Khơi thông thể chế cho doanh nghiệp nhà nước

TS NGUYỄN ĐÌNH CUNG, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) 14/04/2022 03:50

Doanh nghiệp nhà nước là lực lượng kinh tế chưa thể thay thế được trong phát triển kinh tế thời gian tới, và mục tiêu tái cơ cấu là nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực trong khu vực doanh nghiệp.

>>Doanh nghiệp Nhà nước sẽ phải theo quy luật “tự sinh, tự diệt”

Hơn 10 năm qua, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) như một diễn viên nhưng lại không xuất hiện trên sân khấu phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Đó là do DNNN bị nhốt trong lồng thể chế xin cho, không phát triển được, không có sức cạnh tranh. Bây giờ, phải đập cái lồng đó, thả DNNN ra thị trường. 

 DNNN chưa thể hiện rõ vai trò nổi bật trong việc dẫn dắt, tạo động lực, thúc đẩy các thành phần khác phát triển, thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị gia tăng.

DNNN chưa thể hiện rõ vai trò nổi bật trong việc dẫn dắt, tạo động lực, thúc đẩy các thành phần khác phát triển, thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị gia tăng.

Doanh nghiệp nhà nước không phát triển

Doanh nghiệp nhà nước là thành phần đặc biệt quan trọng, nắm giữ những lĩnh vực là xương sống của nền kinh tế quốc dân, lẽ ra phải là động lực chính cho những kỳ tích tăng trưởng. Nhưng 10 năm qua, ta nhốt DNNN trong cái lồng thể chế, không cho nó tiếp xúc với ai, không cho nó thị trường. Là vì ta sợ mất nên cứ nhốt nó vào đó. Nhưng con người bị nhốt thì trí tuệ và thể chất không phát triển được, DNNN bị nhốt thì không thể hùng cường.

Đã nhốt vào lồng lại còn o bế, lại xin cho, ban phát thì DNNN càng không phát triển được.

10 năm qua, thật đáng tiếc, DNNN như một diễn viên nhưng không xuất hiện trên sân khấu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Đau xót hơn, công chúng xã hội chỉ thấy ở DNNN những vi phạm, tham nhũng, đại án...

Bởi vậy, điều cần thiết là phải đập cái lồng đó đi, thổi thị trường vào DNNN. Ta đừng sợ mất. Hãy chấp nhận có cái mất, có cái được, vì sẽ được nhiều hơn mất. Còn nếu sợ mất mà không sử dụng, thì với nền kinh tế thị trường, nó sẽ hao mòn dần rồi đến lúc cũng phải bỏ đi.

Hãy quản lý doanh nghiệp theo mục tiêu

Ta cần quản DNNN theo mục tiêu, như doanh thu, lợi nhuận, giá cổ phiếu... Cũng đừng quản doanh nghiệp theo quy trình, bởi nếu vậy thì doanh nghiệp chỉ chăm chăm làm đúng quy trình, mà làm đúng quy trình thì không có sản phẩm nổi bật. Doanh nghiệp muốn có lợi nhuận bền vững thì phải có sản phẩm nổi bật, như Apple có iPhone vậy. 10 năm trở lại đây, những sản phẩm ghi dấu ấn của Việt Nam đều xuất hiện ở nhóm doanh nghiệp tư nhân chứ không xuất hiện ở nhóm quốc doanh.

>>Khơi thông nguồn lực cho doanh nghiệp Nhà nước

Quản lý cũng đừng chú ý sự vụ. Trong kinh doanh, không bao giờ có thắng lợi 100%. 10 dự án có 2 cái thua, 8 cái thắng thì vẫn tốt. Nhưng 8 cái thắng không ai khen mà 2 cái thua bị thanh tra, bị kết luận không làm đúng chỉ đạo, không làm theo quy trình thì thế nào cũng chết. Hãy bỏ cái thứ làm theo quy định, chết theo quy trình đi.

