Cổ phiếu STB đã có một phiên giao dịch ấn tượng, khi thị trường đón nhận tin bà Nguyễn Đức Thạch Diễm – Tổng giám đốc Sacombank, gửi tâm thư khi rời ghế Tổng Giám đốc.
Ngày 20/5, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm – Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài gòn Thương Tín (Sacombank, mã CK: STB), đã gửi thư chia tay toàn thể cán bộ nhân viên, thông báo hoàn tất nhiệm kỳ gần 8 năm điều hành ngân hàng.
Trong thư, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm – CEO Sacombank thông báo sẽ rời cương vị Tổng giám đốc Sacombank sau gần 8 năm điều hành. "Tôi chính thức hoàn tất sứ mệnh Hội đồng quản trị giao, khép lại một chặng đường với Sacombank: An toàn – Hiệu quả – Bền vững trong thời kỳ hai thập kỷ cơ cấu", bà viết.
Hiện Sacombank chưa có cập nhật về việc bổ nhiệm nhân sự tiếp theo song thị trường cũng đã bắt đầu có những thông tin đồn đoán khác nhau về ban lãnh đạo tiềm năng và người kế nhiệm.
Giữa bối cảnh như vậy, cổ phiếu STB đã có phiên giao dịch với khối lượng khớp lệnh trên 37 triệu đơn vị. Khép phiên 21/5, STB tăng 5,7% đưa thị giá lên 41.750đ/cp.
Theo thông tin từ STB, ngân hàng đã sắp đến đích đề án tái cơ cấu. Tính đến cuối năm 2024, Sacombank đã thu hồi và xử lý gần 10.000 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng, nâng tổng lũy kế lên 103.988 tỷ đồng, trong đó 76.695 tỷ đồng thuộc Đề án tái cơ cấu. Nhờ đó, tỷ trọng nợ xấu và tài sản tồn đọng trong tổng tài sản giảm mạnh từ 28,1% xuống còn 2,4%, tương đương mức giảm 80,5%.
Đặc biệt, Sacombank đã hoàn tất xử lý toàn bộ 21.576 tỷ đồng lãi dự thu được khoanh và trích lập 100% dự phòng cho danh mục nợ tồn đọng còn lại. Hiện ngân hàng đang chờ thu lại khoản tiền đấu giá thành công dự án KCN Phong Phú, đồng thời chờ NHNN phê duyệt và triển khai phương án xử lý đối với khoản nợ được bảo đảm hơn 32% vốn cổ phần của ông Trầm Bê cùng những người có liên quan. Từ đó, có cơ sở hoàn tất các nghĩa vụ còn lại, tiến hành các thủ tục cần thiết để tăng vốn điều lệ.
Năm 2025 Sacombank đặt ra các mục tiêu trọng yếu như: tổng tài sản đạt 819.800 tỷ đồng, tăng 10%; tổng nguồn vốn huy động đạt 736.300 tỷ đồng, tăng 9%. Tổng dư nợ tín dụng đạt 614.400 tỷ đồng, tăng 14%.
Theo đó, kể từ khi thực hiện Đề án tái cơ cấu năm 2016, Sacombank ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng gấp 94 lần, dù vốn điều lệ không thay đổi. Thành tựu đáng kể này cũng chính là giai đoạn gắn liền với nữ CEO Nguyễn Đức Thạch Diễm khi bà được bổ nhiệm vị trí TGĐ vào tháng 7/2027 đến tháng 5/2025.
Đánh giá về thông tin mà thị trường đang lan truyền, với những thay đổi tiềm năng trong ban lãnh đạo tại STB, Chứng khoán Maybank Investment Bank “xem đây là một tín hiệu tích cực cho cổ phiếu STB”. Có hai lý do sau:
Thứ nhất, ý định kiểm soát STB sẽ khuyến khích các bên liên quan tích lũy cổ phiếu và nắm giữ chặt chẽ cổ phần của họ tại STB. Điều này cũng có vẻ thuận lợi cho đợt đấu giá 33% cổ phần tại STB sắp tới (nhằm hoàn tất kế hoạch tái cơ cấu 10 năm của STB).
Thứ hai, ban lãnh đạo mới tiềm năng có vẻ mạnh mẽ, điều này sẽ hỗ trợ STB thúc đẩy tăng trưởng trong chu kỳ mới (với cả vốn hóa mạnh hơn và vị thế vững chắc hơn. Lưu ý rằng STB được công nhận là một "thế lực" trong lĩnh vực cho vay SME. SME/khu vực tư nhân đang được thúc đẩy theo mô hình phát triển mới).
Sau tất cả, vị thế tài chính tốt và lợi ích to lớn mang lại cho cổ đông từ việc bán 33% cổ phần là những lý do chính để chúng tôi tái khẳng định khuyến nghị MUA đối với STB, theo Maybank Investment Bank.
“Kết quả năm tài chính 2024 và quý 1 năm 2025 xác nhận sự phục hồi của STB sau quá trình tái cơ cấu. Để hoàn thành kế hoạch tái cơ cấu, STB phải hoàn tất việc bán 33% cổ phần do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nắm giữ, vốn cũng được sử dụng làm tài sản thế chấp cho các tài sản cũ, trong vòng năm 2025. Sau đó, STB có thể chia cổ tức. Chúng tôi tin rằng những yếu tố này sẽ là chất xúc tác mạnh mẽ để cổ phiếu STB được định giá lại”, CTCK này nhận định.