Quản lý nhiều tập đoàn kinh tế, tổng công ty với khối tài sản lớn nhưng Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đang thiếu thực quyền.
>>>Sứ mệnh dẫn dắt của doanh nghiệp Nhà nước
Sau 5 năm về “một mẹ”, 19 tập đoàn, tổng công ty dưới sự quản lý của Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đã hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, công khai minh bạch, tối đa hoá lợi ích của nhà nước, hạn chế thất thoát tài sản nhà nước, cơ bản đã bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.
Tuy nhiên, do là mô hình mới, đặc thù và chưa từng có tiền lệ nên thời gian qua, Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong hoạt động và chưa có “tiếng nói” mạnh mẽ.
Cụ thể hơn về nội dung này, ông Phạm Văn Sơn - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, hệ thống hoàn thiện xây dựng mô hình Ủy ban tách bạch chức năng đại diện chủ sở hữu và chức năng quản lý nhà nước đối với cùng một đối tượng doanh nghiệp chưa được thể chế hóa bằng văn bản quy phạm pháp luật. Theo quy định, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của Ủy ban rất nặng nề song chỉ thiên về quyền quản lý doanh nghiệp. Uỷ ban không được đưa ra cơ chế, chính sách pháp luật.
Do đó, Ủy ban muốn sửa một điều lệ của doanh nghiệp, nghị định của Chính phủ liên quan thì phải trình sang Bộ chủ quản. Chủ tịch Ủy ban cũng không phải thành viên Chính phủ, chỉ là cơ quan thuộc Chính phủ nên khi đưa sang các bộ, có được tiếp thu hay không là quyền của các bộ. Theo lãnh đạo Vụ Tổng hợp, có văn bản được Uỷ ban trình đúng hạn nhưng có những bộ suốt 5 tháng trời không trả lời. Thậm chí có dự án xin ý kiến các bộ ngành 2 năm trời cũng không được trả lời.
Đại diện Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp kiến nghị cần tăng thực quyền cho Ủy ban cũng như được phân cấp, phân quyền hơn nữa, trong đó có quyền điều phối nguồn vốn của các doanh nghiệp.
Dẫn thực tế hiện nay, có những doanh nghiệp dư thừa nguồn vốn nhưng không sử dụng được. Trong khi có doanh nghiệp thiếu vốn nhưng luật không cho phép điều phối vốn giữa các đơn vị.
Sau 5 năm thành lập (từ năm 2018 đến nay), lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp khẳng định:Uỷ ban đã hoàn thành cơ bản nhiệm vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu. Thời điểm này, có nhiều vấn đề đặt ra cần được cởi gỡ và có câu trả lời xác đáng để xác định cụ thể mô hình của Uỷ ban.
>>>“Mở”, “phanh”, “hãm” khiến doanh nghiệp nhà nước khó phát triển
Cụ thể, Uỷ ban là quản lý vốn cho hiệu quả hay là thực hiện trách nhiệm xã hội; xác định giới hạn quyền chủ sở hữu tại doanh nghiệp thế nào để không cản trở đến quyền hoạt động của doanh nghiệp. Uỷ ban chỉ quản lý vốn ở công ty mẹ hay cả ở các công ty con, cháu; nếu quản lý các dự án của các công ty con, công ty cháu thì sẽ phải đấu thầu.
Ngoài ra, cần xác định mối quan hệ giữa chủ sở hữu và cơ quan quản lý vốn nhà nước; xác định trách nhiệm của doanh nghiệp nhà nước thực hiện nhiệm vụ chính trị hoặc kết hợp cả nhiệm vụ xã hội…
Từ góc độ của cơ quan quản lý Nhà nước, ông Nguyễn Đức Trung - Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng chỉ ra một số bất cập trong cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính tạo thành rào cản khiến cho doanh nghiệp nhà nước trở nên chậm chạp, thiếu linh hoạt trong hoạt động. Đó là hệ thống pháp luật về doanh nghiệp nhà nước chưa đồng bộ; quy trình thủ tục báo cáo, phê duyệt nhiều tầng nấc, chưa được phân cấp triệt để. Chưa có cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty để thực hiện vai trò mở đường, dẫn dắt các thành phần kinh tế khác…
Thời điểm hiện nay đã chuẩn bị bước sang quý 4 năm 2023 nhưng tiến độ phê duyệt Đề án tái cơ cấu, chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh giai đoạn 2021-2025 của các tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn chậm. Trừ Tập đoàn Viettel, đến nay hầu hết các tập đoàn kinh tế, tổng công ty thuộc Ủy ban quản lý vốn chưa được phê duyệt chiến lược và kế hoạch sản xuất, kinh doanh
Sự chậm trễ này làm mất đi cơ hội và giảm hiệu quả trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước. Do đó, TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, các tập đoàn, tổng công ty đều được mong muốn sẽ có vai trò quan trọng trong dẫn dắt, phát triển bền vững nhưng liệu doanh nghiệp có thể mạnh mẽ tiên phong, dẫn dắt hay không?
Theo TS. Võ Trí Thành, cần xác định lại vai trò của doanh nghiệp nhà nước và có những bước đi để hoàn thiện, nâng cao dần, khắc phục tồn đọng về pháp lý, chức năng, phân cấp…. Từ bước đi tiệm cận ấy kết hợp với các sandbox thí điểm quyền tự chủ, quyền đầu tư, lương thưởng, tiếp cận nghiên cứu triển khai… Về lâu dài, cần xem xét tái cấu trúc mô hình quản lý Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
Lập doanh nghiệp nhà nước làm nhà ở xã hội
14:12, 19/09/2023
12 nhiệm vụ để doanh nghiệp nhà nước phát huy tính dẫn dắt, tiên phong
16:08, 14/09/2023
Vì sao chuyển đổi số ở doanh nghiệp nhà nước chưa như kỳ vọng?
03:20, 03/08/2023
Chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhà nước gặp nhiều thách thức
14:25, 27/07/2023
Phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu đối với doanh nghiệp nhà nước
10:00, 24/05/2023
Nâng cao năng lực cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp nhà nước
00:23, 19/10/2022
"Đổi màu" hiệu quả doanh nghiệp nhà nước
00:02, 29/09/2022
Khơi thông thể chế cho doanh nghiệp nhà nước
03:50, 14/04/2022
Xử lý dứt điểm doanh nghiệp nhà nước yếu kém
04:00, 03/04/2022
Khơi thông nguồn lực cho doanh nghiệp Nhà nước
09:29, 24/03/2022
Đón cơ hội từ doanh nghiệp Nhà nước thoái vốn ngoài ngành
11:55, 26/01/2022
Doanh nghiệp Nhà nước sẽ phải theo quy luật “tự sinh, tự diệt”
15:30, 19/11/2021