Chống thất thu thuế chuyển nhượng bất động sản: Cần vá “lỗ hổng”… pháp lý

GIA NGUYỄN 01/05/2022 04:00

Bên cạnh các giải pháp về minh bạch giá, theo các chuyên gia, để chống thất thu thuế chuyển nhượng bất động sản, cần vá “lỗ hổng” pháp lý…

>> Chống thất thu thuế chuyển nhượng bất động sản: Cần giải quyết điểm “tù mù” về giá

Theo thông tin từ Tổng cục Thuế, thông qua công tác đấu tranh với những đối tượng trốn thuế, tránh thuế liên quan đến chuyển nhượng bất động sản, ngành Thuế đã phát hiện những thủ đoạn, chiêu trò cơ bản mà các đối tượng thường sử dụng thông qua một số hình thức.

Cụ thể, hợp đồng chuyển nhượng là giao dịch dân sự giữa các bên và có thể thỏa thuận bằng văn bản, có thể thỏa thuận bằng lời nói, thực tế hiện nay phát sinh trường hợp chuyển nhượng bất động sản với giá thể hiện trên hợp đồng không đúng với giá thực tế giao dịch.

Theo đó, có thể tồn tại song song 2 loại hợp đồng, như: Hợp đồng chuyển nhượng bất động sản có công chứng chứng thực theo quy định với giá nhà đất khai thấp hơn nhiều so với giá đất thực tế giao dịch để làm thủ tục đăng ký biến động. Và hợp đồng viết tay do hai bên tự ký ghi theo giá thực tế giao dịch để phòng ngừa khi tranh chấp tại toà.

Để trốn thuế nhiều chiêu trò đã được thực hiện trong các giao dịch bất động sản - Ảnh minh họa

Để trốn thuế nhiều chiêu trò đã được thực hiện trong các giao dịch bất động sản - Ảnh minh họa

Ví dụ, một căn nhà được giao dịch với giá 5 tỷ đồng sẽ phải đóng thuế thu nhập cá nhân 2%, tương đương với 100 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu hợp đồng công chứng để giá 2,5 tỷ đồng thì số thuế phải đóng giảm xuống chỉ còn 50 triệu đồng. Từ đó, Nhà nước sẽ thất thu 50 triệu đồng, còn người bán thì “ăn ra” được số tiền này.

Vì vậy, không ít người mua và người bán bắt tay nhau để ghi giá bán thấp hơn nhằm mục đích trốn thuế. Và thực tế cũng ghi nhận có nhiều trường hợp hồ sơ mới trúng đấu giá đất sau khi có giấy chứng nhận đã làm hợp đồng bán lại giá thấp hơn nhiều giá trúng đấu giá hoặc bằng giá của UBND.

>> Chống trốn thuế chuyển nhượng bất động sản

Không chỉ có vậy, chiêu thức “lách luật” đối với hợp đồng chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai thì giá trị hợp đồng mua bán nhà ở, công trình xây dựng trong tương lai của bên thứ 2 cho bên thứ 3 cũng chỉ ngang bằng giá đã mua của chủ đầu tư hoặc khi đã được cấp sổ thì người nộp thuế sẵn sàng khai báo thấp hơn giá của chủ đầu tư nhằm trốn thuế, tránh thuế.

Ngoài ra, một mánh khóe khác cũng thường xuyên được sử dụng đó là hiện trạng hai bên mua và bán chuyển nhượng bất động không ký kết hợp đồng chuyển nhượng mà ký kết hợp đồng ủy quyền (trong đó người được ủy quyền có quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt đối với bất động sản) nhằm tránh thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản.

Thực tế, việc kê khai giá chuyển nhượng bất động sản thấp hơn giá giao dịch thực tế để trốn thuế là câu chuyện diễn ra khá phổ biến trên thị trường bất động sản nên thời gian qua, không ít biện pháp siết chặt quản lý đã được các cơ quan quản lý Nhà nước đưa ra và đem đến những tín hiệu tích cực.

Chống thất thu thuế chuyển nhượng bất động sản, cần vá “lỗ hổng” pháp lý - Ảnh minh họa

Chống thất thu thuế chuyển nhượng bất động sản, cần vá “lỗ hổng” pháp lý - Ảnh minh họa

Tuy nhiên, bên cạnh các chiêu trò đã được phanh phui, theo các chuyên gia, pháp luật hiện hành cho phép 2 cách tính thuế áp dụng đối với giao dịch chuyển nhượng bất động sản, đó là dựa vào giá trị ghi trên hợp đồng/hoặc dựa theo khung giá đất do Nhà nước quy định để tính giá trị tính thuế nếu hợp đồng không ghi rõ hoặc giá trị mua bán trong hợp đồng thấp hơn giá trị tính theo khung giá Nhà nước - chính là “lỗ hổng” để các cá nhân, tổ chức có thể lợi dụng thực hiện hành vi trốn thuế trong giao dịch chuyển nhượng bất động sản.

