Kiến nghị

Dự thảo Thông tư hướng dẫn biểu mẫu đấu thầu còn bất cập

KHÔI NGUYÊN 07/08/2024 03:00

Góp ý cho dự thảo Thông tư hướng dẫn biểu mẫu đấu thầu, nhiều ý kiến cho rằng một số quy định còn bất cập, sẽ làm sụt giảm tính cạnh tranh, tạo "lợi thế tuyệt đối" cho số ít nhà đầu tư lớn…

du-thao-thong-tu-bieu-mau-dau-thau-con-bat-cap-2.jpg
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng Dự thảo Thông tư ban hành mẫu hồ sơ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu và lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động. Ảnh minh hoạ

Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng Dự thảo Thông tư ban hành mẫu hồ sơ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu và lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động. Nhiều ý kiến cho rằng, một số quy định tại dự thảo sẽ hạn chế nhà thầu tham gia, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư lớn từ nước ngoài.

Điển hình như trong phần "Kinh nghiệm đầu tư, xây dựng công trình, dự án tương tự đối với dự án có cấu phần xây dựng", dự thảo yêu cầu nhà đầu tư (NĐT) phải "có tối thiểu 80% số lượng hạng mục công trình được nghiệm thu, đủ điều kiện đưa vào khai thác, sử dụng từng phần" hoặc "có tối thiểu 80% giá trị khối lượng công việc của dự án được nghiệm thu".

Về nội dung này, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, trên thực tế, để đạt được tỷ lệ hoàn thành phần lớn, tối thiểu 80% số lượng hạng mục công trình hoặc 80% giá trị khối lượng công việc của dự án được nghiệm thu đối với các dự án có quy mô lớn thì thời gian triển khai kéo dài nhiều năm, thậm chí hàng chục năm. Quy định này sẽ hạn chế tính cạnh tranh lành mạnh của những doanh nghiệp có năng lực tham gia đấu thầu các dự án sử dụng đất có tổng mức đầu tư lớn hoặc diện tích dự án có quy mô lớn; tạo ra cơ chế độc quyền cho một vài doanh nghiệp.

Ví dụ trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia có đăng tải thông tin đấu thầu một số dự án khu đô thị mới để mời NĐT tham gia, có tổng vốn đầu tư thực hiện trên 80.000 tỉ đồng. Theo quy định mới, để NĐT có thể tham gia đấu thầu dự án này phải hoàn thành phần lớn giá trị hoặc hạng mục công trình tối thiếu 80% của tổng mức đầu tư, tương đương đã thực hiện đầu tư được 32.000 - 44.800 tỉ đồng. Quy định này sẽ hạn chế tham gia của các NĐT trong nước, mở đường cho NĐT nước ngoài hoặc một vài doanh nghiệp trong nước tham gia được. Đồng thời, quy định không phù hợp với nguyên tắc bảo đảm cạnh tranh của Luật Đấu thầu năm 2023.

Chia sẻ trên tờ Thanh niên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM nhận định, quy định này sẽ làm sụt giảm tính cạnh tranh của môi trường đầu tư, tạo "lợi thế tuyệt đối" cho số ít NĐT lớn, nhất là các NĐT lớn của nước ngoài. Vì chỉ có một số rất ít tập đoàn kinh tế lớn trong nước hoặc các NĐT nước ngoài mới có thể đáp ứng được yêu cầu này.

Theo ông Lê Hoàng Châu, với quy định về yêu cầu dự án hoàn thành phần lớn của dự thảo sẽ tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư. Các quy định đó hình như "đo ni đóng giày"và chỉ phù hợp với một số NĐT lớn nào đó. Nếu quy định được đưa vào áp dụng thì sẽ tạo sân chơi không công bằng và đa số NĐT trong nước sẽ "bị loại ngay từ vòng gửi xe".

Trong khi đó, quy định về yêu cầu "dự án hoàn thành phần lớn" đối với dự án có cấu phần xây dựng cũng đang được áp dụng theo Thông tư số 09/2021 của Bộ KH-ĐT ghi rõ tương đương trong khoảng 50 - 70% tổng mức đầu tư của dự án đang xét.

Quy định này hợp lý và đã được thực thi từ năm 2021 đến nay, nên cần tiếp tục thực hiện. Các quy định cần phải minh bạch, hiệu quả kinh tế và nhất là bảo đảm tính cạnh tranh cho các doanh nghiệp tham gia đấu thầu dự án”, ông Châu nhấn mạnh.

du-thao-thong-tu-bieu-mau-dau-thau-con-bat-cap-1.jpg
Nhiều ý kiến cho rằng một số quy định còn bất cập, sẽ làm sụt giảm tính cạnh tranh, tạo "lợi thế tuyệt đối" cho số ít nhà đầu tư lớn. Ảnh minh hoạ

Cũng góp ý cho dự thảo mới đây, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã kiến nghị điều chỉnh quy mô vốn tối thiểu với dự án đầu tư tương tự vì quy định này không cần thiết. Theo VCCI, Luật Đấu thầu quy định kinh nghiệm thực hiện các dự án đầu tư kinh doanh tương tự là một trong những tiêu chuẩn để đánh giá hồ sơ dự thầu của nhà đầu tư.

