Dùng ngân sách giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch

DIỆU HOA 04/08/2023 13:25

Nhà nước sử dụng ngân sách để có đất sạch cho các dự án là cách tốt nhất để điều tiết chênh lệch địa tô.

>>Cần chú ý giám sát từ đầu chủ trương thu hồi đất

Phiên họp tham vấn ý kiến về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi được Ủy ban Kinh tế tổ chức sáng 4/8, nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật quan trọng này trước khi trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 6 vào cuối năm nay.

Sáng 4/8, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức phiên họp tham vấn ý kiến về Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi (Dự thảo).

Dùng ngân sách giải phóng mặt bằng

So với dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, dự thảo luật lần này đã quy định cụ thể các dự án nhà ở thương mại, công trình thương mại... vào dự án thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng chứ không dẫn chiếu sang điều khác.

Phát biểu tại phiên họp, ông Đinh Dũng Sỹ - Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ nêu vấn đề, thu hồi đất là nội dung cực kỳ phức tạp và theo ông, cần sử dụng vốn ngân sách nhà nước để tạo đất sạch cho đấu thầu, đấu giá sử dụng đất. Vị chuyên gia đề xuất giải pháp dùng ngân sách giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch. Ông cho rằng, đây là giải pháp tốt nhất để điều tiết địa tô chênh lệch.

Phân tích rõ hơn, ông Đinh Dũng Sỹ cho hay, khi đấu thầu, đấu giá sử dụng đất sạch đã được nhà nước sử dụng ngân sách để giải phóng mặt bằng thì người bị thu hồi đất dù có bị thiệt một chút, nhưng sẽ hiểu rằng, nhà nước được lợi người ta sẽ chịu. Còn nếu nhà đầu tư có lợi người ta sẽ không chịu.

Đặt vấn đề về nguồn vốn ngân sách để đáp ứng giải pháp trên, ông Sỹ cho rằng hoàn toàn có thể nghĩ tới cơ chế để kéo ngân hàng thương mại vào để cho vay. Bên cạnh đó, vị chuyên gia cũng bày tỏ ý kiến đồng tình với quy định tại dự thảo, quy định tổ chức lại Tổ chức phát triển quỹ đất và đồng ý trích một phần trăm nhất định tiền thu từ đất của các địa phương cho Quỹ phát triển đất.

Đồng quan điểm trên, Ths Nguyễn Văn Đỉnh – Chuyên gia pháp lý đất đai cũng cho rằng nếu nhà nước sử dụng vốn ngân sách để có đất sạch cho đấu giá thì người dân sẽ đồng thuận hơn. Song, ông Đỉnh cho rằng, để phân bổ chênh lệch địa tô được hài hòa thì cốt lõi là giá đất đảm bảo được nguyên tắc thị trường.

>>Không thực hiện thu hồi đất để đấu giá

2 phương án xác định tiêu chí thu hồi đất để đấu giá, đấu thầu

Cũng phát biểu tại phiên họp, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu tiếp tục đóng góp ý iến liên quan đến xác định tiêu chí thu hồi đất để đấu giá, đấu thầu.

Phân quyền cho HĐND sẽ khó xác định đâu là dự án "trọng điểm" trong hàng loạt các dự án đô thị, nhà ở thương mại ở địa phương.

Theo ông Hiếu, với dự án nhà ở thương mại, công trình thương mại, dịch vụ, khu vui chơi, giải trí, tổ hợp đa năng, dự thảo luật đưa ra 2 phương án về xác định tiêu chí thu hồi và thực hiện đấu giá, đấu thầu.

Phương án 1 giao HĐND cấp tỉnh quyết định dự án trọng điểm thực hiện đấu thầu. Theo ông Hiếu, quy định này nhằm tạo điều kiện cho địa phương tự quyết định phù hợp với đặc điểm từng địa bàn. Tuy nhiên, nếu thiếu quy định mang tính định lượng sẽ gây lúng túng trong tổ chức thực hiện.

Phương án 2, dự thảo luật quy định tiêu chí phân định theo quy mô về diện tích dự án. Với dự án trên 10ha là trường hợp đấu thầu, không phân biệt loại đất thực hiện dự án; dưới 10ha và không sử dụng đất ở là trường hợp đấu giá; dưới 10ha và có sử dụng đất ở là trường hợp thỏa thuận.

Ủy ban Kinh tế cho rằng quy định theo hướng này nhằm xác định rõ ràng ngay tại luật các trường hợp đấu thầu, đấu giá, thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc sử dụng quyền sử dụng đất đang có để địa phương thực hiện được ngay.

Với dự án nhà ở thương mại, công trình thương mại, dịch vụ, khu vui chơi, giải trí, tổ hợp đa năng không sử dụng đất ở, tiêu chí về mức quy mô là cần thiết để làm rõ dư địa cho việc tiếp tục thực hiện cơ chế thỏa thuận quyền sử dụng đất để thực hiện dự án.

Cũng phát biểu về vấn đề này, TS Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho rằng nếu quy định HĐND quyết định dự án trọng điểm để đấu thầu, địa phương sẽ rất khó xác định đâu là dự án "trọng điểm" trong hàng loạt các dự án đô thị, nhà ở thương mại ở địa phương.

Đối với phương án 2, ông Khôi góp ý nên áp dụng tiêu chí 20 ha theo Nghị định 15 năm 2021 quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

Có thể bạn quan tâm

  • Hải Dương: Vì sao Công ty Cổ phần cá giống Kinh Môn bị thu hồi đất?

    Hải Dương: Vì sao Công ty Cổ phần cá giống Kinh Môn bị thu hồi đất?

    00:06, 28/07/2023

  • Hải Phòng: Sẽ thu hồi đất nếu HDMON tiếp tục không triển khai dự án

    Hải Phòng: Sẽ thu hồi đất nếu HDMON tiếp tục không triển khai dự án

    15:09, 22/07/2023

  • TP.HCM gặp khó trong việc bồi thường thu hồi đất nhà nhiều hộ, nhiều tầng

    TP.HCM gặp khó trong việc bồi thường thu hồi đất nhà nhiều hộ, nhiều tầng

    03:00, 27/06/2023

  • Cần chú ý giám sát từ đầu chủ trương thu hồi đất

    Cần chú ý giám sát từ đầu chủ trương thu hồi đất

    11:16, 21/06/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Dùng ngân sách giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO