Nghiên cứu - Trao đổi

Gỡ vướng cho điện rác: Cần “khơi thông” các rào cản pháp lý

Gia Nguyễn 29/04/2025 04:00

Trước những khó khăn, vướng mắc của điện rác, nhóm nghiên cứu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất, cần “khơi thông” các rào cản pháp lý...

Việt Nam hiện đang trong quá trình chuyển mình mạnh mẽ về năng lượng mới. Điện rác, hay còn gọi là điện từ chất thải rắn, là một trong những lĩnh vực nhận được sự quan tâm lớn từ chính phủ và các doanh nghiệp.

go-vuong-cho-dien-rac-28.4.1.jpg
Với yêu cầu bảo vệ môi trường, xu hướng kinh tế xanh, các địa phương có nhu cầu chuyển đổi sang các công nghệ xử lý thân thiện với môi trường, trong đó có công nghệ đốt rác phát điện (điện rác) - Ảnh minh họa: ITN

Theo thống kê, hiện mỗi ngày trên cả nước phát sinh khoảng 67.110 tấn chất thải rắn sinh hoạt, đòi hỏi chi phí thu gom và xử lý rất lớn, lên đến 3,35 triệu USD/ngày. Tuy vậy, chỉ có khoảng 16% lượng rác được chế biến thành phân compost và 19% được xử lý bằng phương pháp đốt hoặc tái chế, còn lại phần lớn vẫn phải chôn lấp. Thực trạng này không chỉ gây lãng phí tài nguyên mà còn làm gia tăng ô nhiễm môi trường.

Đáng nói, với yêu cầu bảo vệ môi trường, xu hướng kinh tế xanh, các địa phương có nhu cầu chuyển đổi sang các công nghệ xử lý thân thiện với môi trường, trong đó có công nghệ đốt rác phát điện (điện rác). Công nghệ này cũng được ưu tiên đẩy mạnh phát triển theo các văn bản của Đảng, Nhà nước như Nghị quyết 24-NQ/TW, Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dù vậy, việc thu hút nhà đầu tư vào các dự án này còn gặp nhiều khó khăn.

Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2024 do nhóm nghiên cứu của VCCI thực hiện nêu rõ, hiện nay, nhà đầu tư có thể đầu tư dự án điện rác thông qua ba con đường: Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP); Đầu tư vào dự án xử lý rác thải hiện hữu và thực hiện chuyển đổi công nghệ. Tuy nhiên, cả ba phương thức trên đều chưa thuận lợi do gặp những vướng mắc lớn.

go-vuong-cho-dien-rac-28.4.2.jpg
Để có thể tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho điện rác, nhóm nghiên cứu của VCCI đề xuất, cần “khơi thông” các rào cản pháp lý - Ảnh minh họa: ITN

Cụ thể, theo nhóm nguyên cứu của VCCI, dịch vụ xử lý rác thải được xem là một loại dịch vụ công. Nhà nước sẽ thực hiện thông qua doanh nghiệp Nhà nước hoặc giao cho tư nhân thực hiện. Trong cả hai trường hợp, chi phí thực hiện sẽ được ngân sách Nhà nước chi trả cho đơn vị cung cấp dịch vụ. Trong trường hợp điện rác, các nhà máy điện rác sẽ thực hiện hoạt động xử lý (đốt) rác và nhận chi trả từ ngân sách Nhà nước cho hoạt động này.

Việc lựa chọn cơ sở thực hiện dịch vụ được thực hiện thông qua phương thức cụ thể, trong trường hợp cơ sở xử lý chất thải sẽ theo một trong hai phương thức: đấu thầu hoặc đặt hàng. Thời hạn thực hiện dịch vụ tương đối ngắn với cả hai phương thức (1 năm với phương thức đặt hàng, và tối đa 5 năm với phương thức đầu thầu). Lý do là nguồn chi cho dịch vụ công phải phù hợp với kế hoạch tài chính 05 năm và dự toán chi hàng năm của địa phương. Với quy định như vậy, địa phương chỉ có thể ký kết hợp đồng ngắn hạn với các cơ sở xử lý rác thải.

