Sau đại dịch COVID-19, các đơn vị trong ngành du lịch tại Hải Phòng đang gặp thách thức về nhiều mặt, đặc biệt là nguồn nhân lực lao động.
>> Giải bài toán mùa vụ cho du lịch Hải Phòng
Tác động của dịch COVID-19 trong thời gian vừa qua đã khiến ngành công nghiệp không khói tại Hải Phòng gần như bị đóng băng. Theo Sở du lịch Hải Phòng, ảnh hưởng từ dịch bệnh đã khiến 412 cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố phải đóng cửa, 129 cơ sở hoạt động cầm chừng. Điều này khiến hơn 10.000 lao động trong lĩnh vực du lịch (chiếm 56,85%) phải nghỉ việc, tìm công việc khác để mưu sinh.
Ngay khi du lịch Việt đã mở cửa hoàn toàn để đón khách quốc tế, các doanh nghiệp đã ráo riết tìm kiếm nguốn nhân lực phù hợp với bối cảnh thực tế. Tuy nhiên, nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao trước đại địch đã thiếu, nay lại càng hiếm.
Theo bà Nguyễn Thị Hà - Giám đốc Vietravel Chi nhánh Hải Phòng, trong khoảng thời gian cao điểm du lịch hè vừa qua, du lịch phục hồi mạnh mẽ, lượng khách đặt tour lớn. Dù nhân lực của doanh nghiệp dù chỉ bằng một nửa so với năm 2019 nhưng phải làm công việc gấp đôi thời điểm đó. Hiện, doanh nghiệp đang tuyển thêm nhân lực nhưng cũng rất khó khăn.
Cũng theo bà Hà, trong hơn 2 năm đối mặt với dịch bệnh, nhiều lao động du lịch phải chuyển sang nghề khác để mưu sinh. Dù du lịch hiện nay được mở cửa trở lại, có người quay lại nhưng cũng có nhiều người ổn định với công việc mới, thu nhập cao hơn, nên không muốn quay lại ngành. Vì thế, tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực du lịch, nhất là lao động chất lượng cao vô cùng căng thẳng.
Theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn TP Hải Phòng hiện có hơn 5.000 lao động tham gia phục vụ ngành du lịch. Con số này giảm hơn 60% so với thời điểm năm 2019. Để tương xứng tiềm năng, thế mạnh, quy mô phát triển của du lịch Hải Phòng, theo dự báo đến 2025, địa phương này cần bổ sung khoảng 10.000 lao động. Chính vì thế, vấn đề tuyển dụng nguồn nhân lực, trong đó có nhân lực chất lượng cao đang đặt ra nhiều khó khăn thách thức với các doanh nghiệp làm du lịch.
Bà Mai Thị Huệ - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Hải Phòng cho biết: Sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, Trường Cao đẳng Du lịch Hải Phòng và những doanh nghiệp liên kết với nhà trường thực sự sống trong một cơn bão khủng hoảng và thiếu hụt nguồn nhân lực. Chưa từng bao giờ, nhiều doanh nghiệp đến tìm với nhà trường nhiều như thời điểm lúc này. Bởi vào thời điểm tháng 3/2022 vừa qua, khi du lịch bắt đầu mở cửa trở lại, chúng tôi đã nhận được rất nhiều cuộc hẹn đặt lịch đến làm việc về nội dung tuyển dụng nguồn nhân sự hoặc sử dụng nguồn nhân lực mà nhà trường đang đào tạo.
>> Nền tảng số - Chất xúc tác cho du lịch Hải Phòng
Cũng theo bà Huệ, hiện nhà trường cũng có áp lực là số lượng doanh nghiệp tìm đến nhà trường khá đông mà nguồn nhân lực đang học tại đây chỉ là một con số theo quy mô, chỉ tiêu nhà trường đặt ra (hơn 400 sinh viên). Vì vậy, việc phân bổ nguồn nhân lực khá khó khăn trong khi doanh nghiệp nào cũng cần tuyển dụng.
Nhân lực thiếu, cơ sở vật chất, trang thiết bị xuống cấp là tình trạng chung của hầu hết các doanh nghiệp du lịch sau 2 năm đóng cửa. Để phục hồi trong bối cảnh bình thường mới, buộc các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh tại Hải Phòng phải nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất để đón khách trong điều kiện tốt nhất.
Du lịch Hải Phòng bên cạnh việc tăng lượng thì cần phải được nâng “chất”. Nâng chất của sản phẩm dịch vụ, cơ sở hạ tầng và đặc biệt là nguồn nhân lực, thì mới có thể hướng tới mục tiêu đón đưa du lịch – thương mại trở thành 1 trong 3 trụ cột kinh tế của TP Hải Phòng.
