Bên lề kỳ họp Quốc hội, vấn đề doanh nghiệp nợ, trốn đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH) được nhiều đại biểu quan tâm và đề nghị Chính phủ cần có giải pháp quyết liệt để bảo vệ quyền lợi của người lao động.
Nợ BHXH gia tăng
Theo ông Mai Đức Thắng - Phó Trưởng Ban Thu, BHXH Việt Nam thì tính đến hết tháng 4-2019, tổng thu BHXH, BHYT toàn ngành là 79.293 tỷ đồng, đạt 22,1% kế hoạch Chính phủ giao. Dù tiến độ thu là khá khả quan so với cùng kỳ các năm trước nhưng tình hình nợ BHXH lại có chiều hướng gia tăng so với thời điểm cuối năm 2018. Ðến Qúy I, số nợ BHXH phải tính lãi là 6.436 tỷ đồng, chiếm 2% số phải thu, tăng 1.087 tỷ đồng so cuối năm 2018.
Theo đánh giá của BHXH Việt Nam, nguyên nhân của tình trạng nợ đọng, chậm đóng BHXH, BHYT có nhiều, nhưng nguyên nhân đầu tiên và cơ bản nhất là từ hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật BHXH, BHYT của chủ sử dụng lao động. Một số chủ sử dụng lao động nhận thức về trách nhiệm tham gia BHXH, BHYT cho người lao động còn hạn chế, nhất là khu vực ngoài nhà nước. Do vậy, việc đóng chậm, đóng thiếu hoặc trốn đóng BHXH, BHYT vẫn xảy ra.
Có thể bạn quan tâm
15:50, 15/04/2019
11:05, 20/12/2018
05:10, 25/11/2018
11:25, 17/10/2018
Cần có giải pháp
Bên lề kỳ họp Quốc hội, đại biểu Bùi Sỹ Lợi (đoàn Thanh Hóa), cho biết: hiện nay vấn đề giải quyết quyền lợi cho người lao động trong các doanh nghiệp nợ đọng, phá sản, giải thể hoặc có chủ là người nước ngoài bỏ trốn đang gặp khó khăn, nhất là chưa có giải pháp xử lý để bảo vệ quyền lợi cho người lao động.
“Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần yêu cầu BHXH Việt Nam cung cấp tất cả các doanh nghiệp và số người lao động bị ảnh hưởng quyền lợi về BHXH. Nếu có khó khăn, Chính phủ có thể trình Quốc hội đưa vấn đề giải quyết quyền lợi người lao động ở những doanh nghiệp này vào Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội hoặc chuyên đề giống như việc xử lý tiền lương cho lao động nữ bị ảnh hưởng từ 1/1/2018...”- đại biểu Lợi kiến nghị.
Liên quan đến giải quyết quyền lợi BHXH cho người lao động khi doanh nghiệp giải thể, phá sản, có chủ bỏ trốn, đại biểu Đào Ngọc Dung (đoàn Thanh Hóa) cũng nhận định: “Luật BHXH quy định Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có trách nhiệm xem xét và có giải pháp ngăn chặn tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHXH. Tuy nhiên, hiện có 3 cái khó, nên Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội không xử lý được vấn đề này”.
Cũng theo đại biểu Dung, ước tính số nợ BHXH hiện nay khoảng 3.000 tỉ đồng, chủ yếu rơi vào khối doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp liên kết. “Qua nghiên cứu, lại vướng vào 2 trường hợp, đó là là Luật BHXH không cho phép lấy từ kết dư quỹ BHXH chi giải quyết quyền lợi cho người lao động với doanh nghiệp giải thể, phá sản và Luật Ngân sách cũng không cho phép lấy ngân sách nhà nước bù cho vấn đề này. Thông lệ quốc tế cũng không có nước nào làm như vậy, mà thường thực hiện theo Luật Phá sản. Còn trên thực tế, nếu giải quyết được cho 1 doanh nghiệp, thì các doanh nghiệp khác làm thế nào, bởi doanh nghiệp phá sản là vấn đề thường thấy trong nền kinh tế thị trường”- đại biểu Dung chia sẻ.
Đại biểu Đào Ngọc Dung cho biết thêm, khó khăn nhất trong giải quyết quyền lợi cho người lao động trong các doanh nghiệp có chủ bỏ trốn. Vừa qua, Chính phủ yêu cầu trả sổ BHXH cho từng người lao động cũng như cập nhật phần mềm thu nộp BHXH của từng cá nhân thông qua điện thoại. “Mọi người có quyền cập nhật xem doanh nghiệp đóng BHXH cho mình hay chưa. Ngoài ra, Chính phủ cũng có báo cáo gửi các đại biểu quốc hội về vấn đề nợ BHXH của các doanh nghiệp phá sản, giải thể…”- ĐB Dung nhấn mạnh.
Trong khi đó, đại biểu Hứa Văn Nghĩa (đoàn Trà Vinh) cho rằng, do điều kiện chủ quan cũng như khách quan, nhiều người lao động không nắm được quyền lợi về BHXH, BHYT của mình, nên khi xảy ra những tình huống như trên thì thiệt thòi hoàn toàn thuộc người lao động. Bên cạnh đó, còn do tình trạng người lao động sợ mất việc làm không dám đấu tranh với chủ sử dụng lao động; hoặc do thiếu hiểu biết nên một số người lao động “bắt tay” với chủ sử dụng lao động để không nộp BHXH, BHYT, khiến họ mất đi quyền lợi chính đáng. Chính điều này vô hình khiến người lao động đang tiếp tay cho doanh nghiệp trục lợi BHXH, BHYT.
“Để khắc phục tình trạng này cũng như tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH, rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, trong đó cần chú trọng biện pháp mạnh như cảnh báo, răn đe, chuyển hồ sơ các vụ việc có dấu hiệu vi phạm sang cơ quan điều tra để khởi tố theo Bộ luật Hình sự hoặc tiến hành khởi kiện. Cần có chế xử lý nghiêm minh, không để DN chây ỳ trong đóng nộp BHXH”- ĐB Nghĩa nhấn mạnh.