Lỗ luỹ kế tăng liên tục trong các năm qua đã và đang là thách thức lớn đối với Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HoSE: HAG).
>>> Phát hành cổ phiếu trả nợ, chuyện không của riêng C4G
Tại thời điểm 30/9/2021, HAG còn lỗ lũy kế khoảng 4.055 tỷ đồng, giảm so với hồi quý 2 do Công ty đã dùng hết thặng dư vốn cổ phần để xóa bớt lỗ lũy kế.
HAG vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2021, ghi nhận doanh thu 554 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Khấu trừ giá vốn, Công ty lãi gộp 176,5 tỷ đồng, cải thiện so với mức lỗ hơn 56 tỷ đồng quý 3/2020.
Về hoạt động tài chính, doanh thu giảm nhẹ do không còn phát sinh khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái đột biến như cùng kỳ năm ngoái. Chi phí tài chính cũng đột biến hơn gấp đôi lên 691 tỷ đồng do phát sinh khoản dự phòng giảm giá khoản đầu tư dài hạn khác với hơn 486 tỷ đồng. Dù vậy, HAG đã có lãi trở lại trong quý 3 với gần 24 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ ròng hơn 187 tỷ đồng.
4.055 tỷ đồng là khoản lỗ lũy kế của HAG tính đến ngày 30/9/2021, giảm khá mạnh so với cuối quý 2/2021.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm nay, HAG ghi nhận doanh thu 1.386 tỷ đồng, giảm 1 nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Khấu trừ các chi phí, HAG lỗ ròng gần 12 tỷ đồng, dù vậy con số này đã cải thiện đáng kể so với mức lỗ 622 tỷ đồng 9 tháng đầu năm ngoái.
Tính đến thời điểm 30/9/2021, tổng tài sản của HAG chỉ còn 18.398,5 tỷ đồng, giảm mạnh so với đầu năm nay. Trong đó, khoản phải thu ngắn hạn gần 5.483 tỷ đồng. Công ty hiện đang có khoản phải thu hơn 2.100 tỷ đồng (ngắn và dài hạn) với Công ty HAGL Agrico (HNG).
Lý giải việc tài sản giảm mạnh, Ban Lãnh đạo HAG cho rằng do không còn hợp nhất với Công ty HNG (vì HAG đã bán HNG cho Thacco).
>>> THACO và Emart Inc.hoàn tất thương vụ chuyển nhượng đại siêu thị Emart
Mới đây, HAG đã công bố Nghị quyết HĐQT để lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc sử dụng thặng dư vốn cổ phần để giảm lỗ lũy kế theo kết luận của kiểm toán.
Theo Thông tư 19/2003/TT-BTC của Bộ Tài chính, thặng dư vốn cổ phần còn gọi là thặng dư vốn trong công ty cổ phần, được hình thành từ phát hành thêm cổ phần và thặng dư sẽ chuyển sang cổ phần, sau chuyển vào vốn đầu tư chính chủ sở hữu trong tương lai.
Về bản chất, việc sử dụng thặng dư vốn cổ phần để xóa lỗ lũy kế chỉ là một bút toán và cũng đã được nhiều doanh nghiệp niêm yết sử dụng trong những năm qua. Khi thực hiện bút toán này, quyền lợi của cổ đông, nghĩa vụ trả nợ của doanh nghiệp không có gì thay đổi.
Theo các chuyên gia, việc sử dụng thặng dư vốn cổ phần để xóa sạch lỗ lũy kế có ý nghĩa quan trọng trong việc làm lành mạnh báo cáo tài chính. Nếu thành công với phương án này, HAG sẽ tạo cho mình một bức tranh tài chính tổng thể sạch sẽ, tăng tính hấp dẫn của cổ phiếu, tăng khả năng tiếp cận các nguồn vay để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, tình hình sản xuất kinh doanh của HAG vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nên khó tránh khỏi tiếp tục lỗ ròng trong các quý tiếp theo, khiến lỗ lũy kế lại tăng lên.
Nếu lỗ lũy kế cao hơn vốn điều lệ, HAG sẽ thuộc diện huỷ bỏ niêm yết bắt buộc theo quy định tại điểm e, khoản 1, Điều 120, Nghị định 155/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán. Do vậy, nếu HAG không đẩy mạnh tái cấu trúc và vận dụng các phương án khác xoá lỗ luỹ kế, HAG sẽ khó duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và sẽ thuộc diện hủy bỏ niêm yết theo quy định.
Có thể bạn quan tâm