Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung gia tăng khiến các quốc gia Đông Nam Á phải chuẩn bị cho những cú sốc khó lường.
Trong bài viết được đăng tải trên SCMP, ông John Lee, Giám đốc công ty tư vấn East West Futures, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Châu Á Leiden nhận định, quyết định tăng gấp đôi thuế quan đối với Trung Quốc trong khi tạm dừng leo thang đối với các quốc gia khác của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump có thể báo hiệu rằng Mỹ đang bước vào giai đoạn cuối cùng của việc tách khỏi mối quan hệ cộng sinh giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, kết quả của cách tiếp cận của ông Trump đến nay cho thấy rằng việc tái cấu trúc kinh tế toàn cầu có lợi cho Washington là điều khó xảy ra.
Xuất khẩu có vai trò quan trọng nhưng không mang tính sống còn đối với Trung Quốc, chỉ chiếm khoảng 20% GDP, trong đó Mỹ hiện chỉ còn chiếm dưới 15% kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc.
Các động lực nội địa của nền kinh tế Trung Quốc thể hiện rõ trong các lĩnh vực mới nổi. Hãng sản xuất xe điện hàng đầu Trung Quốc là BYD tạo ra khoảng 80% doanh thu tại thị trường nội địa. Hiện có khoảng 10–20 triệu lao động Trung Quốc liên quan đến thị trường xuất khẩu sang Mỹ, trong khi vào cuối những năm 1990, khu vực doanh nghiệp Nhà nước của Trung Quốc từng cắt giảm 35 triệu việc làm mà không gây ra gián đoạn lớn nào trên phạm vi toàn quốc.
Mỹ hiện đã mở rộng các biện pháp hạn chế vượt ra ngoài thuế quan, cấm xuất khẩu nhiều mặt hàng thiết yếu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc đã đẩy mạnh tìm kiếm các thị trường mới để đẩy mạnh xuất khẩu.
Trong các lĩnh vực công nghệ cao như sản xuất chip, ngành công nghiệp nội địa của Trung Quốc gần như tạo ra toàn bộ doanh thu trong nước và hiện có thể tự đáp ứng nhiều nhu cầu, hoặc nhập khẩu từ các quốc gia ngoài Mỹ. Trung Quốc cũng có thể nhập khẩu nông sản và năng lượng từ các nước thứ ba.
Ông John Lee phân tích, mặc dù Trung Quốc đang đối mặt với nhiều thách thức kinh tế, giới lãnh đạo nước này hiểu rõ rằng họ có lợi thế quy mô so với Mỹ, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất toàn cầu. Điều này đã cản trở xu hướng đưa sản xuất về Mỹ ngay cả trước khi ông Trump bắt đầu cuộc chiến thuế quan toàn cầu.
Hơn 1/3 lượng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ có mức độ phụ thuộc cao khi Trung Quốc là nguồn cung duy nhất, trong khi chỉ khoảng 10% hàng nhập khẩu vào Trung Quốc đến từ Mỹ.
Ở nhiều lĩnh vực sản xuất công nghệ cao và sản xuất đơn giản hơn, lực lượng lao động Mỹ hiện đã bị suy giảm và chưa đủ năng lực để hỗ trợ xu hướng đưa sản xuất về nước. Trong khi đó, ngành công nghiệp Mỹ phải chịu chi phí thuế quan do các nhà cung cấp nước ngoài, bao gồm cả các tập đoàn đa quốc gia Mỹ sản xuất ở nước ngoài, chuyển sang.
Riêng ngành sản xuất ô tô Mỹ có thể sẽ phải gánh thêm tới 108 tỷ USD chi phí trong năm nay vì chính sách thuế của chính quyền Trump.
Về lâu dài, cách làm của ông Trump đang phá vỡ nền tảng quyền lực của Mỹ trong thương mại và công nghệ. Điều này thể hiện rõ nhất ở thị trường tài chính Mỹ, vốn đã bị bất ổn do việc bán tháo đồng thời cổ phiếu, trái phiếu và cả đồng USD.
Các chuyên gia cũng lo ngại vai trò đồng USD như đồng tiền dự trữ toàn cầu đang bị đe dọa. Các nhà khoa học và kỹ sư Mỹ cũng đang cảnh báo về tình trạng “hủy hoại” nền nghiên cứu khoa học quốc gia vì động cơ chính trị của chính quyền Trump, khiến ngày càng nhiều nhà nghiên cứu ở Mỹ cân nhắc cơ hội làm việc ở nước ngoài.
Xu hướng này cần được lưu ý vì sự thống trị của Mỹ trong nhiều ngành công nghệ cao thực ra mong manh hơn vẻ bề ngoài. Trong ngành công nghiệp bán dẫn, các công ty Mỹ vẫn chiếm phần lớn doanh thu toàn cầu, nhưng phần lớn đến từ các hoạt động phần mềm và thiết kế chip, những lĩnh vực có rào cản gia nhập không cao.
Các công ty dẫn đầu như Nvidia đang đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ Trung Quốc và các quốc gia khác. Các nhà cung cấp thiết bị sản xuất chip của Mỹ cũng đang chịu áp lực cạnh tranh mạnh mẽ từ các nước phát triển.
Việc đàm phán lại quan hệ thương mại với chính quyền Trump nhiều khả năng chỉ mang tính giảm thiểu thiệt hại, ngay cả khi một thỏa thuận được ký kết trong thời gian tạm hoãn thuế quan kéo dài 90 ngày.
Các hoạt động vận động hành lang từ ngành công nghiệp Mỹ có thể làm suy yếu bất kỳ thỏa thuận nào, điển hình là việc Mỹ vừa áp thuế đối với các tấm pin năng lượng mặt trời nhập khẩu từ bốn nước ASEAN vào cuối tháng 4. Các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Nhật Bản đang diễn ra cũng chưa đem lại thành công đáng khích lệ nào.
Thông điệp rõ ràng nhất trong cuộc chiến thuế quan là ý đồ tái cấu trúc quan hệ kinh tế của Mỹ với tất cả các quốc gia một cách bất cân xứng nhằm có lợi cho Washington.
Hiện nay, EU, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc và Brazil đang tăng cường đối thoại với Trung Quốc. Các chính phủ Đông Nam Á cũng đã có lựa chọn đúng đắn khi làm điều tương tự. Những phản ứng như vậy từ Washington giờ đây đã trở thành một “trạng thái bình thường mới” mà các nước phải tìm cách thích nghi.