HoREA đề xuất Chính phủ và cấp có thẩm quyền xem xét không thực hiện kiểm toán nhà nước đối với dự án nhà ở xã hội do doanh nghiệp tự thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Góp ý cho Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số: 201/2015/QH15 của Quốc hội thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) đánh giá, các nội dung Dự thảo Nghị định, đặc biệt là tại khoản 1 Điều 4 quy định rõ “Nguyên tắc thực hiện các thủ tục hành chính trong Nghị định này” đối với từng chủ thể, trước hết là tổ chức, cá nhân lập, trình hồ sơ, đề nghị giải quyết thủ tục hành chính chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, chính xác, trung thực của nội dung hồ sơ và cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ, không được yêu cầu nộp thêm giấy tờ khác.
“Tại điểm c khoản 1 quy định: “cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính chỉ chịu trách nhiệm về những nội dung cho ý kiến, thẩm định, phê duyệt, quyết định theo quy định của Nghị định này; không chịu trách nhiệm về những nội dung đã được cơ quan, người có thẩm quyền khác chấp thuận, thẩm định, phê duyệt hoặc giải quyết trước đó”, sẽ giúp cho cán bộ, công chức, viên chức nhà nước yên tâm hơn trong thực thi công vụ”, ông Lê Hoàng Châu đánh giá.
Tuy nhiên, Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu cho rằng, Dự thảo Nghị định cũng còn một số quy định chưa thật phù hợp, chưa thật sát với thực tiễn. Do đó, Hiệp hội góp ý sửa đổi, bổ sung một số nội dung như sau: Hiệp hội đề nghị sửa đổi tiêu chí ưu tiên giao chủ đầu tư, tại khoản 2 Điều 12 của Dự thảo Nghị định để vừa đảm bảo công bằng, vừa thể hiện có ưu tiên.
Cụ thể, tiêu chí ưu tiên giao chủ đầu tư đối với trường hợp có từ 02 nhà đầu tư trở lên đáp ứng điều kiện giao chủ đầu tư được quy định như sau: Thứ nhất, tiêu chí về năng lực tài chính ưu tiên nhà đầu tư có tỷ lệ dư nợ tín dụng, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp trên vốn chủ sở hữu thấp hơn theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản.
Thứ hai, tiêu chí về kinh nghiệm thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở: ưu tiên giao nhà đầu tư có kinh nghiệm đã làm chủ đầu tư thực hiện nhiều dự án đầu tư xây dựng nhà ở với quy mô sử dụng đất, nhà ở, tổng mức đầu tư tương đương hoặc lớn hơn (đánh giá trên tiêu chí các dự án đã hoàn thành hoặc hoàn thành trên 50% hạng mục công trình dự án đầu tư xây dựng nhà ở và còn trong thời hạn thực hiện dự án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt).
Thứ ba, nhà đầu tư là doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc nhà đầu tư là doanh nghiệp đã thực hiện hoàn thành dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội hoặc hoàn thành trên 50% hạng mục công trình dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trong thời hạn thực hiện dự án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Bên cạnh đó, Hiệp hội đề nghị Bộ Xây dựng xem xét đề xuất Chính phủ và cấp có thẩm quyền xem xét bãi bỏ quy định tại điểm b khoản 4 Điều 123 Luật Xây dựng quy định “Cơ quan chuyên môn về xây dựng tổ chức kiểm tra công tác nghiệm thu của nhà đầu tư đối với các công trình không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này”, mà điểm a khoản 4 Điều 123 Luật Xây dựng quy định “Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng tổ chức kiểm tra công tác nghiệm thu của chủ đầu tư đối với công trình quan trọng quốc gia, công trình có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp”.
Bởi theo ông Lê Hoàng Châu, với quy định tại điểm b khoản 4 Điều 123 Luật Xây dựng thì hầu như tất cả các dự án bất động sản, nhà ở, bao gồm các dự án nhà ở xã hội tại khu vực đô thị có công trình chung cư cao tầng thì đều bị kiểm tra công tác nghiệm thu của chủ đầu tư, để quay trở lại thực hiện cơ chế xã hội hóa trước thời điểm Luật Xây dựng 2003 đã giao chủ đầu tư chịu trách nhiệm nghiệm thu công trình dự án với thành phần A-B-TK và tự lựa chọn đơn vị tư vấn xây dựng độc lập để thẩm định, thẩm tra, nên bộ máy cơ quan chuyên môn về xây dựng trong giai đoạn đó nhỏ hơn hiện nay.
“Hiệp hội cũng đề nghị Bộ Xây dựng xem xét đề xuất Chính phủ và cấp có thẩm quyền xem xét không thực hiện kiểm toán nhà nước đối với dự án nhà ở xã hội do doanh nghiệp tự thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất mà đất đó không phải là đất công, để không còn xảy ra trường hợp như Công ty Lê Thành tự thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để làm dự án nhà ở xã hội, “không dính 1m2 đất công” nào, cũng không sử dụng vốn ngân sách nhà nước mà lại bị kiểm toán nhà nước 03 dự án nhà ở xã hội của Công ty trong 03 năm liên tiếp”, Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu đề xuất.