Dự báo, đến năm 2025, Hải Phòng sẽ cần khoảng 369.000 lao động ngành logistics. Tuy nhiên, nguồn nhân lực logistics hiện tại của Hải Phòng cũng chỉ đáp ứng khoảng 40-45% nhu cầu thị trường.
>>>Hải Phòng: Khuyến khích các nhà đầu tư phát triển khu công nghiệp sinh thái
>>>Lợi thế cạnh tranh bất động sản công nghiệp Hải Phòng
Khó khăn
Hải Phòng là cửa ngõ của khu vực phía Bắc và cả nước, thông thương với các nước trong khu vực và thế giới, với tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội to lớn và hệ thống cảng có lưu lượng hàng hóa thông qua cảng lớn nhất khu vực miền Bắc, đứng thứ 2 cả nước (sau thành phố Hồ Chí Minh).
Hải Phòng là thành phố duy nhất tại khu vực phía Bắc có đủ 5 phương thức vận tải truyền thống và 1 phương thức vận tải chuyên dùng. Hệ thống vận tải đường biển và đường hàng không thuận lợi cùng các điều kiện địa lý tự nhiên là tiền đề cho sự phát triển ngành dịch vụ logistics tại địa phương.
Trong những năm qua, hoạt động của dịch vụ logistics tại TP Hải Phòng đóng vai trò quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ cũng như đồng bằng sông Hồng. Theo Sách trắng Logistics của Hiệp hội Logistics Việt Nam, dự báo, đến 2025 Hải Phòng sẽ cần khoảng 369.000 lao động ngành logistics, trong đó có 252.600 lao động đã qua đào tạo; con số này sẽ tăng lên 460.000 lao động vào năm 2030, trong đó có 368.000 lao động đã qua đào tạo. Tuy nhiên, nguồn nhân lực logistics hiện tại của Hải Phòng cũng chỉ đáp ứng khoảng 40-45% nhu cầu thị trường.
Theo Tiến sỹ Lưu Việt Hùng - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Hàng hải 1 cho biết, trong giai đoạn tới, dự kiến chúng ta sẽ thiếu khoảng trên 200.000 lao động ngành logistics được qua đào tạo. Tuy nhiên, lượng người tham gia vào thị trường logistics qua đào tạo chưa đạt được khoảng 10%. Đây là một số liệu đáng để suy nghĩ.
Theo ông Quách Minh Dũng - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Liên Việt Logistics cho biết, ngành logistics là ngành không có điểm cuối, nhu cầu của khách hàng tăng lên từng nào thì chúng ta phải đáp ứng từng đó. Cũng vì là ngành đặc thù mà lượng nhân sự thay đổi tương đối nhanh, nhiều. Doanh nghiệp hiện có khoảng trên 100 cán bộ, công nhân viên. Mỗi một năm, doanh nghiệp cần tuyển từ 10-15% của con số đó.
Cũng theo ông Dũng, nguồn nhân lực của doanh nghiệp nói riêng và các bạn sinh viên mới ra trường nói chung còn đang yếu ở một số kỹ năng mềm như: kỹ năng làm việc nhóm, ngoại ngữ; đặc biệt với sinh viên học ngành logistis mới ra trường còn thiếu sự kiên nhẫn trong công việc.
>>>Hải Phòng: Không để tái diễn tình trạng “mòn mỏi” chờ đất tái định cư
Còn theo ông Nguyễn Minh Quang - Giám đốc Công ty CP thương mại vận tải An Vượng cho biết: “Nhân lực làm việc trong lĩnh vực logistics tại Hải Phòng còn yếu. Phần lớn các em sinh viên được đào tạo trong lĩnh vực này đã hạn chế được vấn đề về ngoại ngữ. Tuy nhiên, điều mà họ đang thiếu là không được tiếp cận quá nhiều nghiệp vụ, thao tác. Chính vì vậy, khi được tiếp xúc những công việc trong chuỗi cung ứng mới thì họ sẽ bỡ ngỡ lúc ban đầu”.
Cần sự phối hợp giữa cung – cầu
Theo Nghị quyết số 02 ngày 2/8/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng, đến năm 2025, Hải Phòng đặt mục tiêu trở thành trọng điểm kinh tế biển của cả nước, trung tâm dịch vụ logistics quốc gia. Đến năm 2030, Hảo Phòng trở thành trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại bằng cả đường biển, đường hàng không, đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao. Như vậy, nhu cầu về nguồn nhân lực để đáp ứng cho hoạt động logistics là hết sức cần thiết.
>>>Hải Phòng: Thúc tiến độ xây dựng các bến cảng nước sâu tại Lạch Huyện
Điều này đặt ra nhiều cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này. Và để biến thách thức thành cơ hội thì bài toán về nguồn nhân lực cần được giải quyết càng sớm càng tốt. Nghĩa là các doanh nghiệp logistics cần xúc tiến, hợp tác đào tạo, tuyển dụng nguồn nhân lực cùng với các trường, cơ sở đào tạo chuyên ngành để cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của thị trường hiện nay.
Theo ông Quách Minh Dũng - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Liên Việt Logistics cho biết, muốn có nguyên liệu thô tốt thì doanh nghiệp phải đặt hàng với các nhà trường. Từ đó, các trường sẽ điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp. Doanh nghiệp cũng sẵn sàng tạo điều kiện bằng cách mời sinh viên của các trường và thậm chí cả các thầy cô giáo đến doanh nghiệp để cùng làm và trao đổi kinh nghiệm. Đứng trên quan điểm của doanh nghiệp logistics, chúng tôi mong muốn rằng các cơ quan quản lý và TP Hải Phòng có những quan tâm thiết thực hơn đến doanh nghiệp, nhà trường.
Thực tế hiện nay, nguồn lao động chính là cốt lõi của năng lực cạnh tranh doanh nghiệp. Vì vậy, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng phải tạo cơ chế, hoạt động để phối hợp với doanh nghiệp trên phương diện 2 bên cùng có lợi.
Theo Tiến sỹ Lưu Việt Hùng - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Hàng hải 1 cho biết: “Chúng tôi nhìn nhận rằng trong thời gian tới sẽ phải thay đổi, tăng cường tuyển sinh trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, liên kết với các doanh nghiệp để tái đào tạo. Ít nhất, phải cung cấp cho thời lượng đào tạo một cách căn bản để họ có được khối lượng kiến thức, có thể đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp”.
Còn theo ông Phạm Xuân Dương - Hiệu trưởng trường Đại học Hàng hải Việt Nam cho biết, nhà trường cũng có quan điểm về kết nối với doanh nghiệp từ rất sớm. Ngay khi các doanh nghiệp cần tuyển lao động thì thường xuyên đến trường, đưa ra những yêu cầu để qua đó, chúng tôi có thể điều chỉnh việc đào tạo sinh viên cho phù hợp. Ngoài ra, phía doanh nghiệp họ cũng cấp cho chúng tôi những vị trí để sinh viên đi thực tập. Và chính từ lúc đưa sinh viên đi thực tập, các doanh nghiệp có thể định hướng vị trí làm việc cho sinh viên tại công ty sau này.
“Đối với trường Đại học Hàng hải Việt Nam, chúng tôi bao giờ cũng xác định phải chủ động đi trước. Và để xác định một quy mô tuyển sinh cho những năm tiếp theo một cách bền vững thì chúng tôi cần phải có những thông tin từ phía các doanh nghiệp. Và chúng tôi không thể lấy thông tin từ các doanh nghiệp một cách đơn lẻ. Chúng tôi cần có sự định hướng của các cơ quan quản lý nhà nước”, ông Dương cho biết thêm.
Có thể bạn quan tâm