Ngày 8/4, UBND tỉnh Hậu Giang đã tổ chức Lễ công bố thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Tổng đài giải đáp tự động dịch vụ công.
Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Hậu Giang được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 8/2020 theo Nghị định 61 của Chính phủ. Từ đó đến nay, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã giải quyết thủ tục hành chính theo nguyên tắc “4 tại chỗ”: tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả.
Với mong muốn phục vụ ngày càng tốt hơn cho doanh nghiệp và người dân, UBND tỉnh Hậu Giang kiện toàn Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh nâng cao chất lượng phục vụ từ “4 tại chỗ” lên “5 tại chỗ”: tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu và trả kết quả. Hiện có 26 thủ tục hành chính thực hiện theo nguyên tắc “4 tại chỗ” và 233 thủ tục hành chính theo nguyên tắc “5 tại chỗ”. Số hồ sơ thực hiện đúng theo nguyên tắc “4 tại chỗ” và “5 tại chỗ” gần 10.500 hồ sơ, đạt 97% trên tổng số hồ sơ của các thủ tục hành chính đã đăng ký. Hầu hết các sở, ngành đều thực hiện tốt và Công an tỉnh là đơn vị có số hồ sơ nhiều nhất được thực hiện theo nguyên tắc “5 tại chỗ” với hơn 8.400 hồ sơ.
Trung tâm cũng đang triển khai thí điểm Tổng đài giải đáp tự động dịch vụ công qua số: 1900 86 68 95 để giải đáp các dịch vụ công được cung cấp trên Cổng dịch vụ công tỉnh. Điểm đặc biệt của Tổng đài hoạt động hoàn toàn tự động 24/24 và hoàn toàn không cần đến con người vận hành, đáp ứng đồng thời 6.000 cuộc gọi cùng một thời điểm. Người dân có thể gọi điện lên Tổng đài để tìm hiểu các thông tin liên quan dịch vụ công bất kể thời điểm nào và ở bất cứ đâu, chỉ cần điện thoại có chức năng nghe gọi.
Phát biểu tại buổi Lễ, ông Đồng Văn Thanh- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, khẳng định: Việc tổ chức Lễ công bố thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công và Tổng đài giải đáp tự động dịch vụ công tỉnh thể hiện quyết tâm chính trị cao của lãnh đạo tỉnh trong việc tạo bước đột phá trong cải cách hành chính; tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số của địa phương.
Để đạt kết quả tốt trong thời gian tới, ông Thanh đề nghị các sở, ngành triển khai số hóa hồ sơ, giấy tờ và kết quả giải quyết cho tất cả thủ tục hành chính được cung cấp tại Trung tâm; cung cấp kết quả điện tử thay dần cho kết quả giấy; ưu tiên giải quyết các thủ tục hành chính theo nguyên tắc “5 tại chỗ” ngay tại Trung tâm; tất cả các thủ tục hành chính cấp tỉnh, kể cả các cơ quan ngành dọc cũng phải được giải quyết tại Trung tâm; đồng thời, tuyên truyền cho người dân biết và hỏi đáp dịch vụ công qua Tổng đài giải đáp tự động.
Được biết, Hậu Giang cũng đang phối hợp cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh tại Cần Thơ (VCCI tại Cần Thơ) triển khai thực hiện khảo sát Bộ chỉ số năng lực điều hành kinh tế cấp Sở, Ban, Ngành và địa phương (DDCI), qua đó đề ra các giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) cho địa phương.
Có thể bạn quan tâm
Hậu Giang muốn mở thêm khu công nghiệp “sát nách” TP.Cần Thơ
09:42, 02/04/2021
Bất động sản Hậu Giang nhộn nhịp những dự án “sát nách” Cần Thơ
13:11, 24/03/2021
Masan Consumer khánh thành Tổ hợp sản xuất Thực phẩm - Đồ uống 1.600 tỷ tại Hậu Giang
18:08, 22/03/2021
Tỉnh Hậu Giang đã có Nhà máy điện mặt trời đầu tiên
06:45, 12/03/2021
Hậu Giang: doanh nghiệp xăng dầu “miễn dịch” với Covid-19
02:13, 24/01/2021