Các rủi ro về thuế quan mới có thể làm các lô hàng chất bán dẫn từ Đông Nam Á suy giảm mạnh mẽ hơn nữa.
Mỹ đã cắt giảm nhập khẩu chất bán dẫn từ Đông Nam Á, với các lô hàng từ Campuchia, Thái Lan, Việt Nam và Malaysia giảm mạnh trong năm qua trong bối cảnh ngăn chặn gian lận thương mại đang lan rộng.
Các lô hàng dự kiến sẽ giảm mạnh hơn nữa với mức thuế mới được công bố lên tới 3.521% đối với hàng nhập khẩu năng lượng mặt trời, đe dọa gây thêm sức ép cho bốn quốc gia Đông Nam Á.
Kịch bản tốt nhất cho các nước ASEAN sẽ là xuất khẩu nhiều hơn sang Liên minh châu Âu khi châu Âu xây dựng hệ sinh thái công nghệ của mình. Họ cũng có thể tăng dòng chảy sang Trung Quốc khi nhu cầu về chip để thúc đẩy sự bùng nổ trí tuệ nhân tạo (AI) tiếp tục tăng.
Trong khi đó, với thông tin chi tiết về mức thuế đối với chip vẫn chưa được công bố khi Mỹ điều tra hoạt động nhập khẩu chất bán dẫn, các nhà phân tích cảnh báo rằng khu vực này phải tăng cường nỗ lực đa dạng hóa thị trường.
The Business Times trích dẫn số liệu từ Trade Data Monitor cho thấy, từ tháng 3/2024 đến tháng 2/2025, kim ngạch nhập khẩu các sản phẩm bán dẫn của Mỹ, bao gồm tấm và tế bào năng lượng mặt trời đã giảm 51% từ Campuchia, 39% từ Thái Lan, 22% từ Malaysia, và 8% từ Việt Nam.
Việt Nam từ lâu đã là nhà cung cấp lớn nhất cho Mỹ vẫn giữ vững vị trí dẫn đầu với thị phần 24%. Trong nửa đầu năm 2024, Campuchia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam cung cấp hơn 80% lượng nhập khẩu pin năng lượng mặt trời của Mỹ.
Tuy nhiên, con số này đã sụt giảm đáng kể sau khi chính quyền Biden quyết định chấm dứt hiệu lực lệnh miễn thuế trong 2 năm đối với một số linh kiện năng lượng mặt trời vào tháng 6/2024, đồng thời đẩy mạnh năng lực sản xuất trong nước của Mỹ trong lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, mức thuế sơ bộ áp dụng từ tháng 10 năm ngoái đối với bốn quốc gia cũng đã góp phần làm chùn bước hoạt động nhập khẩu từ Mỹ.
Chuyên gia ESG Ong Shu Yi thuộc ngân hàng OCBC phân tích, một mối lo ngại lâu dài của các nhà sản xuất năng lượng mặt trời tại Mỹ là việc các sản phẩm giá rẻ bất thường từ các nhà sản xuất thuộc sở hữu Trung Quốc ở Đông Nam Á đã né tránh mức thuế mà Mỹ áp lên các linh kiện năng lượng mặt trời sản xuất tại Trung Quốc.
Chính quyền Trump đã hoàn tất việc áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp (CVD) mới vào tháng 4 đối với phần lớn các sản phẩm năng lượng mặt trời nhập khẩu từ 4 nhà cung cấp lớn nhất ASEAN, với mức thuế CVD lên đến 3.403,96% đối với hàng nhập từ Campuchia.
Giữa làn sóng suy giảm của ASEAN, chỉ có Indonesia và Lào là đi ngược xu thế, ghi nhận mức tăng trong nhu cầu nhập khẩu từ Mỹ đối với các linh kiện bán dẫn và năng lượng mặt trời từ khu vực này.
"Điều này phản ánh năng lực mà các nhà nhập khẩu Mỹ đã khai thác để thực hiện các đơn hàng vốn trước đó dành cho 4 quốc gia bị áp thuế", theo bà Sheana Yue, chuyên gia kinh tế tại Oxford Economics.