Một điểm vướng khác là sự thiếu rõ ràng trong quy định pháp luật. Trước đây, theo quy định của Nghị định số 32/2019/NĐ-CP, có hai phương thức lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ công là đấu thầu hoặc đặt hàng. Địa phương có thể có quyền lựa chọn giữa một trong hai phương thức này. Sau này, Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định việc lựa chọn cơ sở xử lý chất thải phải đấu thầu (Điều 78). Chỉ khi không thể đấu thầu thì mới thực hiện thông qua đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ.

Cũng theo nhóm nghiên cứu, đầu tư theo phương thức PPP là một trong những phương thức lựa chọn nhà đầu tư tham dự dự án điện rác. Với phương thức này, nhà đầu tư có cam kết dài hạn về sử dụng dịch vụ xử lý chất thải từ Nhà nước, tuy nhiên, trên thực tế, phương thức PPP vẫn chưa được áp dụng rộng rãi cho các dự án nhà máy điện rác.

“Qua khảo sát từ các doanh nghiệp và địa phương, nguyên nhân chủ yếu được cho là do thiếu các hướng dẫn cụ thể trong quá trình triển khai đầu tư theo hình thức này. Luật PPP và các Nghị định hướng dẫn hiện hành mới chỉ cung cấp một khuôn khổ chung cho hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Trong khi đó, mỗi lĩnh vực đầu tư lại có những đặc thù riêng, đòi hỏi phải có các văn bản hướng dẫn chi tiết phù hợp”, nhóm nghiên cứu của VCCI nêu rõ.

Ngoài các vấn đề vướng mắc đã nêu, Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh của nhóm nghiên cứu VCCI cũng chỉ rõ các hạn chế khác dẫn đến khó khăn trong việc phát triển điện rác bao gồm: Năng lực của chính quyền địa phương; Thủ tục đầu tư chưa phân cấp triệt để; Quy hoạch điện còn thiếu cơ chế điều chỉnh linh hoạt; Chậm ban hành văn bản hướng dẫn.

Và trước thực tế đã nêu, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển điện rác, nhóm nghiên cứu đề xuất, cần “khơi thông” các rào cản pháp lý: Thứ nhất, ban hành quy định cho phép địa phương ký kết hợp đồng dịch vụ xử lý chất thải dài hạn với các nhà máy điện rác; Thứ hai, sớm ban hành mẫu hợp đồng PPP (mẫu BLT) trong lĩnh vực xử lý chất thải; Thứ ba, cân nhắc thành lập Tổ công tác của trung ương để hỗ trợ địa phương trong việc thực hiện các dự án điện rác;

Thứ tư, sớm ban hành danh mục kỹ thuật hiện có tốt nhất và xây dựng hướng dẫn về việc xử lý tro bay của lò đốt chất thải rắn sinh hoạt sau hoá rắn; Thứ năm, phân cấp cho địa phương thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng (thẩm định thiết kế cơ sở) và lĩnh vực môi trường (phê duyệt đánh giá tác động môi trường); Thứ sáu, thiết kế lại Danh mục dự điện rác trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII theo hướng mở, trong đó không phân bổ trước công suất đặt cho từng địa phương, mà ưu tiên cho các dự án có khả năng triển khai trước.

Đồng quan điểm với nhóm nghiên cứu của VCCI tại Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2024, xoay quanh vấn đề này, trước đó, không ít ý kiến cũng cho hay, phần lớn các dự án điện rác hiện nay đều rơi vào thế bế tắc do vướng mắc trong quy trình pháp lý và thiếu cam kết rõ ràng từ phía cơ quan quản lý địa phương. Do đó, cần sớm có khung chính sách rõ ràng và ổn định để tạo động lực cho các nhà đầu tư.

Được biết, theo báo cáo của Bộ Công Thương, Việt Nam có 15 nhà máy đốt rác phát điện, trong đó ba nhà máy đã chính thức vận hành và hòa vào lưới điện quốc gia. Các nhà máy này có công suất xử lý từ 180 tấn đến 4.000 tấn rác mỗi ngày, với công suất phát điện dao động từ 5 MW đến 75 MW.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Gỡ vướng cho điện rác: Cần “khơi thông” các rào cản pháp lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO