Đấu thầu mua sắm công: Khe hở nào cho “hoa hồng”?

NGUYỄN GIANG thực hiện 29/06/2022 17:00

Việc chi “hoa hồng, lại quả” trong đấu thầu, mua sắm tài sản công đang là vấn nạn. Nguyên nhân là do còn nhiều kẽ hở trong các quy định pháp luật đặc biệt là trong Luật Giá và Luật Đấu thầu…

>>Hàng loạt "rào cản" khi doanh nghiệp tham gia đấu thầu mua sắm công

Đây là chia sẻ của luật sư Tạ Anh Tuấn – Trưởng Văn phòng Luật sư Bách Gia Luật và Liên danh (thuộc Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) với Diễn đàn Doanh nghiệp.

- Thưa luật sư, vấn đề gây "nhức nhối" nhất trong hoạt động đấu thầu mua sắm công hiện nay, được cho là không ít doanh nghiệp buộc phải bỏ ra khoản tiền lớn chi phí ngoài quy định, hay còn gọi là "hoa hồng" nhằm thông đồng, cấu kết, dàn xếp hoạt động đấu thầu để tạo điều kiện cho doanh nghiệp thắng thầu. Ông có thể cho biết rõ hơn về thực trạng này?

Thời gian qua, hàng loạt những vụ án trong ngành y tế đã phơi ra ánh sáng nhiều khuất tất, bí ẩn trong hoạt động đấu thấu, mua sắm thiết bị y tế. Hậu quả không chỉ là tiền của Nhà nước bị thất thoát, lãng phí, chất lượng hàng hóa dịch vụ không đảm bảo…, mà nhiều cán bộ, công chức và lãnh đạo các doanh nghiệp bị khởi tố, truy tố gây thiệt hại không nhỏ cho đất nước.

“Hoa hồng, lại quả” trong đấu thầu, mua sắm thiết bị y tế có thể chỉ là một trong các lĩnh vực bị phát hiện tiêu cực. Nhưng nhìn rộng ra các lĩnh vực khác như đầu tư, xây dựng, giáo dục, tài nguyên môi trường, mua sắm thường xuyên của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, mua sắm của các doanh nghiệp nhà nước... cũng khó tránh khỏi và luôn tiềm ẩn nguy cơ vướng phải vấn nạn này.

Thực trạng này cũng được thể hiện qua báo cáo “Đấu thầu mua sắm công từ góc nhìn của doanh nghiệp” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố ngày 16/6 cho thấy, cứ 3 doanh nghiệp thì có 1 đơn vị sẵn sàng trả chi phí ngoài quy định để tăng khả năng trúng thầu.

- Nguyên nhân nào dẫn đến vấn nạn “hoa hồng, lại quả” nêu trên, thưa ông?

Theo tôi, một phần là do còn nhiều kẽ hở trong các quy định pháp luật đặc biệt là những kẽ hở trong Luật Đấu thầuLuật Giá tạo điều kiện các bên liên quan khai thác.

Thứ nhất phải kể đến là hình thức “chỉ định thầu” đang tồn tại rất nhiều kẽ hở dễ bị lợi dụng. Theo đó, có thể thấy hình thức chỉ định thầu là một trong 06 hình thức lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu 2013. Do thủ tục lựa chọn nhà thầu đơn giản, thời gian thực hiện ngắn nên đây là hình thức được áp dụng tương đối phổ biến và dễ phát sinh tiêu cực.

Điều mà tôi muốn nói đến ở đây, đó chính là việc pháp luật đã trao quyền quá lớn cho đơn vị mời thầu, nhưng lại thiếu đi một cơ chế hiệu quả để kiểm tra giám sát các đơn vị này khiến cho các đối tượng dễ dàng lợi dụng để “cài cắm” những điều khoản, quy định các nội dung trong hồ sơ mời thầu có lợi điều kiện doanh nghiệp nhà thầu “sân sau” trúng thầu.

>>Đấu thầu mua sắm công: Chi “hoa hồng” đã là “luật bất thành văn”

 Máy xét nghiệm Covid 19 - Realtime PCR, một trong những thiết bị y tế được các địa phương mua sắm với nhiều mức giá khác nhau.

Máy xét nghiệm Covid 19 - Realtime PCR, một trong những thiết bị y tế được các địa phương mua sắm với nhiều mức giá khác nhau.

Thứ hai là do bất cập trong Luật Giá. Bởi, theo quy định Luật Giá, doanh nghiệp có chức năng thẩm định giá được quyền cung cấp dịch vụ thẩm định giá và nhận thù lao dịch vụ thẩm định giá theo giá thỏa thuận với khách hàng đã ghi trong hợp đồng; và hoạt động theo nguyên tắc độc lập về chuyên môn nghiệp vụ và chỉ chịu trách nhiệm trước khách hàng về tính chính xác, trung thực, khách quan của kết quả thẩm định giá… (Điều 29 và Điều 42 Luật Giá 2012). Tuy nhiên, Luật lại không hề có quy định cơ quan nào, cấp nào có quyền hậu kiểm kết quả thẩm định; giám sát, kiểm tra quy trình thực hiện của thẩm định viên có đảm bảo theo luật định…

Và từ đó, thông đồng, móc ngoặc cấu kết của nhiều bên, các gói thầu mua sắm công sẽ vào tay những doanh nghiệp nằm trong liên minh “ma quỷ” (cán bộ thoái hoá biến chất tại các đơn vị mời thầu, chủ đầu tư với các đơn vị thẩm định và doanh nghiệp) với giá trị bị thổi lên gấp nhiều nhiều lần so với thực tế. Phần chênh lệch đó được chia chác lại dưới cái tên gọi là “hoa hồng”.

Ngoài ra, vấn đề nhức nhối nữa phải kể đến đó chính là công tác cán bộ. Thực tế vẫn còn tồn tại một bộ phận cán bộ, công chức vô cảm, thiếu trách nhiệm, không hướng dẫn hoặc hướng dẫn không hết, mà tìm cách bắt lỗi doanh nghiệp, không coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ. Đây là lý do khiến doanh nghiệp phải “đi đêm”, “chung chi” phải chia “hoa hồng” phải “lại quả”.

- Dưới góc độ pháp lý, luật sư có kiến nghị gì để ngăn chặn những tiêu cực trong đấu thầu , mua sắm công?

Thời gian tới Nhà nước cần phải nhanh chóng bịt các lỗ hổng pháp luật đang tạo điều kiện cho các đối tượng khai thác thực hiện hành vi vi phạm, trục lợi. Đặc biệt là sớm sửa đổi các quy định Luật Đấu thầu, Luật Giá theo hướng công khai, minh bạch trong hoạt động đấu thầu, mua sắm công.

Cụ thể là tăng cường sử dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, công khai kết quả lựa chọn nhà thầu và hợp đồng, kết hợp với sử dụng tối đa và tối ưu công nghệ thông tin (hệ thống mạng đấu thầu mua sắm công, đấu thầu qua mạng e-procurement) trong các hoạt động tổ chức, quản lý đấu thầu.

Bên cạnh đó, cần tăng cường giám sát đấu thầu mua sắm công thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với cả các đơn vị mời thầu, các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu. Đặc biệt là vấn đề công bố thông tin mời thầu phải đảm bảo kịp thời và chính xác để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận một cách nhanh chóng.

Cuối cùng là cần phải xem xét sửa đổi bổ sung các quy định của pháp luật làm hạn chế sự lạm quyền của các đơn vị mời thầu, các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu. Đặc biệt xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với những tổ chức, cá nhân nếu phát hiện có hành vi thông đồng, nâng khống, trục lợi, làm thất thoát tài sản nhà nước.

- Xin cảm ơn luật sư!

Có thể bạn quan tâm

  • Hàng loạt

    Hàng loạt "rào cản" khi doanh nghiệp tham gia đấu thầu mua sắm công

    02:02, 21/06/2022

  • Đấu thầu mua sắm công: Chi “hoa hồng” đã là “luật bất thành văn”

    Đấu thầu mua sắm công: Chi “hoa hồng” đã là “luật bất thành văn”

    08:00, 17/06/2022

  • Cần nâng cao tính minh bạch và đẩy mạnh số hóa trong hoạt động đấu thầu

    Cần nâng cao tính minh bạch và đẩy mạnh số hóa trong hoạt động đấu thầu

    12:47, 16/06/2022

  • Ban hành Thông tư mới về đấu thầu qua mạng

    Ban hành Thông tư mới về đấu thầu qua mạng

    00:02, 11/06/2022

  • Lo sai phạm trong đấu thầu: Nhiều bệnh viện thiếu thuốc, vật tư y tế

    Lo sai phạm trong đấu thầu: Nhiều bệnh viện thiếu thuốc, vật tư y tế

    00:20, 04/06/2022

  • Đề nghị điều tra việc đấu thầu thiết bị y tế ở Quảng Ngãi

    Đề nghị điều tra việc đấu thầu thiết bị y tế ở Quảng Ngãi

    18:34, 26/05/2022

  • Phú Yên: “Lộ” hàng loạt sai phạm trong đấu thầu thiết bị dạy học

    Phú Yên: “Lộ” hàng loạt sai phạm trong đấu thầu thiết bị dạy học

    00:06, 18/05/2022

  • Tây Ninh: Bắt nguyên Giám đốc Sở Y tế do vi phạm quy định trong đấu thầu

    Tây Ninh: Bắt nguyên Giám đốc Sở Y tế do vi phạm quy định trong đấu thầu

    16:55, 17/05/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đấu thầu mua sắm công: Khe hở nào cho “hoa hồng”?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO