Các sự cố về điện gần đây khiến Đông Nam Á phải tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng lưu trữ năng lượng.
Gần đây, Mỹ đã áp thuế nhập khẩu lên tới 3.500% đối với sản phẩm năng lượng mặt trời từ bốn quốc gia Đông Nam Á: Campuchia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam, những nước chiếm gần 80% lượng nhập khẩu năng lượng mặt trời của Mỹ.
Trước mức thuế năng lượng mặt trời nghiêm ngặt từ Mỹ, Đông Nam Á vẫn có một điểm sáng: tình trạng dư cung tấm pin năng lượng mặt trời có thể giúp giảm chi phí cho các dự án điện mặt trời và thúc đẩy việc ứng dụng. Tuy nhiên, để nắm bắt cơ hội này, khu vực cần đẩy mạnh đầu tư vào hệ thống lưu trữ năng lượng.
Như Thủ tướng Singapore Lawrence Wong đã nêu trong bài phát biểu ngày Quốc tế Lao động, Mỹ về thực chất đang áp đặt lệnh cấm nhập khẩu các tấm pin năng lượng mặt trời từ Đông Nam Á.
“Không thể xuất khẩu được gì với mức thuế kiểu này. Các doanh nghiệp sẽ phải đóng cửa,” ông nói.
Mặc dù các nhà sản xuất tấm pin sẽ đối mặt với khó khăn, và có thể xảy ra tình trạng sáp nhập hoặc một số doanh nghiệp buộc phải dừng hoạt động nhưng giới quan sát nhận định, đây cũng là cơ hội để những doanh nghiệp còn trụ vững tập trung hơn vào thị trường trong nước.
Việc ứng dụng năng lượng mặt trời ở khu vực này đang tăng đều nhờ công nghệ ngày càng cạnh tranh về chi phí, tuy nhiên vẫn còn thiếu hụt đầu tư vào hệ thống lưu trữ năng lượng. Malaysia được xác định là một thị trường đầy tiềm năng.
Trong một báo cáo ngày 5/5, chuyên gia phân tích Felix Kosasih từ BloombergNEF cho biết, vào tháng 3, Malaysia đã dùng năng lượng mặt trời để đáp ứng trung bình 8,3% nhu cầu điện vào đầu giờ chiều, tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, ông Kosasih cũng lưu ý: “Tỷ lệ ứng dụng điện mặt trời cao có thể dẫn đến tình trạng dư thừa điện vào giữa ngày. Điều này có thể ảnh hưởng đến sự ổn định của lưới điện nếu các dự án không có hệ thống lưu trữ năng lượng.”
Ông bổ sung rằng nếu không có hạ tầng lưu trữ điện năng lượng mặt trời dư thừa, hệ thống có thể phải cắt giảm sản lượng, dẫn đến lãng phí năng lượng và thiệt hại tài chính.
Các vụ mất điện gần đây ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha là một lời cảnh báo rõ ràng về hậu quả khi đầu tư vào hạ tầng lưới điện và lưu trữ năng lượng không theo kịp tốc độ phát triển năng lượng xanh.
Trung Quốc cũng gặp vấn đề tương tự với tình trạng cắt giảm điện mặt trời. Theo báo cáo thường niên của Sembcorp Industries, tốc độ mở rộng năng lượng tái tạo của Trung Quốc đang vượt xa khả năng phát triển hạ tầng truyền tải điện.
Dù đầu tư toàn cầu vào năng lượng tái tạo gần như đã tăng gấp đôi kể từ năm 2010, nhưng đầu tư vào hạ tầng lưới điện lại gần như không đổi, chỉ ở mức khoảng 300 tỷ USD/năm. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), để đạt được các mục tiêu khí hậu, con số này cần phải tăng gấp đôi lên hơn 600 tỷ USD mỗi năm vào năm 2030.
Cả khu vực công và tư đều cần lấp đầy khoảng trống đầu tư này. Tại Malaysia, chính phủ đang chuẩn bị tổ chức đấu giá hệ thống lưu trữ điện bằng pin đầu tiên trong năm nay, với kế hoạch đưa vào vận hành bốn cơ sở có tổng công suất 400 megawatt vào năm 2026.
Theo IEA, khu vực này được dự báo sẽ chiếm 25% mức tăng trưởng nhu cầu năng lượng toàn cầu đến năm 2035, chỉ đứng sau Ấn Độ. Điều này sẽ trở nên cấp thiết hơn khi năng lượng mặt trời ngày càng rẻ hơn.
Theo tổ chức tư vấn Carbon Tracker, đến cuối thập kỷ tới, chi phí xây mới điện mặt trời và điện gió trên đất liền có thể rẻ hơn so với chi phí vận hành các nhà máy nhiệt điện than hiện có ở Indonesia, Việt Nam và Philippines.
Một số nhà đầu tư đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội này, như British International Investment, tổ chức tài chính phát triển của Anh và Pentagreen Capital, nền tảng tài trợ nợ cho hạ tầng bền vững được sáng lập bởi HSBC và Temasek.
Vào tháng 3, hai đơn vị này đã công bố khoản tài trợ chung trị giá 80 triệu USD cho các dự án điện mặt trời quy mô lớn và lưu trữ bằng pin tại Đông Nam Á.
Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư vẫn e ngại trước làn sóng phản đối năng lượng xanh đang trỗi dậy, dẫn đầu bởi Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Chỉ số Stoxx Global Energy and Materials về các công ty trọng yếu trong lĩnh vực lưu trữ năng lượng và pin nhiên liệu hiện đã giảm hơn một nửa so với đỉnh cao năm 2021.
Vì vậy, các chuyên gia năng lượng cho rằng, các chính phủ trong khu vực cần cân nhắc các biện pháp ưu đãi và cấu trúc tài chính, chẳng hạn như tài chính hỗn hợp để thu hút thêm nguồn vốn đầu tư.