Bốn ngân hàng đã chính thức được chuyển giao bắt buộc (CGBB) và đang có những chuyển động mới, góp phần tạo sức bật mới cho ngành ngân hàng kể từ năm 2025.
Tháng 9/2024, OceanBank được CGBB về MBBank; CB được chuyển về Vietcombank. Đến 17/1/2025, 2 ngân hàng dạng 0 đồng và yếu kém là GPBank và DongABank cũng đã được CGBB về VPBank và HDBank.
Việc CGBB về tay các ngân hàng nội, sử dụng nguồn lực ngân hàng nội để hỗ trợ các ngân hàng 0 đồng và yếu kém với cơ chế hỗ trợ từ NHNN là hoàn toàn phù hợp ở thời điểm hiện nay, bởi vì 4 ngân hàng được lựa chọn nhận CGBB là những ngân hàng mạnh trong hệ thống, có năng lực, uy tín và kinh nghiệm trong hỗ trợ tái cơ cấu, hậu M&A.
Bên cạnh đó, theo đánh giá của TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, hệ thống ngân hàng Việt Nam nói chung hiện nay đã có sức khỏe tốt hơn nhiều so với giai đoạn trước đây (2012). Việc hoàn thiện thể chế hệ thống tài chính, khung pháp lý, năng lực quản lý, giám sát, an toàn và ổn định hệ thống tài chính – tiền tệ… cũng đã được nâng cao hơn. Đây là những điều kiện quan trọng cho việc thực thi các mục tiêu theo đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 – 2025”, trong đó có việc xử lý hoàn tất để tái cơ cấu 4 ngân hàng 0 đồng và yếu kém.
Theo ghi nhận ban đầu, đến nay, đã có 2 ngân hàng ở đợt CGBB đầu tiên công bố thương hiệu mới, nhận diện mới và chính thức bước vào hành trình hoạt động kinh doanh mới. Cụ thể, OceanBank trở thành ngân hàng con của MB và đã chính thức đổi tên thành Ngân hàng TNHH MTV Việt Nam hiện đại (MBV). MB cũng đã đưa 80 nhân sự sang MBV để bổ sung vận hành, đào tạo nhân sự cho ngân hàng này. Ông Phạm Như Ánh, Tổng giám đốc MB cũng cho biết sẽ bán dư nợ sinh lời để "vực dậy" MBV ở thời kỳ mới. Đây là nguồn lực “đòn bẩy” mà MBV được dùng để vay Chính phủ và NHNN khoản tiền tương đối lớn với lãi suất bằng 0, từ đó tạo ra cơ chế sinh lời cho MBV.
Với CB, ngân hàng này cũng đã chính thức công bố đổi tên thành Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Ngoại thương Công nghệ số (VCBNeo). Cùng với việc đổi tên, VCBNeo đã kiện toàn đội ngũ nhân sự lãnh đạo cấp cao nhằm hiện thực hóa các mục tiêu trên hành trình mới của VCBNeo.
Đáng chú ý, các ngân hàng đều có định hướng thúc đẩy công nghệ số và đẩy mũi nhọn số hóa trở thành “xương sống” cho các ngân hàng hậu CGBB. Điều này được thể hiện rõ sau khi trở thành thành viên trong hệ sinh thái MB Group. MBV là ngân hàng đầu tiên trong nhóm CGBB chuyển đổi hệ thống Core Banking T24 phiên bản mới nhất, hướng đến ra mắt phiên bản mới ứng dụng ngân hàng số dành cho khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân, phát triển mạnh mẽ việc bán hàng trên các kênh số.
Với VCBNeo, bản thân tên ngân hàng số đã cho thấy định hướng của ngân hàng này trong thời kỳ mới.
Trong khi đó, nhiều nguồn tin cho biết có thể ngay trong tháng 2/2025, DongABank cũng sẽ chính thức có lễ công bố thương hiệu mới và dự báo định hướng hội tụ sức mạnh để tiên phong trong kỷ nguyên vươn mình.
Trong cả 4 NH thuộc nhóm CGBB đã hoàn tất vừa qua, đến nay, vẫn chỉ có GPBank thuộc VPBank là khá kín tiếng và chưa có “động tĩnh” gì về kế hoạch mới đối với ngân hàng hậu chuyển giao.
Với những chuyển động của các ngân hàng ngay sau CGBB, có thể kỳ vọng những mục tiêu mà NHNN đặt ra. Theo ông Nguyễn Đức Long, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng – NHNN, mục tiêu CGBB để đưa các ngân hàng yếu kém quay về hoạt động bình thường, khắc phục lỗ lũy kế, đảm bảo các quy định về an toàn hoạt động. Khi các ngân hàng vận hành và tiến đến khắc phục lỗ lũy kế, không chỉ các khoản nợ xấu tại các ngân hàng này sẽ được giải phóng, mà những nguồn lực mới cũng được nhân lên và các sản phẩm mới cũng được đưa ra, tăng thêm cơ hội, lựa chọn cho chính hoạt động của TCTD lẫn phía thị trường.
Theo VDSC, giá trị của hoạt động CGBB sẽ được nhân cho cả bên đến và bên nhận. Điển hình như trường hợp HDB và DongA Bank, VDSC kỳ vọng HDBank tiếp tục duy trì tăng trưởng về quy mô tín dụng nhờ cơ chế ưu đãi từ NHNN đối với ngân hàng nhận CGBB. Ngoài ra, HDBank cũng có thể tận dụng hệ thống 200 chi nhánh và phòng giao dịch sẵn có của DongA Bank để nâng cao nhận diện thương hiệu. Mặt khác, điều đó cũng có nghĩa DongA Bank sẽ được “tận dụng” mọi lợi thế của HDBank để củng cố và cộng hưởng sức mạnh cho thương hiệu mình.
Con đường để các ngân hàng hậu CGBB bứt phá còn dài, song một hành trình đã được khởi động thuận lợi hứa hẹn một đại lộ với nhiều kỳ vọng lẫn khát vọng đang ở phía trước.
[ Hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện còn duy nhất SCB là ngân hàng thuộc diện kiểm soát bắt buộc. Theo Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chắc chắn sẽ hoàn thiện phương án xử lý tái cơ cấu ngân hàng này trong thời gian tới. ]