Việc trao quyền quyết định những vấn đề liên quan đến quản lý, khai thác, đầu tư, phát triển là dấu ấn lớn nhất của Luật Thủ đô (sửa đổi).
>>Có những ưu điểm vượt trội của Luật Thủ đô 2012 bị “bỏ lỡ”
GS.TS Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội chia sẻ với DĐDN về Luật Thủ đô (sửa đổi) được biểu quyết thông qua ngày 28/6.
Ông đánh giá như thế nào về những điểm mới của Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này?
Luật đưa ra nhiều khuôn khổ pháp lý mở và đặc thù cho Thủ đô, vượt trội hơn so với các quy định chung trên toàn quốc. Bởi, Thủ đô là nơi cần phải có các quyết sách, huy động nguồn lực, phương thức hành động khác biệt so với những địa phương tương tự.
Cơ chế trao quyền, đặc thù vượt trội là mấu chốt để thủ đô quản lý, khai thác, huy động được nguồn lực, tạo đà cho phát triển thủ đô. Trong Luật Thủ đô (sửa đổi) chúng ta cần lưu ý một số vấn đề.
Thứ nhất, Thủ đô được quyền quyết định các chương trình phát triển liên quan đến đầu tư, cải tạo đô thị. Đầu tư cải tạo đô thị của Hà Nội là một trong những vấn đề đang gặp phải những nút thắt lớn, như giao thông công cộng, ô nhiễm môi trường, ô nhiễm các dòng sông, không khai thác được quỹ đất của nhưng khu vực có tiềm năng phát triển tại các bến sông để tạo ra cảnh quan, dịch vụ…
Thứ hai, vấn đề đô thị tại Hà Nội đang được dư luận quan tâm vì hiện nay có rất nhiều chung cư cũ xuống cấp, nhà ở chật chội. Các khu phố cổ rất có giá trị nhưng không thay đổi được.
Thứ ba, cơ chế trao quyền cho Thủ đô được quyền quyết định và tự thực hiện trong khuôn khổ vượt trội. Ví dụ, chính sách huy động các nguồn lực cho đầu tư tổng thể toàn bộ hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị từ nay đến năm 2035.
Khi đã có một hệ thống đường sắt đồng bộ cùng với hệ thống các cầu vượt qua sông Hồng sẽ tạo ra không gian phát triển đô thị cho Hà Nội, không bị gói gọn trong khu vực trung tâm mà mở rộng ra các vị trí phát triển bên ngoài, thậm chí còn kết nối được với các trung tâm phát triển trong vùng như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Vĩnh Phúc…
Tạo ra một liên kết phát triển, đưa các trung tâm này trở thành những đô thị vệ tinh cho Hà Nội, vừa thu hút nguồn lực vừa giãn không gian phát triển ra những khu mới như Sơn Tây, Hoà Lạc, Sóc Sơn, khu vực phía Nam Hà Nội như Xuân Mai. Từ đó, tạo ra sự phân bố không gian phát triển để khai thác nguồn lực mới.
Thứ tư, khi có mạng lưới thông giao thông đường sắt hoàn chỉnh sẽ giúp cho Hà Nội thực hiện các dự án cải tạo đô thị theo các nguồn TOD. Đơn cử, các khu chung cư cũ, khu nhà ở thấp tầng sẽ được chuyển thành những khu đô thị hiện đại. Hay khu phố cổ sẽ trở thành nơi tạo lập không gian dịch vụ cho khách du lịch và phát triển kinh tế đêm.
Thứ năm, sông Hồng sẽ trở thành trục để Hà Nội khai thác quỹ đất hai bên sông mà không bị vướng bởi các quy định của Luật Đê điều, từ đó đưa sông Hồng trở thành trục kinh tế với những công trình văn hoá, dịch vụ.
Ví dụ, hai bên sông có thể xây dựng những con đường di sản để quy tụ tất cả những giá trị văn hoá, lịch sử của đất nước, tạo ra cảnh quan đẹp từ khắp mọi miền đất nước hội tụ trên sông Hồng.
>>Sửa Luật Thủ đô: Cân nhắc đảm bảo tính khả thi của chính sách
>>Sửa Luật Thủ đô: Cần làm rõ căn cứ xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa
Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua sẽ tạo đà cho Thủ đô phát triển như thế nào, thưa ông?
Cơ chế, chính sách đặc thù sẽ khơi dậy và khai thác được các nguồn lực, đồng thời tạo ra động lực cho Hà Nội phát triển. Hà Nội sẽ có không gian mới để mở rộng ra phía bắc sông Hồng, đây là cơ hội để Hà Nội phát triển thành phố hai bên sông, giãn số dân trong nội đô, đẩy mạnh không gian phát triển về phía Bắc.
Cùng với đó, Hà Nội sẽ có điều kiện phát triển trung tâm mới là những thành phố khoa học công nghệ ở phía Tây, đưa các trường đại học, khu nghiên cứu lên khu vực Hoà Lạc, đưa khu vực này trở thành cực phát triển về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, thu hút các nhà khoa học, các ngành công nghệ mới cho thủ đô. Đây là những điểm mới trong Luật Thủ đô (sửa đổi) tạo đà cho thủ đô phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Ông có đề xuất, kiến nghị gì để Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi được Quốc thông qua sẽ sớm đi vào cuộc sống?
Sau khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, Hà Nội cần phải nhanh chóng xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động, vừa là chương trình triển khai các quy hoạch, nhưng đồng thời cũng là những chương trình hành động cho việc thực hiện các chính sách mà Luật Thủ đô (sửa đổi) đưa ra.
Các cơ chế, chính sách, nhiệm vụ được đưa ra trong Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng như trong định hướng quy hoạch rất cởi mở và đột phá. Vấn đề quan trọng là phải có những con người thật sự năng động, sáng tạo, trách nhiệm trong thực thi những quyền năng, nhiệm vụ mà Luật Thủ đô (sửa đổi) đã trao cho.
Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
03:50, 22/06/2024
03:20, 02/06/2024
03:30, 31/05/2024