Nhà nước phải chấp nhận doanh nghiệp dù thuộc sở hữu của ai cũng đều là công cụ kinh tế. Đã là công cụ thì phải hoạt động theo quy tắc chung thị trường đã trở thành thông lệ của thế giới, không thể một mình một kiểu. Bởi một mình một kiểu thì không tạo được niềm tin với đối tác, không có niềm tin thì không có làm ăn, không làm ăn được tức là bị “cho ra rìa”.

Doanh nghiệp nhà nước của ta đang trong tình trạng này. DNNN không thể tự đi vay được vốn nếu không có bảo lãnh chính phủ; DNNN cũng không thể niêm yết được trên thị trường tài chính quốc tế. DNNN muốn lớn thì phải bơi ra thị trường, muốn ra thị trường thì phải chấp nhận chơi theo luật quốc tế, bởi chỉ dưới áp lực cạnh tranh, mình mới làm tốt được, chứ không phải nhốt nó vào lồng vì sợ mất. Nhốt vào lồng thì DNNN như con hổ trong vườn bách thú, tưởng mạnh lắm nhưng đến đứa trẻ con cũng không sợ.

Muốn cho DNNN hoạt động tốt lên thì trước tiên phải bỏ những thứ quy hoạch, nhất là quy hoạch lãnh đạo doanh nghiệp. Hiện nay, nhân sự lãnh đạo vẫn được chọn từ trong số đã được chọn. Như vậy, phạm vi lựa chọn bị bó hẹp lại.

Khi đã chọn lãnh đạo DNNN từ thị trường, cần loại bỏ tư duy bổ nhiệm, bởi đây là thỏa thuận ngang hàng, sòng phẳng giữa chủ sở hữu và người lao động, không phải là sự ban phát về quyền lợi chính trị của cấp trên đối với cấp dưới. Khi thay đổi tư duy như vậy thì chuyện người đến hay đi sẽ trở nên bình thường.Chọn 4 người lãnh đạo trong số 10.000 người được quy hoạch làm sao tốt bằng chọn trong 96 triệu dân Việt Nam hay trong 7 tỷ người trên thế giới. Đó là chưa nói chọn trong 10.000 người chưa chắc được người giỏi. Nguyên nhân là người đứng đầu khi chọn người kế nhiệm thường sẽ chọn “người của mình”, tức là chọn người biết nghe lời, chứ không chọn người giỏi.

Muốn mời được người giỏi về làm thì trước tiên phải có môi trường làm việc tốt, để người giỏi được phát huy tài năng, không phải cứ tặng căn biệt thự, cái xe hơi, lương trăm triệu là người giỏi sẽ về. Trong DNNN hiện nay, có nhiều những cán bộ có năng lực tốt đến xuất sắc, thậm chí là tinh hoa trong nghề nghiệp đó, nhưng họ không được trọng dụng, không phát huy hết tài năng. Đó là sự lãng phí rất lớn.

Có thể bạn quan tâm

  • Xử lý dứt điểm doanh nghiệp nhà nước yếu kém

    Xử lý dứt điểm doanh nghiệp nhà nước yếu kém

    04:00, 03/04/2022

  • Khơi thông nguồn lực cho doanh nghiệp Nhà nước

    Khơi thông nguồn lực cho doanh nghiệp Nhà nước

    09:29, 24/03/2022

  • Đón cơ hội từ doanh nghiệp Nhà nước thoái vốn ngoài ngành

    Đón cơ hội từ doanh nghiệp Nhà nước thoái vốn ngoài ngành

    11:55, 26/01/2022

  • Doanh nghiệp Nhà nước sẽ phải theo quy luật “tự sinh, tự diệt”

    Doanh nghiệp Nhà nước sẽ phải theo quy luật “tự sinh, tự diệt”

    15:30, 19/11/2021

  • "Nâng cao thể trạng" Doanh nghiệp Nhà nước, giải pháp nào?

    05:30, 20/10/2021

  • Sức khỏe tài chính của Doanh nghiệp Nhà nước ra sao trong COVID-19?

    Sức khỏe tài chính của Doanh nghiệp Nhà nước ra sao trong COVID-19?

    15:29, 19/10/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Khơi thông thể chế cho doanh nghiệp nhà nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO