Trong thời gian rất ngắn, các dữ liệu của kinh tế Mỹ đảo chiều nhanh chóng, trước hai sự kiện lớn sẽ diễn ra trong những tháng cuối năm nay.
Các nhà kinh tế tại Goldman Sachs hồi đầu tháng này đã nâng xác suất suy thoái kinh tế trong 12 tháng của Mỹ từ 15% lên 25% sau khi báo cáo việc làm tháng 7 cho thấy số liệu việc làm phi nông nghiệp chỉ đạt 114.000 việc làm, giảm so với mức điều chỉnh giảm 179.000 của tháng 6 và dưới mức ước tính 185.000 của Dow Jones.
Báo cáo này đã gây ra mối lo ngại rộng rãi về nền kinh tế lớn nhất thế giới và góp phần gây ra đợt bán tháo mạnh trên thị trường chứng khoán vào đầu tháng 8. Nó cũng kích hoạt “Quy tắc Sahm”, một dấu hiệu cho thấy giai đoạn đầu của cuộc suy thoái kinh tế.
Những một loạt dữ liệu mới đây khiến tình hình thay đổi, bao gồm doanh số bán lẻ trong tháng 7 tăng 1%, so với ước tính là 0,3% - và yêu cầu trợ cấp thất nghiệp hàng tuần thấp hơn dự kiến.
Loại trừ các mặt hàng liên quan đến ô tô, doanh số bán hàng tăng 0,4%, cũng tốt hơn dự báo 0,1%. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc vào ngày 10/8 là 227.000 đơn, giảm 7.000 đơn so với tuần trước và thấp hơn ước tính là 235.000 đơn.
Giá mà người tiêu dùng phải trả cho hàng hóa và dịch vụ tăng 0,2% trong tháng 7 và CPI tháng 7 giảm xuống 2,9%, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021.
Những số liệu này đã thúc đẩy sự thay đổi tâm lý nhà đầu tư, được phản ánh qua sự phục hồi của chứng khoán toàn cầu vào thời điểm giữa tháng này. Các nhà kinh tế hàng đầu cho rằng, hiện tượng trên tại Mỹ tương đồng với nhiều nền kinh tế trong top 10,nơi mà “Quy tắc Sahm” tồn tại không quá 3/4 khoảng thời gian. Ví dụ, Canada, Italy đã chứng kiến tỷ lệ thất nghiệp tăng đáng kể trong chu kỳ hiện tại mà không rơi vào suy thoái kinh tế.
Hiện tại, ngân hàng này giảm khả năng suy thoái kinh tế Mỹ xuống 20% từ mức 25% và sẽ tiếp tục giảm thêm 5% khả năng nếu dữ liệu việc làm tháng tới không quá tiêu cực - báo cáo sẽ được công bố vào đầu tháng 9.
Hơn nữa, đến thời điểm hiện tại, trước thềm hội nghị tài chính quan trọng diễn ra ở Jackson Hole, tất cả đặt cược vào khả năng FED bắt đầu giảm lãi suất trong cuộc hop tháng 9, từ 25 - 50 điểm phần trăm.
Rõ ràng, tính bất ổn của nền kinh tế số 1 gây khó khăn không ít cho các nhà xuất khẩu vào thị trường này. Đây là thị trường xuất khẩu lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam với 19 mặt hàng đạt trên 100 triệu USD, 8 mặt hàng đạt trên 500 triệu USD, 6 mặt hàng đạt trên 1 tỷ USD.
Tuy nhiên, bước ngoặt thay đổi sắp xảy ra từ sau tháng 9 với rất nhiều chính sách tài khóa tiền tệ mới. Trước cuộc họp của FED là hội nghị tài chính Jackson Hole 2024 lấy chủ đề “Truyền tải chính sách tiền tệ”.
Chủ đề này phản ánh sự quan tâm đặc biệt đến cách thức mà các chính sách tiền tệ, bao gồm lãi suất và các biện pháp tài chính khác, được triển khai trong nền kinh tế và ảnh hưởng đến các khía cạnh như lạm phát, tăng trưởng kinh tế và thị trường lao động.
Thế giới mong chờ thời kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ, các đồng tiền “mỏ neo” như USD, euro,… sẽ giảm giá. Điều này tác động ngay lập tức đến tỷ giá, cán cân xuất nhập khẩu, lợi nhuận quy đổi của doanh nghiệp.