, thực hiện phân kỳ đầu tư một cách phù hợp để thực hiện.

duong-sat-toc-do-cao-bac-nam-20.11.1.1.jpg
Đại biểu Trần Thị Hoa Ry – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu tham gia góp ý tại hội trường - Ảnh: Media Quốc hội

Đồng quan điểm, tham gia góp ý, đại biểu Trần Thị Hoa Ry – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu cũng bày tỏ, Quốc hội cần cân nhắc, xem xét lại quy mô và phạm vi đầu tư của dự án này.

Theo đại biểu, nếu đường sắt tốc độ cao bắt đầu từ Lạng Sơn và kéo dài đến Cà Mau, sẽ giải quyết được các điểm nghẽn về cơ sở hạ tầng, giúp phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển du lịch. Trường hợp chưa bố trí được nguồn vốn, thì có thể kéo dài dự án đến Cần Thơ.

“Với tiềm năng to lớn của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nếu có đường sắt cao tốc, khu vực này sẽ phát triển nhanh”, đại biểu Trần Thị Hoa Ry chia sẻ.

Quan tâm đến vấn để giải quyết nút thắt về chi phí logistics, tham gia góp ý tại hội trường, đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho rằng, nước ta có hình dạng kéo dài, lưu lượng hàng hóa lớn, nhu cầu kết nối các trung tâm kinh tế dọc hành lang kinh tế Bắc – Nam cao, nhiều khu vực vốn có tiềm năng phát triển nhưng chưa thực hiện được do “nút thắt của chi phí logistics cao.

Hơn nữa, quy mô kinh tế đang đà tăng nhanh, nhu cầu vận chuyển hàng hóa tăng lớn, chúng ta cần tăng lượng hàng hóa xuất khẩu sang thị trường Châu Âu, Trung Đông, Bắc Á,… để giảm bớt tập trung vào một số thị trường.

Do vậy, đại biểu đề nghị cần phát triển đường sắt Bắc - Nam tốc độ cao để kết nối liên vận với mạng lưới quốc tế cùng khu vực để giải quyết “nút thắt” về logistics.

“Dù dự án là cần thiết và chúng ta đủ khả năng đầu tư nhưng đây là dự án lớn quan trọng, ảnh hưởng lớn, do đó, đại biểu lưu ý, cần đánh giá kỹ, với góc nhìn đa chiều để lựa chọn phương án tốt nhất”, đại biểu Hoàng Văn Cường bày tỏ.

Đồng thời, góp ý thêm vào chủ trương, đại biểu cho rằng, cần phát triển dự án này để phục vụ nhu cầu lưỡng dụng cả hành khách và hàng hóa chứ không chỉ chủ yếu vận tải hành khách và vận tải hàng hóa khi cần thiết.

Ngoài các ý kiến đã nêu, bày tỏ sự đồng tình thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đề nghị xem xét kỹ lưỡng việc bố trí các nhà ga trên tuyến.

Theo ông đại biểu, hồ sơ dự án ga hành khách tại một số địa phương được bố trí cơ bản không nằm trong các vị trí trung tâm đô thị hiện nay (ga Ngọc Hồi, ga Thủ Thiêm, ga Nam Định...), trong khi đó để bảo đảm tối đa hiệu quả dự án, các vị trí ga phải được bố trí thuận lợi thu hút được nhiều hành khách nhất.

Do đó, đại biểu đề nghị khi lập Báo cáo nghiên cứu khả thi, cần làm rõ lý do, cơ sở lựa chọn vị trí các ga của dự án và đánh giá kỹ lưỡng để bảo đảm tính hấp dẫn, thuận tiện của ga trong vận chuyển hành khách. Cùng với đó, cần có định hướng phát triển thêm các ga tiềm năng theo đề xuất của một số địa phương có tuyến đường sắt tốc độ cao đi qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cân nhắc kéo dài dự án đường sắt tốc độ cao từ Lạng Sơn đến Cần Thơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO