Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021: Đề xuất các gói hỗ trợ khoảng 666.000 tỷ đồng

MINH CHÂU 05/12/2021 12:47

PGS. TS Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - đề xuất tổng giá trị các gói hỗ trợ khoảng 666.000 tỷ đồng cho 4 lĩnh vực ưu tiên để phục hồi và phát triển bền vững.

>>Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021: Chính sách phải xuất phát từ “hơi thở” cuộc sống!

Tham gia ý kiến tại “Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và Phát triển bền vững” sáng ngày 5/12, PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam thay mặt nhóm nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trình bày tham luận, đề xuất tổng giá trị các gói hỗ trợ khoảng 666.000 tỷ đồng cho 4 lĩnh vực ưu tiên để phục hồi và phát triển bền vững.

Gói hỗ trợ củng cố hệ thống y tế khoảng 76.000 tỷ đồng

Cụ thể, gói hỗ trợ thứ nhất mà PGS, TS Bùi Quang Tuấn nêu ra là gói củng cố hệ thống y tế. Các làn sóng dịch bệnh đã khiến hệ thống y tế tại nhiều tỉnh, thành phố bị thiệt hại nặng nề cả về nhân lực và vật lực. Dịch bệnh trên thế giới còn đang diễn biến phức tạp, hệ thống y tế cũng là tuyến phòng thủ đầu tiên và quan trọng nhất của không chỉ nền kinh tế mà còn cả quốc gia.

Vì vậy, củng cố hệ thống y tế, đặc biệt là y tế cơ sở, y tế dự phòng, phải là ưu tiên hàng đầu trong các gói hỗ trợ. Nhóm nghiên cứu cho rằng, gói củng cố hệ thống y tế cần khoảng 76.000 tỷ đồng. Căn cứ của đề xuất này dựa trên báo cáo của bộ Y tế về các khoản chi y tế để ứng phó với đại dịch Covid-19 ở Việt Nam.

Gói hỗ trợ củng cố hệ thống an sinh xã hội khoảng 58.000 tỷ đồng

Gói hỗ trợ thứ hai tập trung vào tiếp tục củng cố hệ thống an sinh xã hội. Mục tiêu chính là hỗ trợ những nhóm dân cư, người lao động chịu ảnh hưởng tiêu cực lớn nhất do dịch bệnh. Các biện pháp cụ thể bao gồm hỗ trợ việc khắc phục đứt gãy lao động (trợ giá cho các tuyến xe khách liên tỉnh, tàu hỏa phải chạy 50% công suất để chống dịch, nhà trọ 0 đồng trong vòng một tháng, hỗ trợ xét nghiệm miễn phí. Nếu bắt buộc phải làm theo quy định, hỗ trợ tiền điện cho mức tiêu thụ dưới 50 KW...).

Ở những nơi phải phong tỏa thì bảo đảm những người lao động nhập cư làm việc trong khu vực không chính thức không có giao kết hợp đồng được hỗ trợ đầy đủ để yên tâm ngồi nhà, giải ngân nhanh những người trong danh sách hộ nghèo cũng như những người tham gia bảo hiểm xã hội chính thức để bảo đảm họ nhận được hỗ trợ kịp thời trên cơ sở được bao phủ bởi hệ thống an sinh xã hội chính thức.

Gói củng cố hệ thống an sinh xã hội cần khoảng 58.000 tỷ đồng. Căn cứ của đề xuất này dựa trên Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9-4-2020, Nghị quyết 154/NQ-CP ngày 19-10-2020 và Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 ở Việt Nam.

PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.

PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.

Gói hỗ trợ doanh nghiệp khoảng 244.000 tỷ đồng

Nhóm nghiên cứu cũng đề nghị cần có gói hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực hơn. Thực tế triển khai các gói hỗ trợ doanh nghiệp vừa qua cho thấy hiệu quả chưa cao, chưa đúng đối tượng hoặc thủ tục hỗ trợ còn phức tạp. Nhiều doanh nghiệp có lợi nhuận âm do giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu và chi phí vận chuyển tăng mạnh, chịu gánh nặng các chi phí bảo đảm vừa sản xuất vừa chống dịch... lại không thuộc nhóm đối tượng hỗ trợ.

Trong khi có một số doanh nghiệp tuy sản lượng sản xuất giảm nhưng doanh thu vẫn cao hơn so với những năm trước thì lại được nhận hỗ trợ. Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp hoạt động trong một số lĩnh vực bị "đóng băng" do dịch bệnh như du lịch, khách sạn, nhà hàng..., việc miễn, giảm thuế thu nhập thực sự không có nhiều ý nghĩa đối với họ.

