Hài hòa lợi ích để phát triển thị trường bảo hiểm: Chưa tiệm cận thực tế

HUYỀN TRANG thực hiện 21/10/2021 11:00

LTS: Là một trong số các dự án luật đầu tay của Quốc hội khóa XV, Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) được kỳ vọng cân bằng quyền lợi của người tham gia và người kinh doanh bảo hiểm.

Luật sư Nguyễn Hưng Quang, Giám đốc điều hành Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự, Chủ tịch Trung tâm hoà giải quốc tế Việt Nam nhận định: Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.

Ông Quang cảnh báo, nếu đi vào thực thi, một số quy định có thể dẫn đến các xung đột, tranh chấp trong lĩnh vực này.

-Luật sư có thể dẫn chứng rõ hơn về điều này?

Điều 41, khoản 1 quy định khi bên mua bảo hiểm giao kết hợp đồng bảo hiểm con người cho trường hợp chết của người khác thì phải được người đó đồng ý bằng văn bản, trong đó ghi rõ số tiền bảo hiểm và người thụ hưởng. Tuy nhiên, đây lại là quy định không khả thi bởi trường hợp “cho trường hợp chết của người khác” chỉ áp dụng cho bảo hiểm nhân thọ hay cho cả trường hợp bảo hiểm tai nạn hoặc sức khỏe. Nếu bao gồm mọi nghiệp vụ bảo hiểm con người thì đề nghị cân nhắc bỏ yêu cầu về sự đồng ý bằng văn bản của người được bảo hiểm vì sẽ làm phát sinh chi phí tuân thủ pháp luật rất lớn cho các bên trong hợp đồng bảo hiểm.

Xin được lấy ví dụ cho dễ hình dung, khi chủ doanh nghiệp mua bảo hiểm tai nạn cho 1.000 người lao động, trong đó một trong những sự kiện bảo hiểm là người lao động chết do tai nạn. Khi đó mỗi người lao động phải có 1 văn bản đồng ý về việc cho phép chủ doanh nghiệp mua bảo hiểm tai nạn cho mình – điều này là không khả thi. Thực tế với các trường hợp bảo hiểm tai nạn hay sức khoẻ, nếu xảy ra trường hợp chết thì chỉ cần bảo đảm giải quyết quyền lợi theo hợp đồng bảo hiểm cho người thừa kế hợp pháp hay người thụ hưởng được chỉ định.

 Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ hai (tháng 10/2021) và thông qua tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022), dự kiến có hiệu lực từ 1/7/2023.

Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ hai (tháng 10/2021) và thông qua tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022), dự kiến có hiệu lực từ 1/7/2023.

- Như ông phân tích Bồi thường bảo hiểm là một trong những vấn đề còn gây tranh cãi, vậy chúng ta cần sửa ra sao, thưa ông?

Dự thảo quy định trường hợp bên mua bảo hiểm không đóng đủ phí bảo hiểm theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm không phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.

Từ góc nhìn của một Luật sư, tôi cho rằng quy định này chưa thực sự rõ ràng và có thể mâu thuẫn trong trường hợp sự kiện bảo hiểm xảy ra trước khi kết thúc thời hạn đóng phí bảo hiểm theo quy định tại hợp đồng. Khi đó, doanh nghiệp bảo hiểm vẫn có trách nhiệm bồi thường/trả tiền bảo hiểm.

- Các quy định về bảo hiểm vĩ mô tại Dự thảo Luật đang được đánh giá là khá sơ sài. Cá nhân ông có thấy như vậy?

Theo dự luật sửa đổi, các tổ chức được cung cấp sản phẩm bảo hiểm vi mô gồm doanh nghiệp bảo hiểm được cấp phép thành lập và hoạt động tại Việt Nam; tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô được cấp phép thành lập và hoạt động để cung cấp các sản phẩm bảo hiểm vi mô cho chính các thành viên của mình.

Dự thảo giao quyền Chính phủ quy định về điều kiện cấp giấy phép thành lập và hoạt động, tổ chức hoạt động, quản trị rủi ro, hoạt động nghiệp vụ, chế độ tài chính và quản lý nhà nước đối với các tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô.

Đây là quy định khiến nhiều người băn khoăn chứ không riêng gì tôi. Lý do bởi quy định về mặt pháp lý của các tổ chức tương hỗ tại Dự thảo Luật còn hết sức khái quát, lỏng lẻo, không cụ thể về ngăn ngừa rủi ro. Trong khi đó, đây là lĩnh vực có nhiều tiềm năng phát triển, đối tượng tham gia rất đông, nếu có rủi ro thì tác động lớn đến xã hội.

- Vậy, nếu là thành viên ban soạn thảo, ông sẽ sửa đổi những vấn đề này thế nào?

Bảo hiểm là lĩnh vực đặc thù nhưng lại tác động đến lợi ích của nhiều người. Do đó, ở lần sửa Luật lần này phải đặt mục đích bảo vệ quyền lợi của người dân và doanh nghiệp kinh doanh chân chính lên trên hết.

Đã đến lúc phải sửa đổi toàn diện Luật Kinh doanh bảo hiểm để thị trường bảo hiểm phát triển mạnh mẽ hơn vì dư địa phát triển của thị trường này còn vô vùng lớn.

Cần luật hóa đầy đủ hơn, xác định rõ vai trò các tổ chức tham gia, góp phần tạo nên lưới đỡ an sinh ở vùng nghèo, vùng dân tộc thiểu số.

- Xin cảm ơn ông!

Sau 20 năm thực hiện, nhiều quy định trong Luật Kinh doanh bảo hiểm đã trở nên lạc hậu, không còn phù hợp với điều kiện hiện nay. Đặc biệt, trong khi thị trường đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài, nhưng các quy định vẫn chưa theo kịp thực tế. Vì vậy việc sửa đổi, bổ sung và ban hành Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi là rất cấp thiết.

Có thể bạn quan tâm

  • Sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm: Mở rộng đối tượng nhà đầu tư nước ngoài

    Sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm: Mở rộng đối tượng nhà đầu tư nước ngoài

    04:10, 20/10/2021

  • Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi: Nhiều thay đổi tích cực

    Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi: Nhiều thay đổi tích cực

    05:30, 10/09/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hài hòa lợi ích để phát triển thị trường bảo hiểm: Chưa tiệm cận thực tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO