Khéo làm kinh tế, tích cực làm từ thiện là "hai giỏi" của nhiều nữ doanh nhân ở Hải Dương, các doanh nhân này đã và đang phát huy vai trò của nữ giới trong hội nhập, phát triển kinh tế.
>>>Hải Dương: Nhiều Doanh nhân trẻ đã “vượt sóng ra khơi” thành công
>>>Hải Dương: Tìm lời giải cho bài toán “xuất khẩu” trái cây
Từ giỏi làm kinh tế…
Cách đây gần 600 năm, vào thế kỷ 15, một nữ doanh nhân Hải Dương đã làm nên kỳ tích khi đưa sản phẩm gốm của Việt Nam phát triển tới giai đoạn cực thịnh, nổi danh khắp năm châu bốn biển. Đó là bà tổ nghề gốm Chu Đậu Bùi Thị Hý. Bà là người đã đặt những "viên gạch" đầu tiên cho thế hệ nữ doanh nhân Hải Dương nói riêng và nữ doanh nhân Việt Nam nói chung. Câu chuyện và triết lý kinh doanh của bà đến nay vẫn là bài học mang ý nghĩa sâu sắc cho thế hệ ngày nay.
Theo ông Triệu Thế Hùng – Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương: Trong giai đoạn hiện nay, mặc dù, còn có nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, thậm chí đang đứng trên bờ vực phá sản, song nhiều doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo lại làm ăn thực sự hiệu quả và có đóng góp đáng kể cho ngân sách địa phương. tạo nên nhiều công ăn việc làm cho người lao động. Nhiều phong trào làm kinh tế, nhiều mô hình sản xuất kinh doanh với sự tham gia quản lý và điều hành của phụ nữ đã thực sự thành công và thu được hiệu quả kinh tế cao.
Còn lãnh đạo CLB nữ doanh nhân Nam Trung – Hải Dương cho biết: 20 năm trước, Câu lạc bộ (CLB) Nữ doanh nhân xã Nam Trung được thành lập với 23 thành viên, quỹ CLB vỏn vẹn chưa đầy 5 triệu đồng. Đến nay, CLB đã có 33 thành viên, quỹ đã tăng lên đạt hơn 30 triệu đồng. Nhiều năm nay, nguồn quỹ này được CLB cho thành viên luân phiên vay vốn kinh doanh. Số tiền tuy không lớn nhưng qua nhiều năm đã trở thành xuất phát điểm cho nhiều thành viên của CLB vươn lên làm kinh tế, mở rộng sản xuất.
Bằng sự nỗ lực, CLB đã nhận được những "trái ngọt" đầu tiên khi hoạt động kinh doanh của thành viên ngày càng phát triển, nhiều doanh nghiệp dần khẳng định vị thế. Lĩnh vực kinh doanh chủ yếu của các nữ doanh nhân là chế biến, sấy khô nông sản với thị trường tiêu thụ vươn xa đến Đài Loan (Trung Quốc) và một số nước châu Á. Hoạt động của các doanh nghiệp này đã góp phần tiêu thụ nông sản cho nông dân xã Nam Trung và một số xã lân cận như Nam Hưng, An Bình, Nam Tân... Uy tín về chất lượng sản phẩm ngày càng được củng cố, tiêu thụ ổn định nên các nữ doanh nhân đã chủ động liên hệ thu mua nông sản từ nơi khác về chế biến.
>>>Hải Dương: Hiệp hội Doanh nghiệp đồng hành tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
>>>Hải Dương “chạy nước rút” giải ngân vốn đầu tư công
Những doanh nghiệp này đã giúp hàng nghìn phụ nữ có việc làm với thu nhập ổn định từ 5-8 triệu đồng/người/tháng, góp phần nâng cao giá trị nông sản. Xác định đóng góp thuế là nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi công dân, đặc biệt là của các hộ sản xuất, kinh doanh nên 100% số nữ doanh nhân trong CLB chấp hành tốt việc nộp thuế.
…đến hoạt động vì cộng đồng
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp bà Trần Thị Thu - Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân tỉnh Hải Dương cho biết: Từ câu chuyện của những nữ doanh nhân luôn dành mọi tâm huyết và khát vọng cống hiến. Họ làm tốt công việc kinh doanh nhưng vẫn không quên trách nhiệm với cộng đồng. Thời điểm dịch COVID-19 bùng phát trên địa bàn, nhiều nữ doanh nhân nữ đã ủng hộ Quỹ Phòng chống dịch và các chốt kiểm dịch. Hằng năm, chị em nữ doanh nhân cũng tích cực vận động người thân trong gia đình và cộng đồng tham gia ủng hộ hoạt động hè cho thanh thiếu niên, hoạt động khuyến học, khuyến tài của dòng họ và địa phương.
Với các hoạt động xây dựng lại khu di tích đình, chùa làng, nhiều gia đình các thành viên trong CLB công đức tiền của và cung tiến hiện vật giá trị hàng trăm triệu đồng.
Theo doanh nhân Nguyễn Thị Vui - Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Nam Sách: Nhiều doanh nhân nữ trong CLB cũng là những người tiên phong đi đầu trong hưởng ứng, tích cực thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Năm 2022, thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/HU ngày 22.3.2022 của Ban Thường vụ Huyện ủy Nam Sách về thực hiện phân loại, thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, các thành viên CLB chấp hành tốt việc thu gom phân loại rác thành từng loại theo quy định tại hộ gia đình và cả doanh nghiệp.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, với sự lên ngôi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, không ai khác mà chính các doanh nghiệp nữ sẽ là người tiên phong và dẫn dắt nền kinh tế; mạnh dạn tiếp cận công nghệ, trào lưu và xu hướng mới để thổi luồng sinh khí vào các doanh nghiệp. Thậm chí, các doanh nhân nữ sẽ dành được nhiều lợi thế trong cạnh tranh bằng việc kinh doanh nhân văn hơn và có ý thức tốt hơn trong việc thực hiện các trách nhiệm xã hội. Ngày nay hình ảnh người phụ nữ làm kinh tế trong thời kỳ hội nhập đã trở nên quen thuộc và chinh phục niềm tin của mọi người. Vấn đề đặt ra là cần làm gì để hỗ trợ các doanh nhân nữ, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ phát huy được lợi thế trong cạnh tranh và phát triển trong hội nhập.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp bà Phạm Thị Bích - Giám đốc Công ty TNHH Thiết bị Công nghiệp Shinrai Việt Nam cho biết: Doanh nhân nữ còn nhiều rào cản trong quá trình khởi nghiệp, cũng như vận hành doanh nghiệp. Vai trò của người phụ nữ Á Đông cũng chưa thực sự được bình đẳng so với nam giới cả trong gia đình và ngoài xã hội.
Điều này dẫn đến những khó khăn đối với phụ nữ khi tham gia kinh doanh. Cụ thể như từ khâu ra quyết định thành lập doanh nghiệp, đến huy động vốn, điều hành doanh nghiệp, mở rộng quan hệ đối tác, giao lưu tìm hiểu thị trường và tiếp cận các chương trình trợ giúp.
Chính vì lẽ đó, các doanh nhân nữ, họ rất cần những chính sách, chương trình để tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho việc kết nối giữa doanh nghiệp và nhà khoa học. Thuận lợi trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ cao trong sản xuất kinh doanh. Dễ dàng tiếp cận và tham gia các chương trình xúc tiến, kết nối đầu tư hay hợp tác kinh doanh để khẳng định vai trò của mình trong chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị.
Có thể bạn quan tâm