Đặc khu kinh tế JS-SEZ hướng đến khai thác các lĩnh vực tăng trưởng mới để trở thành khu vực được các doanh nghiệp lựa chọn, nhưng vẫn còn nhiều thách thức.
Mới đây, chính phủ Malaysia và Singapore ký một thỏa thuận gần như chưa từng có để chính thức thành lập Đặc khu kinh tế Johor-Singapore (JS-SEZ) sau hơn một năm đàm phán.
Sự quan tâm mạnh mẽ đến dự án này là điều dễ hiểu. Đây là một dự án chung lớn, bao phủ một vùng đất rộng hơn 3.500 km2 ở các khu vực phía Nam và phía Đông của Johor, lớn hơn 4 lần diện tích Singapore.
Trên thực tế, JS-SEZ được hỗ trợ bởi cam kết của không chỉ một mà là hai quốc gia đang tìm cách phát triển một khu vực tăng trưởng mới mà họ hy vọng sẽ trở thành động lực cho tiềm năng kinh tế của Đông Nam Á.
Giống như hầu hết các đặc khu kinh tế khác trên thế giới, trọng tâm chính của khu vực Johor-Singapore sẽ là sản xuất, yếu tố chính đối với các quốc gia đang tìm kiếm các khoản đầu tư quy mô lớn cũng như cung cấp nhiều cơ hội việc làm hơn cho người dân địa phương.
Nhưng không giống như nhiều Đặc khu kinh tế khác, JS-SEZ có tham vọng lớn hơn nhiều. Không chỉ thành lập các nhà máy, Malaysia và Singapore muốn khai thác các lĩnh vực tăng trưởng mới bên cạnh những ngành ưu tiên mà họ hy vọng sẽ giúp khu kinh tế đặc biệt này trở thành khu vực lý tưởng không chỉ để làm kinh doanh bền vững trong tương lai, mà còn để sinh sống và giải trí.
Bên cạnh sản xuất, khu vực này cũng sẽ ưu tiên đầu tư vào logistics, an ninh lương thực, du lịch, năng lượng, nền kinh tế kỹ thuật số, nền kinh tế xanh, dịch vụ tài chính, dịch vụ kinh doanh, giáo dục và y tế.
Trong một tuyên bố chung, hai chính phủ đặt mục tiêu đảm bảo 100 dự án trong 10 năm đầu tiên của JS-SEZ và tạo ra 20.000 việc làm có tay nghề cao.
Tuy nhiên, giới quan sát nhận định, thách thức của JS-SEZ sẽ là duy trì sự quan tâm lâu dài không chỉ từ các nhà đầu tư tiềm năng mà còn từ nguồn nhân lực cần thiết để triển khai các công nghệ cao và xây dựng một tương lai bền vững về môi trường mà các kiến trúc sư của JS-SEZ đã lên ý tưởng.
Để thu hút các khoản đầu tư mới vào các lĩnh vực chuyên biệt như AI, máy tính lượng tử và sản xuất hàng không vũ trụ, Malaysia đã đặt mức thuế doanh nghiệp cố định là 5% có thể kéo dài tới 15 năm và mức thuế thu nhập thấp hơn là 15% mà những người lao động trí óc sẽ được hưởng trong 10 năm đầu tiên.
Nhưng Malaysia cũng cần phải nhanh chóng gỡ bỏ các rào cản về thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài, trong việc xin cấp phép đầu tư.
Trước mắt, chính phủ liên bang Malaysia và chính quyền bang Johor chịu trách nhiệm cấp phép trong phạm vi quản lý của họ để đơn giản hóa các thủ tục nhằm tăng tốc việc thu hút các công ty từ Singapore và các quốc gia khác vào khu vực này.
Cơ sở hạ tầng cũng là một thách thức quan trọng khác. Malaysia và Singapore đang đi đúng hướng để hoàn thành hệ thống vận chuyển nhanh (RTS) nhằm hướng đến mục tiêu rút ngắn thời gian đi lại kéo dài hàng giờ xuống chỉ còn vài phút.
Theo ông Cassey Lee, người đứng đầu chương trình nghiên cứu kinh tế khu vực tại Viện ISEAS-Yusof Ishak, các sáng kiến hợp tác liên chính phủ như JS-SEZ là những cách hữu ích để phát triển đất nước vượt ra ngoài các ngành công nghiệp trong nền kinh tế của họ.
Đồng quan điểm, ông Rainer Michael Preiss, Đối tác & Nhà chiến lược danh mục đầu tư tại Das Family Office ở Singapore nhận định, JS-SEZ nhấn mạnh cách hợp tác chiến lược có thể khai thác các thế mạnh bổ sung, mang lại lợi ích không chỉ cho Malaysia và Singapore mà còn cho các nhà đầu tư toàn cầu.
Năm nay, Malaysia sẽ tiếp quản vị trí Chủ tịch ASEAN, và việc Singapore và Malaysia thúc đẩy hợp tác chặt chẽ với nhau có thể giúp ASEAN trở thành điểm đến đầu tư và thị trường tiêu dùng lớn trên toàn cầu.
Mặc dù vậy, chuyên gia Rainer Michael Preiss cho rằng, đầu tư vào Đặc khu kinh tế JS-SEZ vẫn còn tiềm ẩn những rủi ro và bất ổn. Các nhà đầu tư cần tiến hành thẩm định kỹ lưỡng và tìm kiếm tư vấn tài chính chuyên nghiệp trước khi cam kết vốn cho các cơ hội trong JS-SEZ.