Để bổ sung nguồn nhân lực du lịch trong giai đoạn tới, một trong những vấn đề quan trọng là hợp tác với những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch để đào tạo nhân lực chất lượng cao phù hợp với các ngành nghề, các địa phương. Cùng với đó, các trường Đại học, Cao đằng đào tạo chuyên nghiệp cũng cần xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực, kết hợp với các doanh nghiệp làm du lịch tạo điều kiện trải nghiệm thực tế cho sinh viên, học viên nâng cao chuyên môn.
Nhận định về điều này, ông Vũ Huy Thưởng – Phó Giám đốc Sở Du lịch Hải Phòng cho biết: “Sau thời gian chống dịch, lực lượng lao động không chỉ của Hải Phòng mà của cả nước nói chung bị thiếu rất nhiều do lực lượng lao động dịch chuyển sang các việc khác. Và việc bây giờ của chúng ta là phải duy trì chất lượng dịch vụ du lịch và đảm bảo nguồn lao động phục vụ cho du lịch phải được qua đào tạo”.
Thực tế hiện nay, ngành du lịch Hải Phòng đang phục hồi mạnh mẽ. Tuy nhiên, để du lịch đóng góp nhiều hơn cho sự tăng trưởng kinh tế thì chất lượng phục vụ phải được đặt lên hàng đầu.
Nhiều chuyên gia cho rằng, để thu hút, phát triển nhân lực du lịch bền vững, TP Hải Phòng cần khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nguồn nhân lực du lịch; nghiên cứu cơ chế hỗ trợ học phí, chỗ ở, ưu tiên việc làm sau tốt nghiệp với người từ các địa phương lân cận; tăng cường năng lực của hệ thống các cơ sở đào tạo du lịch, điều chỉnh, mở rộng quy mô đào tạo, linh hoạt trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh...
Bà Mai Thị Huệ - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Hải Phòng cho biết: Với việc các doanh nghiệp tìm đến và dự báo trước được sự hồi phục của ngành du lịch, chúng tôi đã có những cuộc họp để bàn bạc, trao đổi những kế hoạch, phục vụ đáp ứng nguồn nhân lực cho ngành du lịch, cũng như đáp ứng mong mỏi cho doanh nghiệp. Trong năm học mới này, chúng tôi đã xây dựng chương trình đào tạo theo hình thức tích luỹ mo-dun, tín chỉ. Mỗi học sinh, sinh viên sau khi học từng mo-dun xong sẽ hình thành kỹ năng, nghề nghiệp và có thể tham gia ngay vào thị trường lao động.
“Chúng tôi có những phòng thực hành chuyên môn, chuyên sâu không khác gì môi trường ngoài doanh nghiệp thực để các em sinh viên có thể thực hành. Chúng tôi cũng kỳ vọng, trong năm tới, khách sạn thực hành của nhà trường sẽ có thể đưa vào hoạt động. Đó cũng là một trong những giải pháp giúp cho việc đào tạo của nhà trường gắn liền hơn với thực tế”, bà Huệ cho biết thêm.
Theo Sở Du lịch TP Hải Phòng, để phục vụ cho mùa du lịch thu đông 2022 cũng như sẵn sàng cho những năm tới, Sở Du lịch TP Hải Phòng sẽ rà soát thực trạng nguồn nhân lực du lịch, tiếp tục đề xuất xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích, thu hút người lao động du lịch làm việc trở lại. Cùng với đó, nghiên cứu quy hoạch tổng thể chung về nhân lực trong ngành du lịch cũng như dự báo trong những năm tiếp theo để có phương án cụ thể hơn. Từ đó đề xuất giải pháp tăng cường năng lực của hệ thống các cơ sở đào tạo du lịch, điều chỉnh và mở rộng quy mô đào tạo, linh hoạt trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh... để bảo đảm nguồn nhân lực du lịch.
Có thể bạn quan tâm
Để du lịch Hải Phòng trở thành trụ cột kinh tế
04:00, 19/09/2022
Du lịch Hải Phòng tận dụng cơ hội bứt phá từ cách mạng công nghiệp 4.0
03:45, 30/08/2022
Du lịch Đồ Sơn - mảnh ghép dần hoàn chỉnh của du lịch Hải Phòng
02:00, 23/08/2022
Du lịch Hải Phòng: Bức tranh nhiều triển vọng
01:30, 12/07/2022
Cơ hội cho du lịch Hải Phòng khi Cát Bà thành Di sản thiên nhiên thế giới
03:30, 06/05/2022