Hiện dự thảo quy định, các dự án đầu tư kinh doanh tương tự phải có tổng vốn đầu tư/tổng mức đầu tư tối thiểu thông thường trong khoảng 50% – 70% tổng vốn đầu tư của dự án đang xét hoặc trong khoảng 30% – 70%, tuỳ thuộc loại dự án.

Việc đặt ra quy định về quy mô vốn tối thiểu của dự án tương tự khi đánh giá kinh nghiệm của nhà đầu tư có tác động hạn chế các nhà đầu tư tham gia đấu thầu dự án. Đối với các dự án quy mô nhỏ, quy định này có thể không có nhiều tác động vì thường sẽ có nhiều nhà đầu tư đáp ứng.

Tuy nhiên, đối với những dự án quy mô lớn, việc tìm được các nhà đầu tư có kinh nghiệm dự án tương tự quy mô vốn 50% là điều tương đối khó khăn.

Ví dụ, trên hệ thống Mạng đấu thầu quốc gia có đăng tải dự án lên đến hơn 80.000 tỷ đồng. Theo quy định này, nhà đầu tư phải có kinh nghiệm thực hiện dự án từ 40.000 tỷ đến 56.000 tỷ đồng trở lên thì mới được tham gia thầu. Kết quả là chỉ có một số rất ít các doanh nghiệp có thể tham gia đấu thầu, không phù hợp với nguyên tắc bảo đảm tính cạnh tranh tại Điều 6 và Điều 16 của Luật Đấu thầu năm 2023.

Thêm vào đó, quy định này rất bất lợi cho các nhà đầu tư Việt Nam khi phải cạnh tranh với nhà đầu tư nước ngoài nhiều kinh nghiệm hơn, dẫn đến nguy cơ nhiều dự án lớn sẽ rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài thay vì doanh nghiệp trong nước.

Các tổ chức quốc tế thường khuyến nghị các quốc gia xây dựng hệ thống đấu thầu sao cho tăng sự cạnh tranh. OECD khuyến nghị không nên xây dựng các tiêu chí đấu thầu ưu tiên nhà thầu có kinh nghiệm hoặc gây ra sự khó khăn không cần thiết đối với cả nhà thầu mới. Do đó, việc đưa yếu tố quy mô vốn tối thiểu của dự án tương tự khi đánh giá kinh nghiệm của nhà đầu tư cần được hết sức cân nhắc.

Trên thực tế, các cơ quan có thẩm quyền mời thầu thường có xu hướng muốn tăng cao điều kiện về kinh nghiệm của các bên tham gia thầu. Theo phản ánh của các doanh nghiệp, các cơ quan này thường cố gắng đưa ra điều kiện về quy mô dự án tương tự ở mức cao nhất trong biên độ cho phép tại Thông tư này (thường lên đến 70%).

Đứng từ góc độ một Thông tư hướng dẫn Luật Đấu thầu, nội dung về quy mô dự án tương tự nên được xây dựng theo hướng đưa ra giới hạn tối đa để tránh các cơ quan mời thầu lạm dụng đưa điều kiện quá cao. Đối với giới hạn tối thiểu thì nên cho phép các cơ quan mời thầu chủ động quyết định, có thể rất thấp nếu họ thấy điều kiện này là không cần thiết”, VCCI nêu.

VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định về quy mô vốn tối thiểu đối với các dự án tương tự khi đánh giá kinh nghiệm tham gia đấu thầu cần cân nhắc việc bỏ giới hạn dưới (mức sàn) mà chỉ quy định về giới hạn trên (mức trần) của quy mô dự án tương tự. Theo đó, các cơ quan mời thầu có quyền chủ động đưa ra điều kiện kinh nghiệm về quy mô dự án tương tự nhưng không được vượt quá ngưỡng quy định trong Thông tư này.

Trong trường hợp không bỏ mức giới hạn dưới thì có thể quy định mức này thấp hơn, từ 0% đến 20% tuỳ loại dự án; Đồng thời, giảm mức giới hạn trên xuống, tối đa chỉ là 50% giá trị dự án đang xét, để tăng cơ hội tham gia thầu của nhiều nhà đầu tư hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Dự thảo Thông tư hướng dẫn biểu mẫu đấu thầu còn bất cập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO