Chính phủ vừa phê duyệt đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025”.
>>Tạo "bứt phá" trong sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước năm 2019
Chia sẻ với DĐDN, ông Nguyễn Hoàng Anh – Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) cho biết, Uỷ ban đã đề nghị Chính phủ ban hành cơ chế cụ thể để nhanh chóng, thuận lợi trong việc sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước cho các mục đích chi đầu tư phát triển. Qua đó, các doanh nghiệp có thể tham gia sâu vào quá trình hồi phục phát triển kinh tế giai đoạn hậu COVID-19.
Năm 2021 dù bị tác động bởi dịch bệnh, 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Uỷ ban vẫn đạt 99% kế hoạch doanh thu, vượt 70% kế hoạch về lợi nhuận trước thuế và vượt 27% kế hoạch về nộp ngân sách Nhà nước.
Tuy nhiên, công tác cổ phần hoá, thoái vốn và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thời gian qua vẫn chưa được như mong đợi. Nói như Thủ tướng Phạm Minh Chính, DNNN phát triển chưa xứng với tiềm năng, chưa thể hiện được vai trò nòng cốt dẫn dắt, giai đoạn qua chưa có công trình lớn do DNNN đầu tư...
- Ông có thể cho biết cụ thể về tình hình xử lý các dự án thua lỗ, chậm tiến độ cổ phần hóa của ngành công thương, kéo dài từ nhiều năm qua?
Việc xử lý có kết quả dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ cổ phần hóa, kém hiệu quả tồn tại kéo dài từ nhiều năm trước đã giúp một số dự án “hồi sinh”. 5/12 dự án thua lỗ của ngành công thương đã được Bộ Chính trị đồng ý với giải pháp xử lý cụ thể.
Với 7 dự án còn lại, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái sẽ trực tiếp chỉ đạo vấn đề này. Vướng mắc lớn nhất của chúng ta tại các dự án này là những điểm nghẽn pháp luật mà đặc biệt là các hợp đồng kinh tế, hợp đồng tổng thầu có yếu tố nước ngoài. Đối với đối tác nước ngoài sẽ quy chiếu theo thông lệ quốc tế, theo những điều luật hợp đồng nên sẽ không quyết toán được, cũng như bán hay cho thuê dự án. Do đó, cần có xử lý tháo gỡ từ Quốc hội, Chính phủ, cố gắng trong năm 2022 sẽ giải quyết xong.
- Bên cạnh các dự án thua lỗ ngành công thương, với các tập đoàn, tổng công ty còn kinh doanh chưa hiệu quả, Uỷ ban có đề xuất giải pháp tháo gỡ như thế nào, thưa ông?
Đây là yêu cầu tiên quyết, để nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN cần thay đổi nhận thức, quan điểm về cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư nhà nước tại doanh nghiệp. Theo đó, phải xác định mục tiêu của cổ phần hóa, thoái vốn không phải là rút vốn nhà nước ra khỏi DNNN, thu hẹp phạm vi, quy mô của khu vực DNNN, mà tái cơ cấu lại danh mục đầu tư, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và giá trị đầu tư của Nhà nước tại doanh nghiệp.
>>Đẩy mạnh sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước
Nếu nhìn vào mô hình của Công ty Đầu tư tài chính Temasek của Singapore và Ủy ban Quản lý và giám sát tài sản nhà nước ở các doanh nghiệp nhà nước (SASAC) của Trung Quốc chúng ta sẽ thấy họ đi sâu vào quản lý nhân sự, đầu tư vốn vào các dự án trọng điểm chứ không đi vào chi tiết. Theo đó, tăng cường chức năng giám sát và thanh tra, kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn thay vì đi vào chi tiết như phê duyệt dự án, phê duyệt quỹ lương… Làm mất quyền tự chủ của doanh nghiệp.
Do đó, chúng tôi đề nghị xem xét thực hiện triệt để hơn việc tách bạch chức năng quản lý nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước cả về thể chế và tổ chức, bộ máy theo hướng Nhà nước quản lý theo mục tiêu, tăng tính chủ động, tự quyết của doanh nghiệp. Đồng thời đề cao trách nhiệm của người đại diện trực tiếp phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong việc quản lý, sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước.
- Các Tập đoàn, Tổng công ty thuộc Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sẽ tham gia vào quá trình khôi phục nền kinh tế như thế nào, thưa ông?
Chúng tôi cũng đề nghị doanh nghiệp tập trung nghiên cứu thúc đẩy dự án có tính lan toả, dẫn dắt, thu hút đầu tư phát triển kinh tế xã hội trong các lĩnh vực cảng biển, hàng không, năng lượng, công nghệ, logistics...
Ví dụ liên quan vấn đề năng lượng quốc gia, vấn đề xăng dầu tăng giá từ khủng hoảng Nga – Ukraine, thì Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phải đầu tư hệ thống nâng cao năng lực sản xuất như Nghi Sơn, Dung Quất… Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu như Petrolimex phải xây dựng hệ thống tổng kho lưu trữ, đảm bảo cân đối vùng miền.
Các doanh nghiệp tâp đoàn lĩnh vực nông nghiệp như Cao su, Cà phê, bên cạnh tập trung nâng cao năng suất chất lượng thì cần giảm diện tích, phục vụ cho công nghiệp, đô thị…
- Xin cảm ơn ông!
Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước” được xây dựng nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của DNNN trên nền tảng công nghệ hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế, làm tốt vai trò dẫn dắt phát triển các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác. Một số chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025 được Đề án đặt ra, đó là: Cơ bản hoàn thành việc sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu khối DNNN. Đảm bảo nguồn thu từ cơ cấu lại doanh nghiệp nộp ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2021-2025 ít nhất 248.000 tỷ đồng; xử lý cơ bản xong những yếu kém, thất thoát... |
Có thể bạn quan tâm
Khơi thông nguồn lực cho doanh nghiệp Nhà nước
09:29, 24/03/2022
Đón cơ hội từ doanh nghiệp Nhà nước thoái vốn ngoài ngành
11:55, 26/01/2022
Xây dựng đội ngũ lãnh đạo chủ chốt tại các doanh nghiệp nhà nước ngang tầm nhiệm vụ: Thực trạng và giải pháp
14:00, 07/12/2021
Doanh nghiệp Nhà nước sẽ phải theo quy luật “tự sinh, tự diệt”
15:30, 19/11/2021
"Nâng cao thể trạng" Doanh nghiệp Nhà nước, giải pháp nào?
05:30, 20/10/2021
Sức khỏe tài chính của Doanh nghiệp Nhà nước ra sao trong COVID-19?
15:29, 19/10/2021
Giải pháp nào đẩy nhanh tiến độ cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước?
04:05, 17/07/2021
Chậm cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước - nguyên nhân từ đâu?
04:30, 16/07/2021