Nhóm nghiên cứu đề xuất gói hỗ trợ doanh nghiệp khoảng 244.000 tỷ đồng. Căn cứ của mức đề xuất này là tính đến tháng 10-2021, Chính phủ đã miễn, giảm, giãn 95.000 tỷ đồng tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất, miễn, giảm 27.000 tỷ đồng tiền lãi cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Như vậy, tổng hỗ trợ đã thực hiện là 122.000 tỷ đồng.

Sắp tới, để đảm bảo tính khả thi, các chính sách hỗ trợ có thể tiếp tục cố gắng duy trì được mức này trong 2 năm 2022-2023. Lộ trình giải ngân 122.000 tỷ đồng/năm trong 2 năm 2022-2023, tổng gói hỗ trợ là 244.000 tỷ đồng.

>>Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021: "Việt Nam cần có gói hỗ trợ đặc biệt để không bị lỡ nhịp"

Thêm vào đó, nhóm nghiên cứu cho rằng, cần phải sử dụng công cụ chính sách tiền tệ để hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Việc hạ mặt bằng lãi suất là rất cấp thiết. Lãi suất của Việt Nam mặc dù đã được hạ thấp so với năm 2020 nhưng hiện vẫn đang ở mức cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Giá vốn vì thế là đang cao trong khi các doanh nghiệp lại cần vốn để cầm cự, tồn tại và phát triển.

Gói hỗ trợ đầu tư công có quy mô 288.000 tỷ đồng

Đầu tư công là động lực để thúc đẩy, là vốn mồi để thu hút đầu tư xã hội, nhất là đầu tư cho hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng y tế đang khao khát các dự án. Theo cách tính lâu nay là một đồng đầu tư công kéo theo 5 đồng đầu tư xã hội. Vì vậy, giải ngân vốn đầu tư công là một kênh rất quan trọng để kích thích nền kinh tế trong giai đoạn đầu tư của khu vực tư nhân gặp nhiều khó khăn như hiện nay.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc cho đến cuối năm mà tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước mới đạt khoảng 55% so với kế hoạch cho thấy nguồn lực này chưa thực sự phát hiệu quả. Đây là vấn đề cần có các giải pháp khắc phục cụ thể, triệt để, cấp bách.

Quang cảnh Diễn đàn

Quang cảnh “Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và Phát triển bền vững”.

Vì vậy, nhóm nghiên cứu đề xuất gói đầu tư công có quy mô là 288.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2 năm 2022-2023. Căn cứ là quy mô gói hỗ trợ về đầu tư công nên nằm trong khoảng thấp hơn mức đầu tư công trung bình hàng năm theo kế hoạch đầu tư công trung hạn (2,87 triệu tỷ đồng trong giai đoạn 5 năm 2021-2025, tức là trung bình đạt 574.000 tỷ đồng/năm) để bảo đảm trong khả năng huy động nguồn lực của nền kinh tế.

Theo lộ trình giải ngân được đề xuất, vốn đầu tư công kế hoạch trung hạn được bổ sung thêm 50% trong 2 năm 2022 và 2023. Mức tăng này không quá cao so với kế hoạch đầu tư công trung hạn, và có thể vẫn đảm bảo khả năng hấp thụ của nền kinh tế. Như vậy, lộ trình giải ngân có thể chia đều theo năm, đạt 144.000 tỷ đồng/năm trong giai đoạn 2 năm 2022-2023, với tổng gói hỗ trợ là 288.000 tỷ đồng.

Như vậy, tổng gói cứu trợ nền kinh tế dựa trên 4 lĩnh vực ưu tiên dự kiến có giá trị khoảng 666.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 8% tổng giá trị GDP nền kinh tế năm 2020.

Có thể bạn quan tâm

  • Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021: Tạo đột phá cho đầu tư công

    Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021: Tạo đột phá cho đầu tư công

    12:21, 05/12/2021

  • Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021: Công khai chính sách để doanh nghiệp tiếp cận thông tin

    Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021: Công khai chính sách để doanh nghiệp tiếp cận thông tin

    11:16, 05/12/2021

  • Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 gợi ý những hàm ý chính sách

    Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 gợi ý những hàm ý chính sách

    10:58, 05/12/2021

  • Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021:

    Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021: "Việt Nam cần có gói hỗ trợ đặc biệt để không bị lỡ nhịp"

    08:55, 05/12/2021

  • Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021:

    Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021: "Đòn bẩy" phục hồi!

    05:29, 05/12/2021

  • Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và phát triển bền vững

    Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và phát triển bền vững

    05:00, 05/12/2021

  • Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Đánh giá toàn diện nền kinh tế

    Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Đánh giá toàn diện nền kinh tế

    17:35, 02/12/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021: Đề xuất các gói hỗ trợ khoảng 666.000 tỷ đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO