Hàng nghìn doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu vừa làm đơn gửi Thủ tướng, mong nghị định mới về xăng dầu sớm được sửa đổi và ban hành…
>>Vì sao phải duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu?
Theo đó, trong văn bản gửi Thủ tướng ngày 15/5, nhóm các doanh nghiệp bán lẻ bày tỏ mong muốn Thủ tướng sớm ban hành Nghị định mới về xăng dầu do gặp rất nhiều khó khăn do thời gian qua quy định trong Nghị định luôn bất lợi đối với doanh nghiệp bán lẻ.
Thực tế cho thấy, hầu hết doanh nghiệp bán lẻ đang rơi vào cảnh thua lỗ nghiêm trọng. Việc kinh doanh bấp bênh kéo dài quá lâu do Nghị định số 95 về kinh doanh xăng dầu bộc lộ nhiều điểm bất cập, hạn chế, nên đã tác động tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp bán lẻ.
Theo các doanh nghiệp, những bất cập trên xuất phát từ việc trong quá trình xây dựng Nghị định 95, các doanh nghiệp bán lẻ không được tham gia góp ý kiến trong khi là thành phần rất lớn tham gia thị trường. Chính vì không có sự góp ý khách quan của các bên tham gia kinh doanh dẫn đến Nghị định được xây dựng luôn có lợi cho doanh nghiệp đầu mối.
Các doanh nghiệp bán lẻ cho rằng lẽ ra doanh nghiệp chỉ nên thực hiện chức năng chuyên nhập hàng, không được tham gia trực tiếp vào khâu bán lẻ. Nếu muốn bán lẻ thì phải lập công ty, doanh nghiệp chuyên bán lẻ hạch toán độc lập. Như vậy mới tách bạch và khách quan về chi phí, về lợi ích của các bên.
“Nghị định xây dựng không nghiên cứu kỹ mà cứ nghĩ rằng doanh nghiệp bán lẻ nằm trong hệ thống của doanh nghiệp đầu mối Từ đó dẫn đến rất nhiều sai lầm và gây ra bao nhiêu hệ lụy về thao túng nguồn hàng, chặn không cho bán lẻ mua hàng khi điều chỉnh giá có lợi để hưởng chênh lệch giá và xả hàng ra khi giá có xu hướng giảm. Họ điều hành hoạt động này bằng đặc quyền riêng của họ mà không hề bị phạt hay quy trách nhiệm. Họ áp dụng triệt để bằng công cụ chiết khấu lên xuống với độ chênh lệch rất lớn theo dạng ban phát nên luôn gây ra bất lợi và bức xúc của doanh nghiệp bán lẻ” - Kiến nghị gửi Thủ tướng nêu rõ.
>>Vì sao dự án tổng kho xăng dầu nghìn tỷ sau 3 năm vẫn bỏ hoang?
Trao đổi với báo chí về vấn đề này, ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh), cho biết do Nghị định 95 không quy định mức chiết khấu tối đa hay tối thiểu là bao nhiêu nên doanh nghiệp đầu mối lũng đoạn được phần này. Các đầu mối có thể tùy hạ chiết khấu xuống 0 đồng khi cần thiết và nâng lên trên 1.000 đồng nếu muốn xả hàng ra để giảm lỗ khi giá có xu hướng giảm sâu.
Dẫn chứng sự lũng đoạn thị trường của các doanh nghiệp đầu mối trong đợt giảm giá vừa qua giá xăng giảm 1.300 đồng/lít, ông Tây cho biết, trước đó các đầu mối tăng chiết khấu lên 1.000-1.200 đồng/lít để xả hàng giảm lỗ và gọi điện cho bán lẻ kêu mua hàng.
“Khi giá có xu hướng điều chỉnh tăng, lập tức họ giảm chiết khấu xuống xấp xỉ 0 đồng và bán ra rất hạn chế, bán theo tiến độ, thậm chí là thông báo hết hàng. Nhưng ngay sau khi điều chỉnh tăng giá xong, được hưởng chênh lệch xong thì đầu mối lập tức báo có hàng và bán tự do. Như vậy, bán lẻ luôn bị thua thiệt và luôn ở thế bị động về nguồn hàng”, ông Tây phân tích.
Theo đại diện các doanh nghiệp bán lẻ, việc quy định cho phép nhà cung cấp (thương nhân phân phối) lấy hàng nhiều nguồn rồi đổ vào một bồn để bán như trong Nghị định 95 cũng đang bất cập. Quy định như vậy chỉ có lợi cho đầu mối, thương nhân phân phối và không công bằng với bán lẻ.
Bên cạnh đó, do Nghị định số 95 không cho phép doanh nghiệp bán lẻ được mua hàng từ nhiều nguồn nên nhiều doanh nghiệp đã “lách” bằng cách lập thêm các công ty con của gia đình để đối phó nhằm lấy được nhiều nguồn hàng. Điều này làm tăng thêm số lượng doanh nghiệp, nhưng chất lượng không tăng, gây phức tạp thêm cho việc quản lý của chủ doanh nghiệp khi cùng lúc quản lý tới 3 – 4 con dấu, phải điều phối vốn giữa các doanh nghiệp…Về mặt quản lý nhà nước cũng phức tạp hơn, nhất là trong quản lý thuế dù thu thuế không hề tăng thêm đồng nào.
Các doanh nghiệp bán lẻ cũng kiến nghị Thủ tướng lập tổ đánh giá lại Nghị định 95 và việc sửa đổi Nghị định cũng cần phải thông qua Hội đồng xét duyệt, lấy ý kiến các chuyên gia kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ để tránh tạo nên lợi ích nhóm khi xây dựng Nghị định. Cùng đó, Dự thảo Nghị định lần cuối cần nên đăng công khai để cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bán lẻ cùng tham gia xem xét nhằm phát hiện những điều bất hợp lý trước khi ban hành chính thức.
Có thể bạn quan tâm