Trước những bất ổn đã từng hiện hữu, đặc biệt là vấn đề dự trữ xăng dầu mới ở mức khiêm tốn (khoảng 6,5 ngày), chuyên gia khuyến nghị, cần nghiên cứu, ban hành Luật Dự trữ nguyên liệu xăng dầu…
>> Sửa Nghị định kinh doanh xăng dầu: Cần bỏ các quy định hạn chế quyền tự do kinh doanh
Xăng dầu là mặt hàng vật tư chiến lược vô cùng quan trọng, có tác động ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nền kinh tế. Vì vậy, việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu, tránh để thiếu hàng, không chỉ đảm bảo không ảnh hưởng đến sản xuất, tiêu dùng và đời sống xã hội, mà còn giúp đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Thời gian vừa qua, dưới sự điều hành kịp thời của Chính phủ, mặt hàng xăng dầu đã cơ bản được đảm bảo. Tuy nhiên, trước đó mặt hàng này trên thị trường đã xuất hiện không ít bất ổn, xăng dầu trở nên khan hiếm, cảnh tượng xe máy, ô tô xếp nối hàng dài chờ đợi mua xăng dầu, việc bán xăng dầu theo định mức 30 - 50 nghìn đồng/1 người/1 lần mua đã hiện hữu…
Hiện tượng “đứt gãy” nguồn cung này mặc dù chỉ diễn ra cục bộ, trong một thời gian ngắn, tuy nhiên, cũng đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo. Trước thực tế đã nêu, nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh những bất cập từ chính sách, một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện trạng này xuất phát từ việc thời gian dự trữ xăng dầu thực tế còn ở mức khiêm tốn.
Thực tế, tại cuộc họp của Hội đồng thẩm định Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng cho biết, hệ thống kho dự trữ xăng dầu được phân bố trên phạm vi cả nước, nhưng tổng mức dự trữ xăng dầu mới ở mức khiêm tốn (khoảng 6,5 ngày).
Cũng tại cuộc họp này, đại diện Bộ Công Thương cũng cho hay, một số cơ sở vật chất được thiết kế theo các tiêu chuẩn cũ đã không đáp ứng được các tiêu chuẩn hiện tại, cần cải tạo, sửa chữa nhiều để bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực tế và an toàn cho quá trình vận hành.
>> Đảm bảo công bằng cho nhà bán lẻ xăng dầu
Xoay quanh những vấn đề đã nêu, ông Nguyễn Đức Hạnh - Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc Công ty CP dầu khí Sơn Hải khuyến nghị, cần nghiên cứu ban hành Luật Dự trữ nguyên liệu xăng dầu.
Theo ông Hạnh, hiện nay, theo quy định của Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu có hiệu lực từ ngày 2/01/2022 quy định trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, lượng xăng dầu dự trữ phải bảo đảm 20 ngày nhưng thực tế chỉ được 6,5 ngày. Vì không được dự trữ đầy đủ nên xảy ra tình trạng đứt gãy nguồn cung ứng nên các doanh nghiệp xăng dầu gặp khó.
“Nhà nước nên sớm hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật. Có thể ban hành Luật Dự trữ nguyên liệu xăng dầu như Nhật Bản đã ban hành 2 luật dự trữ và luật giám sát chất lượng”, ông Hạnh bày tỏ.
Còn theo TS. Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chúng ta thấy rằng, người bình thường có thể nhịn ăn 1 tuần, 2 tuần. Nhưng nếu đất nước “nhịn” xăng dầu 1 ngày thì sẽ tê liệt toàn bộ.
Hiện nay, theo thống kê chưa đầy đủ, Việt Nam có khoảng 5 triệu xe ô tô; 42,8 triệu xe máy; khoảng 857.000 doanh nghiệp; chưa tính loại xe công trình, các loại phương tiện khác sử dụng xăng dầu… hệ thống tàu biển, các phương tiện thủy sử dụng xăng rất dầu lớn. Lượng tiêu tốn xăng dầu hàng năm vô cùng lớn, thể hiện rõ tầm quan trọng của loại nhiên liệu này.
“Năm 2022, Nhà nước phải bỏ ra 9 tỷ USD để nhập khẩu xăng dầu, bảo đảm nguồn cung trong nước khoảng 70%. Rõ ràng, để bảo đảm cho kinh tế xã hội, sinh hoạt thường xuyên của đất nước, chưa nói đến đạt mục tiêu kinh tế ở tầm cao hơn nữa đã đòi hỏi lượng xăng dầu cần được sản xuất, sử dụng, dự trữ như nào?”, TS. Lưu Bình Nhưỡng chia sẻ.
Cũng theo TS. Lưu Bình Nhưỡng, Mỹ dự trữ hàng năm đạt mức 434 triệu thùng dầu, tương đương 60 tỷ lít, kho dự trữ lớn nhất thế giới này năm ngoái bị giảm 7 triệu thùng. Đứng sau là Trung Quốc, năm 2022 mua của Nga 86,25 triệu tấn dầu; nhập vào 11,5 tỷ m3 khí đốt. Riêng Ấn Độ, các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UEA) dự trữ dầu 6 triệu thùng. Kho của Ấn Độ thông thường dự trữ 5 triệu thùng dầu, tương đương 400 triệu tấn; năm 2021 Ấn Độ đã mở kho 5 triệu tấn dầu xuất ra để bình ổn giá cho cả thế giới.
“Như vậy, đối với Việt Nam con số quá nhỏ bé. Bình quân mỗi năm, kho dự trữ của ta có 370.000m3, tương đương 3 triệu lít. Năm 2022 đã phải tăng so với 2021 là 28% chi tiêu cho xăng dầu để nhập khẩu. Nhưng dự trữ xăng dầu chưa đến con số 10 ngày là việc nguy hiểm. Câu chuyện bà con xếp hàng rồng rắn, chen chúc mua xăng dầu cho thấy tầm quan trọng của mặt hàng chiến lược như thế nào. Đây là mặt hàng sử dụng hàng ngày, hàng giây”, TS. Lưu Bình Nhưỡng bày tỏ.
Từ đó, vị chuyên gia này cho rằng, Việt Nam đặt muc tiêu phát triển mạnh mẽ và là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng dự kiến cao, thì lượng nguyên liệu ngoài điện và các loại năng lượng khác thì xăng dầu vẫn là chủ yếu, dựa vào đó để đưa vào quá trình sản xuất, phân phối, trao đổi, tiêu dùng, sinh hoạt... Nếu chúng ta không tính toán chiến lược về khâu sản xuất lẫn dự trữ xăng dầu thì sẽ có lúc không đối phó kịp. Đặc biệt, không dự trữ cẩn thận thì không bảo đảm để đối phó với những rủi ro lớn và an ninh, quốc phòng.
Có thể bạn quan tâm
Vì sao phải duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu?
03:00, 10/04/2023
Giá xăng dầu trong nước có thể tiếp tục tăng?
03:00, 09/04/2023
Quỹ bình ổn xăng dầu nên để Bộ Tài chính quản lý, không giao doanh nghiệp
12:53, 06/04/2023
Rủi ro thâm hụt nguồn cung xăng dầu
11:20, 05/04/2023
Vì sao 6 cửa hàng xăng dầu ở TP.HCM ngưng hoạt động?
15:35, 25/03/2023