Tín dụng - Ngân hàng

Kỳ vọng năng lực tín nhiệm của các ngân hàng sẽ cải thiện

Lê Mỹ 15/02/2025 11:33

Ngành ngân hàng đang cải thiện năng lực tín nhiệm hơn khi từng bước vượt qua sóng gió kinh doanh năm 2024, và kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển trong 2025.

Năm 2024, ngành ngân hàng gặp nhiều thách thức trong hoạt động kinh doanh do biến động vĩ mô toàn cầu vẫn tiếp tục tạo hiệu ứng các "cơn gió ngược"; bên cạnh đó, môi trường trong nước vẫn chưa thúc đẩy hấp thụ vốn tín dụng hiệu quả.

Tuy nhiên, kết thúc 2024, 4 ngân hàng có quy mô và thị phần tín dụng đầu ngành là Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank đều ghi nhận lãi kỷ lục. Cụ thể, Vietcombank đạt lợi nhuận 41.279 tỷ đồng (tăng 3% so với 2023), VietinBank đạt 31.800 tỷ đồng (tăng gần 26%), BIDV là 30.006 tỷ đồng (tăng 12%) và Agribank (chưa niêm yết) khoảng 27.600 tỷ đồng (tăng 9%). Các ngân hàng này năm qua cũng tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ vốn vay ra nền kinh tế với lãi suất thấp, thực hiện Thông tư 02 và hỗ trợ khách hàng ảnh hưởng bão Yagi.

Lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2024 có sự phân hóa, song các NH top đầu tiếp tục giữ tốc độ tăng trưởng. Ảnh minh họa
Lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2024 có sự phân hóa, song các NH top đầu tiếp tục giữ tốc độ tăng trưởng. Ảnh minh họa: Quốc Tuấn

Cùng với đó, các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân - tập trung nhóm niêm yết, cũng ghi nhận hồi phục bán lẻ, cải thiện doanh số cho vay, đồng thời thu hồi nợ xấu và qua đó tăng lợi nhuận đáng kể.

Hàng loạt NHTM tư nhân theo đó tiếp tục kéo thêm danh sách trong "câu lạc bộ ngân hàng" lãi trên 10.000 tỷ; trong đó dẫn đầu nhóm lãi vượt tỷ đô có MB 28.800 tỷ đồng (tăng 9,5%); Techcombank gần 27.600 tỷ đồng (tăng 21%). Ngoài ra, nhiều NHTM khác đạt lợi nhuận 10.000-20.000 tỷ đồng ACB cán mốc lãi 21.000 tỷ đồng; VPBank đạt gần 20.000 tỷ đồng, HDBank lãi hơn 16.730 tỷ đồng; Sacombank lãi xấp xỉ 13.000 tỷ đồng; LPBank hơn 12.168 tỷ đồng... Nhiều nhà băng trong nhóm này có mức tăng trưởng 5-85%, trong đó VPBank tăng hơn 85%, LPB tăng 73%, Sacombank tăng 30%, HDBank tăng hơn 23%...

Nhóm ngân hàng tầm trung và một số NHTM nhỏ cũng có mức tăng trưởng lợi nhuận tích cực, như TPBank đạt gần 7.600 tỷ đồng (+36%), MSB đạt hơn 6.903 tỷ đồng (+12%), đặc biệt như BVBank với mức tăng hơn 400%, Eximbank đạt lợi nhuận 4.188 tỷ đồng, tăng 54% so với năm trước, đạt kỷ lục cao nhất sau 35 năm, Nam A Bank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt hơn 4.545 tỷ đồng, +38%; Kienlongbank hơn 50%...

