Ngành đường sắt cho biết tiếp tục chủ động triển khai phương án để tăng sản lượng hàng hoá liên vận quốc tế đường sắt đến các địa phương của Trung Quốc và đi các nước thứ 3.
>>>"Ông lớn" đường sắt "sửa lỗi" mô hình
Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vừa phê duyệt kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm (giai đoạn 2021-2025) của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR).
Theo đó, Uỷ ban giao Công ty mẹ - VNR theo dõi luồng khách để điều chỉnh thành phần đoàn tàu phù hợp đảm bảo nhu cầu đa dạng của hành khách và hiệu quả kinh doanh. Bám sát nhu cầu thị trường vận tải mở thêm tuyến mới để mở rộng thị trường; phát triển hệ thống bán hàng rộng khắp, chú trọng vào vùng thị xã, thị trấn và các hình thức hợp tác để thu hút luồng khách nước ngoài.
Theo ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), năm 2023, doanh thu toàn Tổng công ty đường sắt đạt 8.503,8 tỷ đồng, đạt 101,8% kế hoạch năm 2023 và bằng 106,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, Công ty Mẹ đạt 6.247 tỷ đồng doanh thu, bằng 113,2% so với cùng kỳ năm 2022; lợi nhuận trước thuế đạt 4,5 tỷ đồng, bằng 150% kế hoạch năm 2023 (năm 2022 lỗ 173 tỷ đồng).
Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, nhu cầu vận tải hàng hoá năm 2023 giảm nên doanh thu vận tải hàng hoá bằng đường sắt đã không đạt kế hoạch và sụt giảm so với cùng kỳ năm 2022 (doanh thu đạt 95,1% kế hoạch, 82,5% so với cùng kỳ năm 2022).
Trong giai đoạn 2021 - 2025, Tổng công ty Đường sắt được giao đạt doanh thu 39.544 tỷ đồng, tổng lợi nhuận trước thuế âm 866,6 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2022 âm hơn 1.193,7 tỷ đồng, giai đoạn 2023 - 2025 sẽ thoát lỗ và lãi 322,8 tỷ đồng.
Nói về tái cơ cấu đường sắt, ông Mạnh cho biết: "Đường sắt đã được giao thực hiện xong phương án cơ cấu lại doanh nghiệp, đơn vị, đảm bảo các doanh nghiệp và đơn vị được cơ cấu lại đi vào hoạt động ổn định, phát triển có hiệu quả.
"Đường sắt hướng đến mục tiêu phục vụ theo nhu cầu hành khách, tập quán tiêu dùng, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, tiện ích, thuận lợi và đa dạng hóa dịch vụ vận tải trong vận chuyển hành khách và triển khai phương thức bán vé tàu linh hoạt", ông Mạnh nhấn mạnh.
>>>Đường sắt kết nối Việt - Lào đoạn Vũng Áng - Mụ Giạ sẽ theo phương thức PPP
Về các phương án hoạt động, bên cạnh nhiệm vụ được Uỷ ban quản lý giao, ông Mạnh chia sẻ, ngành đường sắt tiếp tục duy trì và nghiên cứu chính sách giá cước linh hoạt để đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng kể cả thời gian cao hay thấp điểm vận tải.
Đặc biệt với lĩnh vực kinh doanh vận tải hàng hóa, đường sắt được giao tạo thuận lợi cho chủ hàng, chỉ một đầu mối tiếp nhận, niêm yết công khai giá, trách nhiệm người vận chuyển, chất lượng dịch vụ, bổ sung các dịch vụ như đóng gói, kiểm đếm, bảo quản, giao nhận hàng, vận tải đa phương thức, thuê toa, chuyến, tuyến.
"Cùng đó là khai thác tối đa khối lượng vận tải hàng hóa tại các khu công nghiệp, nhà máy, cảng biển có kết nối với đường sắt quốc gia, tăng cường vận tải container, vận tải liên vận quốc tế và tích cực tham gia vào chuỗi logistics", ông Mạnh cho biết.
Đồng thời khẳng định, đường sắt sẽ tiếp tục chủ động triển khai phương án nâng cao năng lực vận tải liên vận quốc tế bằng đường sắt đến năm 2030 đã báo cáo Chính phủ để tăng sản lượng hàng hoá liên vận quốc tế đường sắt đến các địa phương của Trung Quốc và đi các nước thứ 3.
Được biết, hai nước Việt Nam và Trung Quốc đã ký Hiệp định đường sắt biên giới năm 1992 và chính thức thông xe qua hai cặp cửa khẩu đường sắt Đồng Đăng - Bằng Tường khổ 1.435mm và Lào Cai - Hà Khẩu khổ 1.000mm vào ngày 14/2/1996.
Định kỳ hàng năm, đường sắt hai nước tổ chức Hội nghị đường sắt biên giới Việt Nam - Trung Quốc nhằm giải quyết các vấn đề vướng mắc phát sinh và tìm các biện pháp tích cực thúc đẩy công tác vận tải liên vận quốc tế giữa hai nước và quá cảnh tới các nước thứ ba.
Đường sắt hai nước đã thống nhất thúc đẩy kết nối hiệu quả giữa liên vận đường sắt Việt - Trung với các đoàn tàu chuyên tuyến từ Trung Quốc đi châu Âu, xúc tiến phát triển chuyên chở hàng hóa giữa đường sắt hai nước với đường sắt Á - Âu.
Cùng đó nghiên cứu áp dụng trao đổi dữ liệu điện tử liên vận đường sắt quốc tế để phục vụ tổ chức vận tải, nâng cao hiệu suất tác nghiệp tại cửa khẩu; khai thác mở rộng liên vận hàng hóa đường sắt quốc tế, bao gồm thị trường liên vận đa phương thức đường sắt, đường thủy, đường bộ; phối hợp trao đổi, thúc đẩy hợp tác trong khuôn khổ các tổ chức quốc tế như Tổ chức Hợp tác đường sắt (OSJD) và Liên minh Đường sắt quốc tế (UIC).
Dự kiến, đường sắt sẽ có 8 ga khai thác liên vận quốc tế, trong đó có một số ga đã đưa vào khai thác, gồm Đồng Đăng, Lào Cai, Yên Viên, Kép, Sóng Thần, Kim Liên (Đà Nẵng), Diêu Trì (Bình Định), Trảng Bom (Đồng Nai).
Ngay từ đầu năm 2023, sau khi Chính phủ giao, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam khẩn trương triển khai, nâng cấp hạ tầng ga Kép và ga sóng Thần đưa vào làm ga liên vận, tổ chức các kho ngoại quan ICD (cảng cạn), logistics. Sau tỉnh Bắc Giang, Bình Dương, tỉnh Hải Dương cũng đang xúc tiến để tổ chức ga Cao Xá làm ga liên vận quốc tế.
Cùng với Trung Quốc, VNR cũng cho biết duy trì và thúc đẩy lượng hàng xuất khẩu sang Nga, châu Âu... Thúc đẩy các hoạt động logistics, đầu tư nâng cao chất lượng hệ thống quản trị qua ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước dần chuyển hướng tổ chức phân phối các nguồn hàng từ kho, ga đến các đại lý, siêu thị, cửa hàng tiện ích... nâng cao giá trị và hiệu quả trong chuỗi logistics.
Có thể bạn quan tâm
12:53, 30/12/2023
11:56, 20/12/2023
01:00, 01/12/2023
03:00, 01/11/2023
00:30, 16/10/2023
03:00, 15/10/2023