Cổ phiếu STB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã có nhiều phiên giao dịch vừa qua tăng kịch trần.
Trong phiên giao dịch ngày 25/9, cổ phiếu STB đã tăng trần lên 13.300 đồng/cổ phiếu, với 39 triệu cổ phiếu STB được khớp lệnh. Đây không phải là phiên duy nhất STB có khối lượng cổ phiếu được trao tay lớn như vậy. Trước đó vào ngày 24/9 có 17 triệu cổ phiếu STB được khớp lệnh; Ngày 23/9 có 24 triêu cổ phiếu STB được khớp lệnh; Ngày 22/9 có 45 triệu cổ phiếu STB được khớp lệnh... Đây là khối lượng cổ phiếu STB được khớp lệnh khủng nhất trong vòng 9 tháng qua. Vậy STB có gì đặc biệt mà hút mạnh dòng tiền như vậy?
Mới đây trên thị trường chứng khoán Việt Nam đồn đoán Công ty Ô tô Trường Hải (Thaco) sẽ mua gần 176 triệu cổ phiếu STB từ Kienlongbank, tương đương khoảng 10% cổ phiếu STB đang lưu hành. Thông tin này đã giúp cổ phiếu STB tăng mạnh ngày 22/9 với hơn 45 triệu cổ phiếu được khớp lệnh. Tuy nhiên sau đó, thông tin được Thaco và KienlongBank phủ nhận. Được biết, tin đồm này xuất phát từ nhiều năm qua khi Kienlongbank đã nhiều lần chào bán lượng lớn cổ phiếu STB để xử lý nợ, nhưng không thành công.
Trước đó, có thông tin NHNN sẽ xúc tiến kế hoạch thoái khoảng 53% cổ phần đang nhận ủy quyền tại Sacombank qua đầu mối Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam - VAMC. Được biết, phía Sacombank đã đề xuất với NHNN hướng thoái vốn, tuy nhiên điều băn khoăn nhất từ NHNN là phải tìm được Tập đoàn lớn nào có đủ khả năng về tài chính tiếp quản được số cổ phần này.
Ông Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, dù các bên có liên quan đã phủ nhận thông tin thoái vốn và mua cổ phần STB, nhưng khả năng cuộc thoái vốn hoặc giao dịch lớn tại STB đều có thể xảy ra. Đây là lý do vì sao dòng tiền lớn chảy mạnh vào cổ phiếu STB trong những phiên giao dịch vừa qua.
Nhìn lại cơ cấu hiện tại, ngoài số cổ phần mà NHNN nhận ủy quyền, trong cổ đông nội bộ và các thành viên Hội đồng Quản trị, Ban điều hành STB chỉ có ông Dương Công Minh - Chủ tịch HĐQT có tỷ lệ sở hữu lớn nhất (hơn 62,5 triệu cổ phiếu tính đến cuối tháng 6/2020, ứng với tỷ lệ 3,31%).Ông Dương Công Minh cũng là người trực tiếp dẫn dắt ngân hàng này bắt đầu quá trình tái cơ cấu.
Sau hơn ba năm tái cơ cấu, kết quả kinh doanh của STB đều lần lượt vượt xa kế hoạch đề ra hàng năm, cũng như từng bước xử lý được lượng lớn nợ xấu… STB đã báo lãi hơn 343 tỷ đồng trong quý 2, nâng tổng lợi nhuận 6 tháng đầu năm lên 1.129 tỷ đồng. Như vậy, STB đã trở thành ngân hàng thứ 9 lọt vào danh sách câu lạc bộ lãi nghìn tỷ năm 2020.
Có thể bạn quan tâm