Nhiều chuyên gia khuyến nghị cần có cơ chế, chính sách đồng bộ để tháo gỡ vướng mắc cho các dự án điện rác, hướng tới phát triển bền vững.
Theo thống kê mới nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi ngày trên cả nước đang phát sinh khoảng 67.110 tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong số đó có khoảng 65% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp. Điều đáng nói là nhiều bãi chôn lấp hiện đã “quá tải,” không còn khả năng tiếp nhận. Trong bối cảnh đất đai ngày càng khan hiếm, các nhà máy điện sử dụng nguyên liệu rác thải được coi là giải pháp hiệu quả để cân bằng giữa môi trường với phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, việc đầu tư phát triển dự án điện rác gặp không ít thách thức; cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển các dự án đốt rác phát điện còn nhiều bất cập, chưa hấp dẫn các nhà đầu tư tham gia. Ông Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Tập đoàn Bamboo Capital, Tổng Giám đốc Công ty BCG Energy - đơn vị đầu tư Nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa giai đoạn 1 cho biết, trong quá trình thực hiện, dự án đã gặp phải không ít thách thức và khó khăn.
Theo đó, về mặt pháp lý, dự án chưa nằm trong quy hoạch về ngành, có quy hoạch về khu xử lý chất thải rắn Tây Bắc nhưng chưa có quy hoạch về đốt rác phát điện nên thành phố sẽ phải cập nhật. Việc cập nhật đó sẽ mất thời gian và thành phố đã hỗ trợ tổ chức rất nhiều cuộc họp giữa các sở, ban ngành với vướng mắc của nhà đầu tư. Về quy hoạch ngành hiện tại quy hoạch các nhà máy điện rác đang phụ thuộc vào tiến độ ban hành kế hoạch thực hiện điện VIII. Hiện nay cả nước chỉ có một số ít nhà máy điện rác đã hoàn thành xây dựng tại Hà Nội, Cần Thơ, Huế và Bắc Ninh. Việc phát triển các nhà máy mới đang phải chờ kế hoạch thực hiện điện VIII chi tiết hóa các nhà máy được phê duyệt tại các địa phương thì mới có thể thực hiện được.
“Chúng tôi cho rằng nên cân nhắc thay đổi theo hướng các địa phương đề xuất dựa theo quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh rồi Bộ Công Thương rà soát cân đối với quy hoạch vùng và quy hoạch nguồn có sẵn và thông qua đề xuất của địa phương. Cụ thể như dự án tại Củ Chi của chúng tôi, vì chưa có trong kế hoạch thực hiện điện VIII nên Sở Xây dựng cũng chưa thể cấp phép xây dựng phần điện. Hiện chúng tôi mới được cấp phép xây dựng của phần đốt rác”, ông Phạm Minh Tuấn đề nghị.
Ngoài ra, theo ông Tuấn, việc cung cấp nguồn rác ổn định và các hợp đồng dài hạn cũng là thách thức lớn, đặc biệt tại các địa phương có khối lượng rác không đủ để duy trì hiệu quả kinh tế. Cần tính đến việc quy hoạch vùng để có thể có phương án xử lý rác một cách triệt để. Bên cạnh đó, quy trình thủ tục xin giấy phép phức tạp, thời gian phê duyệt kéo dài của các dự án khiến cho các dự án điện rác cũng khó có thể phát triển nhanh trong khi nhu cầu xử lý rác triệt để với công nghệ tiên tiến đang rất cấp bách.
Cho rằng phát điện từ rác thải cần chính sách hỗ trợ đồng bộ để gỡ vướng, TS Trần Văn Bình, Chuyên gia trong lĩnh vực khai thác năng lượng và bảo vệ môi trường, thành viên Hội đồng năng lượng tái tạo thế giới nhấn mạnh, công nghệ đốt rác phát điện đòi hỏi rác được phân loại nghiêm ngặt, không chứa các tạp chất độc hại. Cần thực hiện triệt để việc phân loại rác tại nguồn để giảm chi phí và không phát sinh chất độc hại. Mặt khác, quá trình đốt rác phát điện có thể tạo ra khói, khí thải và tro bay, gây ô nhiễm môi trường. Điều này yêu cầu nhà máy điện rác phải tuân thủ các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường nghiêm ngặt và áp dụng các biện pháp kiểm soát ô nhiễm hiệu quả.
"Vấn đề quan trọng là lựa chọn công nghệ phù hợp có thể quản lý chất thải hiệu quả mà không tạo ra các chất ô nhiễm có hại khác, kết hợp phân loại rác thải tại nguồn, chuyển giao và thu gom rác thải trước khi xử lý", TS Trần Văn Bình chia sẻ.
Việc xử lý rác thành điện đang dần trở thành một xu hướng trong công tác quản lý rác thải và phát triển bền vững. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng để hướng tới một hệ thống xử lý rác hiệu quả và bền vững hơn. Việc chậm tiến độ xây dựng các nhà máy điện rác sẽ dẫn đến hệ lụy phụ thuộc vào việc xử lý rác bằng chôn lấp gây ô nhiễm môi trường, lãng phí tài nguyên và tăng phát thải khí nhà kính; chậm phát triển năng lượng tái tạo, khiến Việt Nam khó đạt được mục tiêu Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.