Để phát triển bền vững ngành cá tra cần hình thành chuỗi giá trị giữa nông dân và doanh nghiệp, ngành nông nghiệp sẽ cùng địa phương nâng cao chất lượng con giống để thu hút doanh nghiệp.
>>>Doanh nghiệp xuất khẩu cá tra "gỡ gạc" ở thị trường nhỏ
Phát biểu tại họp báo Lễ hội cá tra lần thứ nhất năm 2022 với chủ đề “Vươn ra biển lớn” Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, năm 2022, mặc dù chịu tác động từ hậu quả của đại dịch COVID-19, nhưng ngành hàng cá tra rất năng động, sáng tạo, duy trì chuỗi sản xuất, cung ứng, tận dụng tối đa nhu cầu từ thị trường sau đại dịch.
Với lợi thế tuyệt đối về điều kiện tự nhiên, cá tra (Pangasianodon hypophthalmus), loài thủy sản đặc hữu có giá trị kinh tế của khu vực của vùng sông nước Đồng bằng sông Cửu Long. Ngành hàng cá tra Việt Nam không ngừng phát triển và đã trở thành ngành công nghiệp cá tra nổi tiếng toàn cầu với sản lượng hàng năm vượt 1,5 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 2 tỷ USD, tạo việc làm và thu nhập cho hàng trăm nghìn lao động.
Bất chấp bối cảnh dịch bệnh, sản lượng cá tra năm nay dự kiến đạt 1,68 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu dự kiến trên 2,4 tỷ USD - cao nhất trong lịch sử của ngành hàng.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, để phát triển bền vững ngành hàng cá tra cần nhiều giải pháp đồng bộ như: liên kết, hình thành chuỗi giá trị giữa người nông dân và doanh nghiệp; quy hoạch vùng sản xuất, cơ sở chế biến cá tra; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, dự báo tình hình cung - cầu; đa dạng hóa sản phẩm để gia tăng giá trị. Ngành hàng cũng tiến tới sử dụng hiệu quả phụ phẩm gắn với kinh tế tuần hoàn; xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường tiêu thụ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.
Đặc biệt, ngành nông nghiệp sẽ cùng các địa phương tập trung nâng cao chất lượng con giống, ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất để nâng cao hiệu quả, chất lượng và an toàn thực phẩm của các sản phẩm.
“Để thúc đẩy phát triển cá tra, hiện chúng ta đã triển khai đề án cá tra ba cấp, giao viện nghiên cứu thuỷ sản 2 lựa chọn dòng cá, giống đồng bộ tạo chất lượng đồng đều. Các doanh nghiệp từ đó sẽ đầu tư….Có thể nói, đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư trong nuôi trồng cá tra”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) cho hay hết tháng 11, xuất khẩu cá tra vẫn tăng trưởng mạnh nhất ở mức 63%, kim ngạch đạt gần 2,3 tỷ USD; cá ngừ là ngành có tăng trưởng lớn thứ 2 với mức 40% đạt 941 triệu USD.
Xuất khẩu mực, bạch tuộc cũng tăng trưởng mạnh 30%, đạt 704 triệu USD, xuất khẩu tôm có kim ngạch cao nhất đạt hơn 4 tỷ USD nhưng chỉ tăng 14% so với cùng kỳ.
Về thị trường, Mỹ vẫn là nhà nhập khẩu lớn nhất của thủy sản Việt Nam với giá trị trên 2 tỷ USD, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu sang Trung Quốc và thị trường Nhật Bản đạt doanh số gần tương đương nhau, khoảng 1,6 tỷ USD. Thị trường EU đóng góp trên 1,2 tỷ USD và thị trường Hàn Quốc đạt 882 triệu USD.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho biết, trong giá trị ngành hàng cá tra vẫn có tới 97% là sản phẩm phi lê. Về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cũng đồng tình: “Chúng ta có hơn 100 cơ sở chế biến cá tra tập trung ở khu vực ĐBSCL với công nghệ đạt trình độ cao như nhiều tên tuổi Vĩnh Hoàn…nhưng cá tra phi lê vẫn chiếm tới 97%, cho thấy đây cũng là mắt ghép cần hoàn thiện sâu, mà trước hết cần hoàn thiện về chính sách”.
Bên cạnh đó, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết thêm, phụ phẩm của ngành cá tra cũng chưa nhiều, còn đơn điệu, chủ yếu là dầu cá, bột cá, collagen, chưa tận dụng được thành tố quan trọng là máu cá, ông Toản đánh giá đây cũng là điểm nghẽn.
>>>Doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lo “đói” nguyên liệu
Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cũng nhận định cần củng cố thị trường trong nước. Bởi hiện cá tra tại thị trường miền Bắc còn chưa được quan tâm đúng mực.
Ở góc độ địa phương, ông Lê Hà Luân, Bí thư Thành ủy Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp cho biết, cá trá tra là sản phẩm lâu đời gắn với cuộc sống của người dân tỉnh. Trước kia, người dân chỉ đi vớt cá tra loại loại nhỏ (cá bột) về nuôi lớn trong ao nhà để làm nguồn thực phẩm chính gia đình. Nhờ sự phát triển khoa học công nghệ, doanh nghiệp đầu tư sản xuất, chế biến, cá tra từ ao làng đã “vươn ra biển lớn”, đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính trên thế giới.
“Cá tra hiện là 1 trong 5 mặt hàng chủ lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Tháp. Giá trị cá tra mang lại đã vượt cây lúa”, ông Lê Hà Luân thông tin.
Để xây dựng hình ảnh thủ phủ cá tra - Hồng Ngự; quảng bá, tri ân nghề nuôi cá tra, một trong những ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh Đồng Tháp nói riêng và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, lễ hội cá tra sẽ hướng đến tổ chức hàng năm. Đồng thời giới thiệu, quảng bá hình ảnh ấn tượng, đặc trưng, tiềm năng và thế mạnh về sản phẩm từ cá tra, đặc sản địa phương.
Điểm nổi bật của lễ hội cá tra lần thứ nhất năm 2022 sẽ là các hoạt động: trải nghiệm không gian cá tra và loài cá nói chung trong văn hóa Việt Nam và thế giới; thưởng thức biểu diễn ẩm thực, quà lưu niệm, các sản phẩm đặc sắc từ cá tra; hội thi ẩm thực từ cá tra; tham quan vùng nuôi và nhà máy chế biến cá tra. Thông qua các hoạt động tại lễ hội, các doanh nghiệp, đối tác có cơ hội gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ thông tin về thị trường trong và ngoài nước; kết nối cung cầu tiêu thụ nội địa và tìm kiếm các đối tác kinh doanh tiềm năng trong chuỗi ngành hàng này.
Không chỉ gói gọn trong các hoạt động giải trí, lễ hội còn là nơi tôn vinh những cá nhân, đơn vị, tổ chức có nhiều đóng góp cho sự phát triển của ngành hàng cá tra, hoạt động vì cộng đồng…
Trong khuôn khổ lễ hội còn có các diễn đàn, hội thảo như: hội nghị tổng kết ngành cá tra Việt Nam năm 2022, hội nghị chuỗi nuôi trồng, tiêu thụ, ký hết hợp tác và tọa đàm của ngành khuyến nông Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm
04:00, 21/08/2022
11:20, 13/08/2022
04:00, 09/05/2022
05:00, 05/05/2022