Chuyên gia này chỉ ra, nguyên nhân có thể là do các nhà sản xuất năng lượng mặt trời thuộc sở hữu Trung Quốc muốn xuất khẩu sang Mỹ đang chuyển cơ sở sản xuất sang Indonesia và Lào, những quốc gia chưa bị áp thuế.
Tuy nhiên, bà Yue cảnh báo rằng vì chính phủ Mỹ đang tiếp tục giám sát để xác minh nguồn gốc Trung Quốc, do đó chiến lược này khó có thể là giải pháp dài hạn.
“Washington sẽ tiếp tục điều tra liệu có phải Trung Quốc chỉ chuyển khâu lắp ráp, nhưng các linh kiện cốt lõi và giá trị sản phẩm vẫn đến từ Trung Quốc hay không. Và như vậy, các quốc gia vẫn đối mặt với nguy cơ bị áp thuế leo thang,” bà nói thêm.
Xét tổng thể, nhập khẩu hàng hóa liên quan đến bán dẫn của Mỹ từ tất cả các đối tác thương mại đã giảm 21% so với cùng kỳ năm trước trong giai đoạn từ tháng 3/2024 đến tháng 2/2025, theo dữ liệu của Trade Data Monitor.
Đông Nam Á trong những năm gần đây đã được hưởng lợi từ xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đặc biệt trong chiến lược “Trung Quốc +1” của doanh nghiệp toàn cầu. Tuy nhiên, các quốc gia ASEAN lại đang đối mặt với mức thuế cao hơn nếu bị Mỹ xem là nền tảng xuất khẩu gián tiếp cho hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc.
Để thoát khỏi thuế quan từ Mỹ, các nước ASEAN cần phải tự chủ hơn trong việc cung ứng nguyên liệu và linh kiện, thay vì nhập khẩu từ Trung Quốc.
Ông Atul Chandna, lãnh đạo mảng chuỗi cung ứng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của EY cho rằng các công ty trong khu vực nên áp dụng chiến lược tìm nguồn cung từ nhiều quốc gia trong khu vực, kết hợp hoạt động giữa các thị trường để giảm thiểu rủi ro và ứng phó gián đoạn trong tương lai.
Ông Chandna nhấn mạnh rằng dù Đông Nam Á đang đối mặt với khó khăn trong việc mở rộng năng lực sản xuất bán dẫn cao cấp, nhưng nếu không đầu tư đúng lúc vào các dự án như bán dẫn giá trị cao, trung tâm dữ liệu hay năng lượng sạch, thì khu vực này có nguy cơ mất cơ hội thu hút dòng vốn trong tương lai, khi các doanh nghiệp chuyển hướng tìm môi trường ổn định hơn về thuế.
“Cánh cửa để Đông Nam Á định vị mình như một trung tâm đổi mới và sản xuất tiên tiến đang rất hẹp, và những nước chậm trễ trong cải cách hoặc đầu tư vào năng lực nội địa sẽ bị bỏ lại phía sau trong làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp theo,” ông nói thêm.
Đồng quan điểm, chuyên gia Sheana Yue từ Oxford Economics cũng đồng quan điểm, cho rằng các công ty bán dẫn có thể lựa chọn đặt cơ sở mới tại Mỹ hoặc những nền kinh tế “an toàn hơn” ở Mỹ La tinh.
Tuy nhiên, với các nhà máy sản xuất bán dẫn cao cấp, đặc biệt là những nơi sản xuất chip AI, triển vọng vẫn chưa hoàn toàn ảm đạm. Những nhà máy này vẫn có thể hoạt động phục vụ thị trường Trung Quốc, nơi nhu cầu chip AI cũng đang tăng cao.
Ngoài ra, vai trò của ASEAN trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu sẽ không dễ bị thay thế, vì phần lớn lượng chip AI nhập khẩu vào Mỹ hiện vẫn được sản xuất tại khu vực này.