Thị trường chứng khoán tiếp tục giảm điểm sau khi đánh mất vùng hỗ trợ 1.240 điểm trong phiên trước để chốt cuối tuần 15/11 tại 1.271,22 điểm.
Theo đánh giá của Dragon Capital, trên các thị trường, vẫn có xu hướng vốn rút ròng và thị trường chứng khoán (TTCK) cũng sẽ chịu chiết khấu về định giá.
Với chiến thắng của ông Trump, các chuyên gia dự đoán sẽ có những thay đổi lớn về chính sách, ảnh hưởng đến quy mô toàn cầu trong bốn năm tới. Nhiều ý kiến cho rằng chính quyền do ông Trump dẫn dắt có thể gây ra thách thức đối với nền kinh tế dựa vào xuất khẩu, trong đó có Việt Nam.
Theo Dragon Capital, trong chiến dịch tranh cử năm 2024, ông Trump đề cao các biện pháp thương mại mạnh mẽ nhằm bảo vệ nền kinh tế Mỹ. Cụ thể: 1) Áp thuế 60% lên hàng hóa từ Trung Quốc nhằm giảm thâm hụt thương mại với quốc gia này và thúc đẩy sản xuất trong nước; và 2) Áp thuế rộng từ 10% - 20% đối với các quốc gia khác, nhằm bảo vệ các ngành công nghiệp Mỹ trước sự cạnh tranh quốc tế.
"Việc các tuyên bố trong chiến dịch có trở thành chính sách trong thực tế hay không vẫn chưa chắc chắn. Điều này còn phụ thuộc vào thời gian chuyển giao giữa các chính quyền cũng như mức độ kiểm soát và đồng thuận mà Đảng Cộng hòa có thể đạt được tại Quốc hội. Tuy nhiên, các rủi ro từ chính sách bảo hộ, đặc biệt là các biện pháp trừng phạt nhắm vào Trung Quốc, là điều cần được đánh giá kỹ lưỡng", chuyên gia Dragon Capital nhận định.
Cập nhật thông tin liên quan đến đảng Cộng hòa của ông Trump, theo CNN và NBC tối 13/11 (sáng 14/11 giờ Hà Nội), đã xác định đảng Cộng hòa đã đạt được 218 ghế cần thiết để duy trì thế đa số tại Hạ viện Mỹ gồm 435 ghế.
Chiến thắng của Đảng này tại Hạ viện, đồng nghĩa Đảng Cộng hòa kiểm soát lưỡng viện quốc hội và sẽ tạo điều kiện cho ông Donald Trump thúc đẩy chương trình nghị sự có thể thay đổi sâu sắc nước Mỹ như thuế quan, nhập cư và thương mại. Điều này cũng dấy lên lo ngại về khả năng lạm phát cao và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ quay trở lại thời kỳ giữ lãi suất cao để kềm chế lạm phát. Qua đó, tiếp tục tác động sâu sắc đến các dòng vốn đầu tư.
Trong ba năm trước khi COVID-19 bùng phát, dưới thời ông Trump, các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam đạt mức tăng trưởng lợi nhuận ròng ấn tượng, lên đến 19,1%. Tuy nhiên, các chính sách và phát ngôn khó đoán của ông Trump đã làm gia tăng độ biến động cho thị trường. Dù vậy, VN-Index vẫn ghi nhận mức lợi nhuận kép hàng năm khoảng 15% trong giai đoạn này, chỉ thấp hơn một chút so với tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp do chịu tác động chiết khấu từ sự biến động thị trường.
Hiện tại, Dragon Capital đánh giá, triển vọng kinh tế và thương mại của Việt Nam vẫn tương đối tích cực, được hỗ trợ bởi định hướng tăng trưởng của Chính phủ, mang lại nhiều cơ hội hơn là rủi ro.
Ở chiều ngược lại, đồng USD mạnh lên có thể kéo dài việc rút vốn của nhà đầu tư nước ngoài tại các thị trường mới nổi để chuyển sang thị trường Mỹ. Các thị trường mới nổi, bao gồm Việt Nam, có thể tiếp tục phải chịu chiết khấu về định giá, như đã xảy ra trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Trump. Điều này dẫn đến lợi nhuận kỳ vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam có thể thấp hơn so với tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp.
"Dù vậy, P/E dự phóng năm 2024 của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn ở mức 11,5 lần, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 5 năm là 17,2 lần, cho thấy khả năng giảm thêm sẽ bị hạn chế nhờ quan điểm tích cực của các nhà đầu tư trong nước", các chuyên gia lưu ý.
Trên thực tế, trong thời gian vừa qua, nhà đầu tư trên thị trường đang tỏ rõ thái đô thận trọng đối với thị trường chứng khoán. Thị trường gần như đã không còn câu hỏi "Liệu VN-Index có thể đạt đến 1.350 điểm?" như kịch bản dự phóng hồi đầu năm theo hướng tích cực của nhiều tổ chức đưa ra, mà thay vào đó, nhà đầu tư đang bắt đầu nghi ngại với việc: "Liệu có khả năng VN-Index rớt về dưới 1.200 điểm?".
Kết phiên 15/11, VN-Index ghi nhận giảm 13,32 điểm (-1,08%), đóng cửa tại 1.218,57 điểm. Thanh khoản khớp lệnh tăng với 668 triệu cổ phiếu được khớp lệnh trên sàn HOSE. VN30-Index giảm 15,43 điểm (-1,2%), đóng cửa tại 1.271,22 điểm. Trong nhóm, chỉ có 3 mã tăng giá, đó là VRE (+0,6%), SSB (+0,3%), BVH (+0,1%). Ngược lại, có đến 26 mã đóng cửa trong sắc đỏ như SSI (-3%), HPG (-2,3%), POW (-2,2%), HDB (-2,2%), VNM (-2%)…
Với diễn biến suy yếu của thị trường, sắc đỏ vẫn đang áp đảo trên thị trường với nhiều nhóm cổ phiếu chìm trong vùng giá đỏ. Nhóm Bán lẻ, nhóm Thép, nhóm Chứng khoán, nhóm Ngân hàng … tiếp tục gây sức ép lên thị trường.
HNX-Index giảm 2,29 điểm xuống 221,53 điểm.
Trong phiên này, động thái bán mạnh diễn ra và khối ngoại cũng tiếp tục bán ròng trên sàn HOSE, với giá trị 1.315,7 tỷ đồng. Trong đó, họ bán mạnh tại VHM (-700,8 tỷ), FPT (-338 tỷ), SSI (-208,7 tỷ), VNM (-112,4 tỷ), VPB (-77 tỷ) … Ở chiều ngược lại, họ mua nhiều tại KBC (+74,6 tỷ), CTG (+35,6 tỷ), ILB (+32,7 tỷ), VTP (+27,7 tỷ), CMG
(+25,8 tỷ) …
Việc thị trường tiếp tục giảm điểm sau khi đánh mất vùng hỗ trợ 1.240 điểm trong phiên trước và thanh khoản dù tăng vẫn ở dưới mốc 20.000 nghìn tỷ, cho thấy nguồn cung vẫn gây áp lực đến thị trường. Mặc dù các rủi ro vĩ mô được đánh giá là đã được phản ánh hết, song với diễn biến này, khả năng thị trường hồi phục nhờ "quan điểm tích cực của các nhà đầu tư trong nước" đang tỏ ra yếu đi và thay cho rủi ro tiềm ẩn lùi về vùng 1.200 điểm.