Cùng với lợi nhuận tăng trưởng tín dụng, hệ thống ngân hàng cũng ghi nhận nỗ lực xử lý nợ xấu. Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước thống kê, tính đến hết năm 2024, tổng dư nợ tại các tổ chức tín dụng hơn 16,9 triệu tỷ đồng. Trong đó, nợ nhóm 2 (các khoản vay có dấu hiệu cảnh báo rủi ro) tại các ngân hàng thương mại là hơn 211.709 tỷ đồng, chiếm 1,25% tổng dư nợ. Con số này đã giảm 7% so với cuối năm 2023. Trong đó, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần chiếm phần lớn với hơn 118.756 tỷ đồng, tương đương 56,1% tổng nợ nhóm 2 của toàn bộ hệ thống ngân hàng thương mại.

Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, do nhiều yếu tố (kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, thách thức, thị trường chứng khoán, trái phiếu, BĐS phục hồi còn chậm, thị trường mua bán nợ chưa phát triển như kỳ vọng, thiên tai, bão lũ gây thiệt hại nặng nề)... khiến cho nợ xấu vẫn có xu hướng tăng. NHNN đặt nhiều mục tiêu trong năm nay, trong đó tiếp tục xử lý vấn đề xấu, kiểm soát chất lượng tín dụng, lành mạnh hệ thống.

Một trong những yếu tố có thể cải thiện tỷ lệ nợ xấu, được kỳ vọng từ 2025, là trường hợp 4 ngân hàng 0 đồng và yếu kém là CB, Ocean Bank, DongA Bank và GPBank đã hoàn tất chuyển giao bắt buộc thành công về tay chủ sở hữu mới lần lượt là Vietcombank, MB, HDBank và VPBank. 3 trong số 4 ngân hàng đã đổi tên CB thành VCNNeo, Ocean Bank thành MBV, DongA Bank thành Vikki Bank. Với nguồn lực của các chủ sở hữu mới, cùng kỳ vọng về các chính sách hỗ trợ nhanh, trúng từ NHNN, các ngân hàng mới đang hướng xử lý nợ xấu, hồi phục và đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, đưa nợ xấu nội bảng toàn ngành giảm.

NL NH
Nguồn: VIS Rating

Mặc dù còn nhiều thách thức trong 2025, ngành ngân hàng được kỳ vọng năng lực tín nhiệm của các ngân hàng Việt Nam sẽ cải thiện nhẹ, tiếp theo xu hướng hồi phục từ nửa cuối năm 2024, được thúc đẩy bởi nhiều chính sách của Chính phủ được triển khai để giải quyết các vướng mắc về pháp lý của các ngành và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô trong nước trong bối cảnh môi trường kinh tế thế giới có nhiều biến động, theo VIS Rating.

Tăng cường giải ngân đầu tư công, dòng vốn FDI ổn định và thặng dư thương mại, cùng những nỗ lực không ngừng của Chính phủ nhằm giải quyết các vấn đề pháp lý dự án sẽ thúc đẩy hoạt động kinh doanh trong nước và nhu cầu tín dụng cao hơn. Chúng tôi kỳ vọng dòng tiền hoạt động của người đi vay và khả năng trả nợ của họ sẽ được cải thiện trong cả năm 2025, chuyên gia VIS Rating cho biết.

Ông Phan Duy Hưng, CFA, MBA – Giám đốc – Chuyên gia phân tích cao cấp, VIS Rating dự báo, “Các ngân hàng quốc doanh và một số ngân hàng quy mô lớn sẽ dẫn dắt sự hồi phục về chất lượng tài sản và khả năng sinh lời của toàn ngành ngân hàng, nhờ hoạt động kinh doanh trong nước thuộc các ngành sản xuất, thương mại, xây dựng và bất động sản – những ngành chính mà các ngân hàng cho vay – sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn.

Tuy nhiên, các ngân hàng quy mô nhỏ và một vài ngân hàng quy mô vừa có thể phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc cải thiện khả năng sinh lời để tăng trích lập dự phòng rủi ro và giải quyết các vấn đề về chất lượng tài sản, do sự hồi phục không đồng đều của thị trường bất động sản, cạnh tranh cho vay và chi phí tiền gửi cao hơn trong bối cảnh áp lực tỷ giá", chuyên gia lưu ý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Kỳ vọng năng lực tín nhiệm của các ngân hàng sẽ cải thiện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO