Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành từ nay đến năm sau.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, thành phố hiện có 69 dự án nhà ở xã hội đã và đang triển khai. Trong đó, từ năm 2021 đến nay đã hoàn thành khoảng 0,64 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, với hơn 10.270 căn hộ tại 8 dự án hoàn thành toàn bộ và 3 dự án hoàn thành một phần.
Khoảng 0,345 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, 5.923 căn hộ tại 11 dự án dự kiến hoàn thành giai đoạn 2024-2025.
Như vậy, với 19 dự án dự kiến hoàn thành giai đoạn 2021-2025 với khoảng 0,952 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, khoảng 15.440 căn, đạt khoảng 78,3% so với chỉ tiêu tại kế hoạch phát triển nhà ở xã hội của thành phố (1,215 triệu m2 sàn).
Giai đoạn 2026-2030, có 50 dự án dự kiến triển khai với gần 57.200 căn, tương ứng 3,2 triệu m2 sàn. Trong đó, thành phố đang thẩm định chủ trương đầu tư 4 trên 5 khu nhà ở xã hội độc lập tập trung tại các huyện Đông Anh, Gia Lâm, Mê Linh. Các dự án có tổng diện tích trên 200 ha, cung ứng hơn 12.000 căn.
Cụ thể, gồm 2 khu nhà ở xã hội tại xã Tiên Dương (huyện Đông Anh); khu nhà ở xã hội tập trung tại xã Cổ Bi (huyện Gia Lâm) và khu nhà ở xã hội tập trung tại xã Đại Mạch (huyện Đông Anh), xã Tiền Phong (huyện Mê Linh).
Thời gian tới, nguồn cung nhà ở xã hội trên địa bàn cũng được bổ sung từ việc chuyển đổi khu nhà ở sinh viên tại Khu đô thị mới Pháp Vân – Tứ Hiệp thành nhà xã hội cho thuê. Sở Xây dựng đã được giao lập hồ sơ đề xuất dự án đầu tư, trình chấp thuận trong năm 2024. Trong năm 2026, hai toà nhà A2, A3 dự kiến hoàn cải tạo, nâng cấp, còn toà A4 hoàn thành xây dựng chậm nhất trong năm 2027.
Ngoài ra, Hà Nội cũng giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc cùng các địa phương và Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất bổ sung khoảng 15 khu đất quy mô lớn để đầu tư dự án nhà xã hội độc lập với khoảng 2.000 căn mỗi khu. Trong đó, 2 - 3 khu cần quy hoạch gần các khu công nghiệp để xây dựng nhà xã hội cho thuê bằng nguồn vốn đầu tư công.
Theo các chuyên gia, nhà xã hội chính được kỳ vọng giúp cân bằng giá nhà ở, đảm bảo thị trường phát triển bền vững và lành mạnh. Trước đó, Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng yêu cầu các sở, ngành thành phố cam kết khởi công ít nhất 1 dự án ở xã hội trước ngày 1/10. Tuy nhiên, đến nay tình trạng phát triển phân khúc này vẫn chậm, mới đạt 9% chỉ tiêu tại đề án xây một triệu căn nhà xã hội đến 2025.
Bày tỏ lo ngại về sự thiếu hụt nghiêm trọng nhà ở xã hội cho các đối tượng chính sách và người thu nhập thấp hiện nay, TS Huỳnh Thanh Điền cho biết: "Việc bổ sung thêm bất cứ căn hộ nhà ở xã hội nào ở thời điểm hiện tại đều rất cần thiết". Theo ông Điền, hơn 70% nguồn cung trên thị trường hiện nay là phân khúc trung và cao cấp với giá bán trên 50 triệu đồng/m2, điều này khiến phần lớn người lao động thu nhập thấp tại các đô thị lớn khó có thể đạt được giấc mơ sở hữu nhà ở.
Đồng thời, việc xã hội hóa các dự án nhà ở tái định cư, TS. Huỳnh Thanh Điền cũng cho là giải pháp để ngăn ngừa, hạn chế lãng phí nguồn lực đất đai, hóa giải nghịch lý hàng nghìn căn hộ tái định cư bị bỏ không.
Còn theo ông Nguyễn Hoàng Nam, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần G-Home, chuyển đổi khu nhà Pháp Vân - Tứ Hiệp thành nhà ở xã hội là cần thiết, giúp tăng nguồn cung cho thị trường khi nhu cầu mua và thuê loại hình này ở Hà Nội rất lớn. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi cũng gặp nhiều khó khăn do rào cản pháp lý và thủ tục phức tạp. Do đó, theo ông Nam, cần có chính sách hỗ trợ cụ thể như đầu tư hạ tầng, tiện ích và xác định mức giá phù hợp để thu hút người dân.