Các chuyên gia dẫn chứng, bảng khung giá đất do Nhà nước ban hành thường thấp hơn giá thị trường, thậm chí thấp hơn từ 50 - 70% tùy theo từng khu vực, vị trí... Luật pháp cũng cho phép giao dịch bất động sản người mua và người bán được quyền thỏa thuận giá cả, chỉ cần bằng hoặc cao hơn mức Nhà nước quy định.

Và thực tế cho thấy, hiện nay trong các giao dịch mua bán chuyển nhượng bất động sản, người nộp thuế thường tìm cách trốn tránh phải nộp khoản thuế cao theo đúng quy định. Khi làm thủ tục công chứng chuyển nhượng bất động sản, bên bán và bên mua thường thỏa thuận khai giá trong hợp đồng công chứng thấp hơn rất nhiều so với giá trị thực tế, khiến nguồn thu thuế từ các giao dịch này nộp vào ngân sách Nhà nước bị thất thoát.

Vụ việc Công an tỉnh Phú Yên khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Ngô Thị Điều (doanh nhân ở Quy Nhơn) để điều tra về tội “trốn thuế” chuyển nhượng 262 lô đất tại Khu đô thị mới Nam Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên trong tháng 9/2021 có thể coi là một ví dụ điển hình khi kết quả điều tra ban đầu cho thấy, sau khi đấu giá trúng 262 lô đất Khu đô thị Nam Tuy Hòa vào tháng 5/2017, bà Điều đã thực hiện nghĩa vụ tài chính và được Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai Tuy Hòa cấp chứng nhận quyền sử dụng đất với toàn bộ 262 lô đất nêu trên.

Từ tháng 8/2017 đến tháng 9/2020, bà Điều đã chuyển nhượng 259/262 lô đất nêu trên cho khách hàng nhưng kê khai số tiền mỗi lô đất bán trong hợp đồng chuyển nhượng thấp hơn tiền thực thu của khách, với tổng số tiền chênh lệch hơn 158,8 tỷ đồng, gây thất thu thuế cho Nhà nước hơn 2 tỷ đồng.

Thông tin với báo chí, bà Lê Thu Hiền - Hiệp hội Kế toán hành nghề Việt Nam cho rằng, lỗ hổng luật pháp và chế tài xử phạt chưa mạnh cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng các cá nhân, doanh nghiệp có hành vi trốn thuế giao dịch bất động sản. Ngoài việc phân cấp, phân quyền cho các địa phương tăng cường kiểm soát chống thất thu thuế giao dịch bất động sản, cần phải sửa đổi các quy định cho chặt chẽ, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong thực thi.

Theo bà Hiền, biện pháp hiệu quả để ngăn chặn trốn thuế giao dịch bất động sản, đó là Nhà nước cần xác định giá của bảng khung giá đất ngang bằng với giá thị trường hoặc thấp hơn nhưng không quá 20%. Yêu cầu tất cả các hợp đồng chuyển nhượng bất động sản khi đủ điều kiện công chứng phải giao dịch qua kênh ngân hàng kèm theo tất cả chứng từ giao dịch.

Được biết, để đảm bảo công bằng giữa các tổ chức, cá nhân nộp thuế, tránh thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh bất động sản, vừa qua, Tổng cục Thuế đã và đang nghiên cứu, tham mưu với các cơ quan chức năng sửa đổi, bổ sung đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật về thuế liên quan đến căn cứ tính thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ và thu nhập doanh nghiệp. Bổ sung quy định thanh toán qua ngân hàng đối với hoạt động chuyển nhượng bất động tại Điều 16 Luật kinh doanh bất động sản số 66/2014/QH13 ngày 25/11/2014 đồng thời bổ sung chức năng điều tra cho cơ quan thuế.

Có thể bạn quan tâm

  • Chống thất thu thuế chuyển nhượng bất động sản: Cần giải quyết điểm “tù mù” về giá

    Chống thất thu thuế chuyển nhượng bất động sản: Cần giải quyết điểm “tù mù” về giá

    04:00, 30/04/2022

  • Chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản

    Chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản

    00:07, 30/04/2022

  • Giải pháp căn cơ để chống thất thu thuế bất động sản

    Giải pháp căn cơ để chống thất thu thuế bất động sản

    12:39, 21/03/2022

  • Chống thất thu thuế bất động sản

    Chống thất thu thuế bất động sản

    15:00, 05/03/2022

  • Chống thất thu thuế thương mại điện tử

    Chống thất thu thuế thương mại điện tử

    21:18, 24/02/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chống thất thu thuế chuyển nhượng bất động sản: Cần vá “lỗ hổng”… pháp lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO