Sáng 24/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).
>>Quốc hội thảo luận dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi)
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, qua quá trình nghiên cứu, tiếp thu và chỉnh lý Dự thảo Luật, hầu hết các ý kiến khác nhau đã được trao đổi thống nhất.
Theo ông Lê Quang Mạnh, có một nội dung còn ý kiến khác nhau liên quan đến phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và dự án sử dụng vốn Nhà nước.
Loại ý kiến thứ nhất, nhất trí việc bãi bỏ quy định áp dụng Luật Đấu thầu đối với các dự án đầu tư có sử dụng vốn Nhà nước, vốn của DNNN quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 1 Luật Đấu thầu năm 2013 vì các lý do sau:
Một là, quy định này phù hợp với chủ trương tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN nhằm tách bạch, phân định rõ chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước với chức năng quản lý nhà nước đối với mọi loại hình doanh nghiệp, chức năng quản trị kinh doanh của DNNN nêu tại Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Hai là, việc bãi bỏ quy định trên nhằm bảo đảm quyền tự chủ và tự quyết định kinh doanh của doanh nghiệp khi các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần, vốn góp đã được giao cho người đại diện vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của DNNN tại doanh nghiệp quyết định và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.
Chính phủ đề nghị giữ phương án này vì cho rằng quy định như Dự thảo Luật trình Quốc hội không thu hẹp phạm vi áp dụng của Luật đối với các gói thầu sử dụng vốn nhà nước và vốn của DNNN, đồng thời cũng không tạo ra khoảng trống pháp luật trong quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp khác; việc tiếp tục mở rộng hơn nữa đối tượng doanh nghiệp phải tuân thủ Luật Đấu thầu sẽ dẫn đến mâu thuẫn, chồng chéo trong quản lý phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, làm giảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DNNN trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tại Dự thảo Luật trình Quốc hội, Chính phủ đã đề xuất chỉ áp dụng Luật Đấu thầu đối đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu của DNNN thuộc đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 88 Luật Doanh nghiệp, đồng thời bãi bỏ Điểm c Khoản 1 Điều 1 Luật Đấu thầu hiện hành để không áp dụng Luật này đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu thuộc các dự án có sử dụng vốn nhà nước, vốn của DNNN từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án.
>>Chiều 24/5, Quốc hội họp về chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2%
Loại ý kiến thứ hai cho rằng, nếu quy định như Dự thảo Chính phủ trình sẽ thu hẹp đáng kể đối tượng dự án sử dụng vốn nhà nước phải đấu thầu, tạo khoảng trống pháp luật trong quản lý vốn nhà nước dẫn tới toàn bộ các dự án đầu tư của công ty con của các tập đoàn, tổng công ty, DNNN khác… sẽ không phải đấu thầu theo quy định của luật này. Do vậy, đề nghị quy định đối tượng áp dụng đối với dự án đầu tư của DNNN và doanh nghiệp có trên 50% vốn thuộc sở hữu của DNNN, nhằm quản lý chặt chẽ nguồn vốn đầu tư của Nhà nước vào DNNN và nguồn vốn của DNNN đầu tư, góp vốn vào các doanh nghiệp khác mà DNNN nắm quyền chi phối.
Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị tương tự như loại ý kiến thứ 2, nhưng chỉ bổ sung thêm đối tượng là doanh nghiệp có vốn của DNNN 100% vốn điều lệ. Phương án này mở rộng hơn đối tượng so với loại ý kiến thứ nhất và thu hẹp hơn đối tượng so với loại ý kiến thứ 2, song chưa có cơ sở lý luận và thực tiễn để phân định việc loại trừ ra khỏi đối tượng với giữa doanh nghiệp có vốn của DNNN có từ 50% đến 99% vốn điều lệ và doanh nghiệp có vốn của DNNN 100% vốn điều lệ. Một số ý kiến khác đề nghị giữ quy định Điểm c Khoản 1 Điều 1 Luật Đấu thầu hiện hành.
Về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các đại biểu quốc hội cho ý kiến cụ thể lựa chọn 2 phương án nêu trên. Trên cơ sở ý kiến của đại biểu quốc hội, UBTVQH sẽ chỉ đạo tổng hợp, tiếp thu, chỉnh lý trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Góp ý về hồ sơ trình Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cho biết, đến nay còn khoảng 19 điều khoản giao cho Chính phủ và một số bộ, ngành quy định hoặc hướng dẫn cụ thể nhưng đến nay chưa thấy dự thảo nghị định và hướng dẫn kèm theo. Đại biểu đề nghị cần bổ sung để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa luật và các văn bản dưới luật để các đại biểu nghiên cứu, cho ý kiến.
Về đối tượng áp dụng tại Điều 2 tại Khoản 2 Dự thảo Luật này, đại biểu Trần Văn Tiến lựa chọn phương án 2, trong đó Điểm a quy định các gói thầu thuộc dự án đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước thực hiện theo Luật Doanh nghiệp và doanh nghiệp nhà nước trên 50 % vốn điều lệ.
Tại Điểm b quy định gói thầu trang thiết bị, cơ sở vật chất… cho doanh nghiệp nhà nước, nhưng nếu áp dụng theo phương án 2 thì với doanh nghiệp nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống sẽ do doanh nghiệp quyết định theo Luật Doanh nghiệp, khi đó vốn Nhà nước trong doanh nghiệp có thể nắm giữ đến 50% vốn điều lệ nhưng không kiểm soát được.
Do vậy, đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra đánh giá tác động đối với những trường hợp doanh nghiệp có vốn nhà nước nắm giữ đến 50% vốn điều lệ. “Mặt khác, khi doanh nghiệp liên doanh, liên kết với doanh nghiệp khác nhưng tỷ trọng vốn của doanh nghiệp nhà nước thực hiện gói thầu, dự án chưa đến 50% thì được xử lý như thế nào?”, đại biểu Trần Văn tiến đề nghị cơ quan soạn thảo cần làm rõ.
Có thể bạn quan tâm
00:06, 24/05/2023
01:39, 23/05/2023
17:07, 22/05/2023
13:19, 22/05/2023
10:05, 22/05/2023