Nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở các địa phương, TP Hải Phòng tập trung chú trọng triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển cụm công nghiệp.
Vẫn còn những vướng mắc
Thời gian qua, công nghiệp được TP Hải Phòng xác định là nền tảng, động lực chính của quá trình phát triển. Chính vì vậy, TP Hải Phòng đã có nhiều chủ trương, chính sách và ưu tiên nguồn lực cho đầu tư hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến thu hút, đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp nhằm đáp ứng mặt bằng cho sản xuất công nghiệp.
Hệ thống giao thông kết nối bên ngoài các khu, cụm công nghiệp đã được quan tâm đầu tư, góp phần phát huy hiệu quả hoạt động của các khu, cụm công nghiệp, tạo ra hệ thống các công trình kết cấu hạ tầng có giá trị lâu dài, đóng góp vào sự phát triển của TP Hải Phòng.
Theo đại diện Sở Công thương Hải Phòng, tính đến thời điểm hiện tại, TP Hải Phòng có 13 cụm công nghiệp gồm 6 cụm công nghiệp hình thành trước Nghị định số 68/2017/NĐ-CP và 7 cụm công nghiệp hình thành sau Nghị định số 68/2017/NĐ-CP.
Trong số 6 cụm công nghiệp được hình thành trước Nghị định 68 có 5 cụm công nghiệp gồm: cụm công nghiệp Vĩnh Niệm, Quán Trữ, Tân Liên, Tàu thuỷ An Hồng, An Lão được thành lập trước khi Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg của Chính phủ về Quy chế quản lý cụm công nghiệp được ban hành được ban hành. Hiện có 97 doanh nghiệp đang sản xuất kinh doanh tại 5 cụm công nghiệp này, tỷ lệ lấp đầy chung đạt khoảng 86%. Tổng số lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong 5 cụm công nghiệp trên 15.00 người.
Việc hình thành các cụm công nghiệp được cho là mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thuận lợi về khả năng tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, thủ tục thành lập cụm công nghiệp vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc. Hạ tầng tại một số cụm công nghiệp đang hoạt động cũng chưa được đầu tư đồng bộ.
Theo ông Nguyễn Văn Thành – Giám đốc Sở Công thương Hải Phòng, hiện việc đầu tư phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp trên địa bàn còn chậm. Hệ thống xử lý nước thải tập trung ở một số cụm công nghiệp đang hoạt động chưa được đầu tư đồng bộ, không có đầu mối quản lý. Bên cạnh đó, thủ tục thành lập cụm công nghiệp vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng quy định của pháp luật về đầu tư và quy định của pháp luật về quản lý, phát triển cụm công nghiệp, ảnh hưởng đến tiến độ thành lập cụm công nghiệp.
Đưa giải pháp khắc phục
Thực tế, việc thành lập mới các khu, cụm công nghiệp được xác định là đòn bẩy quan trọng để TP Hải Phòng thu hút đầu tư và phát triển. Để khắc phục những vướng mắc liên quan đến việc thành lập, quản lý các cụm công nghiệp trên địa bàn TP Hải Phòng, thời gian qua, địa phương này đã thường xuyên đánh giá hiện trạng môi trường đối với các khu, cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất hiện có. Đồng thời, có biện pháp xử lý kịp thời đối với các doanh nghiệp vi phạm về môi trường.
Ông Nguyễn Văn Thành – Giám đốc Sở Công thương Hải Phòng cho biết, đơn vị đã yêu cầu chủ đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp báo cáo định kỳ hàng tháng tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp cũng như những khó khăn vướng mắc khi triển khai. Từ đó, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ triển khai thủ tục và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho chủ đầu tư. Cùng với đó, tập trung nguồn lực, nghiên cứu ban hành một số chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp. Trong đó, xây dựng, ban hành các cơ chế chính sách của thành phố về phát triển các khu, cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trong ngành công nghiệp, chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp. Đồng thời, tập trung cao cho công tác giải phóng mặt bằng và đẩy nhanh thủ tục đầu tư các khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch.
Phía Sở Công thương Hải Phòng cũng kiến nghị Bộ Công Thương xem xét ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh trong các cụm công nghiệp tương tự các ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh trong các khu công nghiệp và đề xuất Chính phủ sửa đổi các nghị định để thống nhất các quy định pháp luật về đầu tư và quản lý cụm công nghiệp…
Được biết, trong số 7 cụm công nghiệp được hình thành sau Nghị định số 68/2017/NĐ-CP tại TP Hải Phòng, có 3 cụm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng. Đó là cụm công nghiệp Tiên Cường II, Giang Biên và Đại Thắng. 6/7 cụm công nghiệp này đang thực hiện các thủ tục về xây dựng, đất đai, dự kiến sẽ khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong thời gian tới.
Riêng với cụm công nghiệp Tiên Cường II, vào tháng 5/2024, TP Hải Phòng đã tổ chức khởi công cụm công nghiệp Tiên Cường II có quy mô diện tích hơn 50 ha, tổng vốn đầu tư 698 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Dũng Tiến - Chủ tịch HĐQT Tiến Phát cho biết, cụm công nghiệp Tiên Cường 2 là sự khởi đầu trên hành trình tiếp tục gắn kết, đồng hành giữa huyện Tiên Lãng với Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng KCN Tiến Phát. Phía doanh nghiệp cam kết sẽ xây dựng cụm công nghiệp Tiên Cường 2 là một cụm công nghiệp xanh – đẹp – hiện đại, đúng tiến độ cam kết với TP Hải Phòng và là một điểm sáng về thu hút đầu tư. Qua đó, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, vừa là nơi tạo ra một diện mạo cảnh quan mới góp phần vào phong trào xây dựng nông thôn mới của xã Tiên Cường và huyện Tiên Lãng.
Theo Quy hoạch TP Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt, đến năm 2030 trên địa bàn thành phố sẽ xây dựng và phát triển 36 cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng 1.600 ha; di dời 2 cụm công nghiệp Vĩnh Niệm và Quán Trữ ra khỏi nội đô. Hiện Sở Công Thương Hải Phòng đã tham mưu, trình UBND TP Hải Phòng xem xét, thành lập 3 cụm công nghiệp (Tân Trào, Làng nghề cơ khí và đúc Thuỷ Nguyên, Cẩm Văn); bổ sung 3 cụm công nghiệp (Lê Thiện – Đại Bản, phụ trợ Tràng Duệ, Quyết Tiến) vào Quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp; đề xuất UBND TP Hải Phòng xem xét cho phép nghiên cứu khảo sát 5 cụm công nghiệp (Cao Nhân – Kiền Bái, An Thọ - Chiến Thắng, Quốc Tuấn, Đoàn Xá, Quang Hưng). |