Nghiên cứu - Trao đổi

Không nên cấm thương nhân phân phối xăng dầu không được mua bán hàng của nhau

Gia Nguyễn 06/10/2024 04:30

Góp ý Dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu, nhiều ý kiến đề xuất, không nên cấm thương nhân phân phối xăng dầu không được mua bán hàng của nhau…

Xăng dầu là mặt hàng đặc thù, có ý nghĩa chiến lược quốc gia, ảnh hưởng đến đời sống, hoạt động sản xuất kinh doanh và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, có tính sống còn trong nền kinh tế. Dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu thay thế Nghị định 83/2014/NĐ-CP, Nghị định 95/2021/NĐ-CP, Nghị định 80/2023/NĐ-CP hướng tới mục tiêu tăng cường minh bạch, công bằng và hiệu quả trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.

khong-nen-cam-thuong-nhan-phan-phoi-khong-duoc-mua-hang-cua-nhau-24.1.1.jpg
Quy định “thương nhân phân phối xăng dầu sẽ không được mua bán xăng dầu của nhau” được cho là một trong những điểm mới tại Dự thảo được đưa ra lấy ý kiến hoàn thiện - Ảnh minh họa: ITN

Trong đó, quy định “thương nhân phân phối xăng dầu sẽ không được mua bán xăng dầu của nhau” được cho là một trong những điểm mới tại Dự thảo được đưa ra lấy ý kiến hoàn thiện mà theo cơ quan soạn thảo đây không chỉ là quy định đảm bảo kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường, mà còn đảm bảo cơ chế quản lý của Nhà nước đối với mặt hàng kinh doanh có điều kiện này.

Theo bà Nguyễn Thuý Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, khi Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu quy định thương nhân phân phối không được mua bán lẫn nhau, có một số ý kiến của các doanh nghiệp cho rằng việc này sẽ làm hạn hạn chế yếu tố cạnh tranh và không đảm bảo sự công bằng theo nguyên tắc thị trường. Các doanh nghiệp phân phối cho rằng họ bị phân biệt đối xử.

Tuy nhiên, khi doanh nghiệp tham gia kinh doanh xăng dầu, phải tuân thủ điều kiện mà cơ quan Nhà nước quy định. Việc quy định thương nhân phân phối xăng dầu không mua bán lẫn nhau cũng không làm mất đi tính cạnh tranh, bởi các thương nhân phân phối xăng dầu trong cùng phân khúc vẫn có thể cạnh tranh với nhau như bình thường. Đồng thời, Dự thảo mới này sẽ tạo động lực để các thương nhân phân phối xăng dầu làm tốt có thể phát triển tới một phân khúc cao hơn, hướng tới trở thành thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.

khong-nen-cam-thuong-nhan-phan-phoi-khong-duoc-mua-hang-cua-nhau-24.1.2.jpg
Xoay quanh quy định này, nhiều ý kiến đề xuất, không nên cấm thương nhân phân phối xăng dầu không được mua bán hàng của nhau - Ảnh minh họa: ITN

Mặc dù quan điểm, lý giải của cơ quan soạn thảo là như vậy, tuy nhiên, góp ý về quy định đã nêu, không ít ý kiến cho hay, quy định này cần được xem xét, cân nhắc lại, không nên cấm thương nhân phân phối xăng dầu không được mua bán hàng của nhau.

Theo chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong, nên cho phép các doanh nghiệp phân phối mua hàng của nhau để tạo cơ chế điều hoà nguồn cung trong nước, tránh nơi thừa nơi thiếu phải đóng của quầy bán như vừa qua. Đồng thời, còn giúp tạo sức cạnh tranh về giá và phát triển thị trường xăng dầu trong nước giữa các đầu mối nhập khẩu và nhà cung cấp, phân phối xăng dầu…

Xoay quanh nội dung này, đại diện Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cũng cho rằng, việc cho phép thương nhân phân phối mua bán hàng hoá lẫn nhau sẽ tạo ra tính cạnh tranh hơn, thị trường hơn, phù hợp Luật Cạnh tranh, Luật Thương mại.

Còn theo ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chống gian lận chúng ta phải “chọn đúng thuốc” và thuốc ở đây không phải là quy định “chỉ được làm cái này”, bởi lẽ đây là một bó buộc trong vấn đề thị trường.

“Vì thế, việc cấm thương nhân phân phối mua bán lẫn nhau, theo chúng tôi đang vi phạm Luật Doanh nghiệp, Luật Thương mại, Luật Cạnh tranh”, ông Tuấn chia sẻ.

Đồng thời cho rằng, chúng ta muốn khẳng định nền kinh tế thị trường, thì doanh nghiệp cần được quyền tự chủ và tự do kinh doanh.

Cũng theo ông Tuấn, doanh nghiệp hết hàng, vay mượn hay mua bán của nhau là điều bình thường, vì sao lại cấm. Họ còn có thể hùn nhau lại để mua chung một tàu hàng để cấp cho hệ thống của mình nếu có lợi nhuận…

“Lo ngại tăng giá bán, theo tôi người tiêu dùng đủ khôn ngoan, thị trường đủ sức mạnh để lựa chọn. Nên đừng lo hộ thị trường… còn lo ngại thương nhân phân phối nâng khống sản lượng để vay vốn ngân hàng, chúng tôi cho rằng, điều này thuộc thẩm định khoản vay từ ngân hàng thương mại, bởi thậm chí doanh nghiệp còn có thể vay tín chấp… thế nên đây không phải bản chất để đưa ra giải pháp rất mạnh là hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Cấm quyền của doanh nghiệp là điều tối kị”, ông Tuấn phân tích.

Được biết, liên quan đến nội dung này, đại diện Bộ Tư pháp cũng yêu cầu Bộ Công Thương xem xét lại quy định không cho thương nhân phân phối mua hàng của nhau bởi có thể vi phạm khoản 2 Điều 6 Luật Cạnh tranh năm 2018, với quy định “Thúc đẩy cạnh tranh, bảo đảm quyền tự do cạnh tranh trong kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Không nên cấm thương nhân phân phối xăng dầu không được mua bán hàng của nhau
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO