“Nếu trao quyền quyết định giá bán cho doanh nghiệp đầu mối, cần có cơ chế kiểm soát chặt, kịp thời để bảo đảm giá mặt hàng quan trọng này không tăng "sốc", ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng…”.
Đây là quan điểm của TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách xung quanh đề xuất của Bộ Công Thương về cơ chế cho doanh nghiệp tự quyết giá bán xăng dầu để dần tiệm cận theo cơ chế thị trường trong dự thảo nghị định kinh doanh xăng dầu đang được dư luận hết sức quan tâm.
>>Xuất hóa đơn bán lẻ xăng dầu: Còn “vướng” ở đâu?
Theo đề xuất, Nhà nước sẽ công bố giá thế giới bình quân 15 ngày, làm căn cứ điều hành giá xăng dầu 15 ngày/lần. Thương nhân đầu mối sẽ căn cứ các yếu tố cố định như thuế các loại và được quyền cộng thêm các khoản chi phí định mức đã được quy định để công bố giá bán xăng dầu trên thị trường.
Nhưng giá bán xăng dầu do thương nhân đầu mối công bố sẽ không được vượt qua giá tối đa. Công thức của giá xăng dầu tối đa (giá bán cao nhất do thương nhân đầu mối công bố) sẽ bao gồm giá xăng dầu thế giới bình quân 15 ngày, tỉ giá ngoại tệ, tỉ lệ chi phí kinh doanh và lợi nhuận của doanh nghiệp, các loại thuế.
Trong trường hợp tỉ lệ chi phí kinh doanh và lợi nhuận của doanh nghiệp tăng, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng xem xét điều chỉnh tỉ lệ này cho phù hợp với thực tế.
Bộ Công Thương cho rằng theo phương thức này, việc tính toán chi phí hằng tháng của thương nhân được giảm bớt. Đây cũng là cải cách để giúp thương nhân và cơ quan quản lý giá không phải tính toán, công bố định kỳ các chi phí. Cơ quan nhà nước sẽ theo dõi minh bạch việc công bố giá của doanh nghiệp.
Ngoài ra, phương thức mới này cũng tạo ra sự cạnh tranh về chi phí để doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường và thương nhân hoàn toàn có quyền bán thấp hơn giá bán tối đa theo công thức giá quy định, qua đó loại bỏ việc áp dụng giá bán xăng dầu vùng 2.
Chia sẻ quan điểm về đề xuất mới này, từ thực tế kinh doanh, ông Giang Chấn Tây - giám đốc Công ty Bội Ngọc cho biết, thời gian qua, doanh nghiệp đầu mối mua xăng dầu theo giá thị trường thế giới nhưng bán theo giá quy định. Do đó đã xảy ra những hệ lụy khiến doanh nghiệp lỗ, tác động lớn đến nhiều khâu trong chuỗi cung ứng xăng dầu. Bên cạnh đó, do giá không theo thị trường nên xảy ra hiện tượng đứt gãy nguồn cung, doanh nghiệp chờ giá tốt mới nhập hàng.
Ông Tây cho rằng, nếu đưa mặt hàng xăng dầu sang cơ chế thị trường, giá cả do thị trường quyết định và doanh nghiệp đầu mối tự quyết giá thì đây sẽ là bước ngoặt giúp ổn định thị trường kinh doanh xăng dầu khi giá bán lẻ bù đắp được đầy đủ các chi phí kinh doanh xăng dầu.
Cũng đồng tình với phương án này, ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng, điều này phù hợp trong bối cảnh giá xăng dầu có nhiều biến động phức tạp, các phát sinh chi phí chỉ được tính vào giá bán xăng dầu 3 tháng hoặc 6 tháng 1 lần, khiến doanh nghiệp chịu thiệt.
Bởi công thức tính giá bình quân gia quyền của các doanh nghiệp xăng dầu vô hình trung khiến một số doanh nghiệp lợi lớn, nhưng cũng khiến số doanh nghiệp khác chịu lỗ. Do vậy, nếu để doanh nghiệp tự tính giá bán lẻ, với công thức tính giá của cơ quan quản lý, doanh nghiệp có thể căn cứ trên các chi phí của mình để đưa giá ra bán lẻ.
>>Xây dựng Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu - Vá “lỗ hổng” về cấp phép
Từ góc nhìn chuyên gia, TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP) phân tích, về cơ bản, so với giá cơ sở được công bố hằng tuần như hiện nay, việc để doanh nghiệp đầu mối xăng dầu tự quyết giá bán sẽ tạo cơ chế cạnh tranh tốt hơn, giúp gia tăng áp lực buộc các doanh nghiệp đầu mối tiếp tục giảm chi phí, bảo vệ tốt hơn các doanh nghiệp ở cuối chuỗi giá trị, nhất là các cửa hàng kinh doanh xăng dầu nhỏ lẻ. "Tuy nhiên, điều quan trọng là phải mở rộng hơn quyền lựa chọn nhập hàng của các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu", ông Việt nêu rõ.
Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Quốc Việt cũng nhìn nhận, việc có một số doanh nghiệp đầu mối xăng dầu chi phối thị trường ở cả khâu nhập khẩu cho đến bán lẻ thì cơ chế mới như đề xuất vẫn chưa giải quyết được gốc rễ của vấn đề thị trường xăng dầu hiện nay. Ông Việt cho rằng, nếu trao quyền quyết định giá bán cho doanh nghiệp đầu mối, cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, kịp thời để bảo đảm giá mặt hàng quan trọng này không tăng "sốc", ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, PGS-TS Ngô Trí Long nhận định rằng, đề xuất hướng đến cơ chế tự quyết định giá của doanh nghiệp là bước đi mới, hướng đến sự thay đổi mạnh mẽ về mặt quản lý, điều hành giá. Tuy nhiên, cần xem xét thấu đáo khi trao quyền quyết định giá bán xăng dầu cho doanh nghiệp đầu mối.
"Tại dự thảo, nhà nước vẫn quy định trong cơ cấu tính giá những yếu tố phần "cứng", còn phần "mềm" như chi phí kinh doanh là doanh nghiệp quyết định, tính toán", ông Long nói và cho rằng phần "cứng" thì đã có quy định, còn phần "mềm" khi trao quyền cho doanh nghiệp thì phải có cơ chế để kiểm soát chặt chẽ, tránh tình trạng đẩy giá.
Mặt khác, theo PGS-TS Ngô Trí Long, hiện có một số "ông lớn" xăng dầu giữ vị thế thống lĩnh thị trường, nếu để cho họ được quyết định giá bán, liệu họ có tạo ra "luật chơi" hay không và có bảo đảm yếu tố thị trường hay không.
"Như vậy, mục tiêu tạo ra sự cạnh tranh, tăng cường tính công khai, minh bạch trên thị trường xăng dầu như cơ quan soạn thảo đề ra có đạt được hay không", chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đặt vấn đề và bày tỏ lo ngại nếu để doanh nghiệp đầu mối giữ vị thế thống lĩnh thị trường quyết định giá thì sẽ có nhiều vấn đề xảy ra.
Có thể bạn quan tâm