Giá xăng dầu trong nước có thể tiếp tục tăng?

BẢO LAM 09/04/2023 03:00

Việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ sẽ khiến giá dầu thế giới thời gian tới có xu hướng tăng, có thể tác động đến giá xăng dầu trong nước thời gian tới tiếp tục tăng.

>>Quỹ bình ổn xăng dầu nên để Bộ Tài chính quản lý, không giao doanh nghiệp

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú đưa ra dự báo về giá xăng dầu trong nước trong thời gian tới.

Giá xăng dầu trong nước có thể tăng trong thời gian tới.

Giá xăng dầu trong nước có thể tăng trong thời gian tới.

Ngày 7/4, giá xăng dầu giữ đà tăng nhẹ. Dầu thô WTI của Mỹ hiện ở mức 80,26 USD/thùng, dầu Brent 84,95 USD/thùng.

Cả 2 loại dầu này đã tăng trong mấy ngày qua, dự báo dầu thô thế giới có tuần tăng thứ 3 liên tiếp sau khi nhiều quốc gia thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) gây “bão” trên thị trường với thông tin tự nguyện cắt giảm sản lượng.

Việc cắt giảm sản lượng đang được các thành viên OPEC+, nhóm chiếm khoảng 40% tổng sản lượng dầu thô toàn cầu, thực hiện. Nhiều nhà phân tích dự báo nguồn cung xăng dầu thắt chặt trong nửa cuối năm nay và sẽ đẩy giá dầu vọt lên ngưỡng rất cao.

Theo phân tích của giới chuyên gia, giá dầu tăng còn được hỗ trợ bởi mức giảm mạnh hơn dự kiến trong kho dự trữ dầu thô của Mỹ vào tuần trước. Một số phân tích trên Reuters dự báo đà tăng giá của thị trường dầu mỏ có thể đã tạm dừng, nhưng vẫn còn tiềm ẩn trong bối cảnh nguồn cung thắt chặt.

Giá xăng dầu thế giới được dự báo tăng cao. Vậy, giá xăng trong nước sẽ tác động thế nào?

Hiện, giá bán lẻ xăng dầu được áp dụng theo phiên điều chỉnh ngày 3/4 của liên Bộ Tài chính - Công thương. Cụ thể, xăng E5 RON92 không cao hơn 22.082 đồng/lít, xăng RON95-III 23.125 đồng/lít, dầu diesel 19.430 đồng/lít, dầu hỏa 19.037 đồng/lít và dầu mazut 14.429 đồng/kg.

Theo Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, Việt Nam đang thực hiện bình ổn giá xăng dầu theo Quỹ bình ổn, quỹ này chỉ có hiệu quả khi giá xăng dầu biến động không mạnh. Một khi giá xăng dầu biến động mạnh thì Quỹ bình ổn không có nhiều tác dụng. Do vậy, để giảm tác động của giá dầu trên thị trường thế giới, về lâu dài, Việt Nam cần chuyển từ "bình ổn giá" sang "nâng cao dự trữ" xăng dầu quốc gia.

Ông Phú cho rằng, nếu có được nguồn dự trữ xăng dầu từ 3 - 6 tháng thì sẽ có được công cụ điều tiết thị trường tốt hơn khi có biến động mạnh.

Cho ý kiến về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nhìn nhận, khi thị trường có biến động chúng ta đã sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu để điều tiết, hạn chế giá xăng dầu tăng quá cao, nhưng quỹ này hiện giao doanh nghiệp quản lý là không hợp lý.

>>Rủi ro thâm hụt nguồn cung xăng dầu

>>Lỗ nặng, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu "đòi" chia lại chi phí kinh doanh

Ông Hòa đề nghị giao Bộ Tài chính quản lý, bởi Quỹ bình ổn giá xăng dầu từ tiền đóng góp của người dân, doanh nghiệp lại dùng tiền vào mục đích khác là “không công bằng”.

Với tình hình của Việt Nam hiện nay, ông Hòa đồng ý vẫn cần Quỹ bình ổn giá xăng dầu nhưng Chính phủ cần có lộ trình về sự tồn tại quỹ này. “Không nên duy trì mãi Quỹ bình ổn giá xăng dầu vì không hợp lý, không công bằng”, đại biểu Phạm Văn Hòa nói.

Còn theo phân tích của  TS Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, kinh tế nước ta phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, với tỉ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế là 37%. Khi giá xăng dầu thế giới tăng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu và nguyên vật liệu trong nước.

Đặc biệt, giá xăng dầu tăng có tác động rất mạnh tới các ngành sử dụng nhiều xăng dầu như đánh bắt thủy sản, vận tải hàng hoá và hành khách đường bộ, đường thuỷ và đường hàng không. Giá xăng dầu tăng tác động trực tiếp làm tăng giá thành sản phẩm, tạo áp lực lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh của hàng hoá sản xuất trong nước, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế.

Do đó, TS Nguyễn Bích Lâm đề nghị Bộ Công Thương cần có giải pháp tổng thể đảm bảo đầy đủ nguồn cung xăng dầu dài hạn hơn cho nền kinh tế, đặc biệt bộ cần kiến nghị với Chính phủ mở rộng, nâng cao năng lực kho dự trữ xăng dầu đáp ứng dài hơn nhu cầu của nền kinh tế, giảm bớt lệ thuộc và tác hại của giá xăng dầu thế giới tăng cao đến sự ổn định và phát triển kinh tế trong nước.

Có thể bạn quan tâm

  • Quỹ bình ổn xăng dầu nên để Bộ Tài chính quản lý, không giao doanh nghiệp

    12:53, 06/04/2023

  • Rủi ro thâm hụt nguồn cung xăng dầu

    11:20, 05/04/2023

  • Vì sao 6 cửa hàng xăng dầu ở TP.HCM ngưng hoạt động?

    15:35, 25/03/2023

  • Phó Chủ tịch Quốc hội: Đánh giá kỹ sự cần thiết của Quỹ bình ổn giá xăng dầu

    12:52, 15/03/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Giá xăng dầu trong nước có thể tiếp tục tăng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO