Ngành ngân hàng cần kiến tạo hệ sinh thái tài chính, tạo điều kiện tiếp cận vốn, thúc đẩy việc làm và sinh kế, hiện thực hóa phương châm "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại buổi làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 với Ngân hàng Nhà nước, sáng 3/2/2025.
Đây là một thông điệp quan trọng, khẳng định vai trò then chốt của chính sách tiền tệ và hệ thống tín dụng đối với nền kinh tế đất nước.
Năm 2024, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đối diện với nhiều biến động, Ngân hàng Nhà nước đã cho thấy vai trò điều tiết linh hoạt, chủ động ứng phó với các thách thức, qua đó tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.
Việc giữ nguyên các mức lãi suất điều hành trong khi mặt bằng lãi suất thế giới vẫn ở mức cao là một quyết định mang tính chiến lược. Điều này không chỉ giúp ổn định chi phí vốn cho doanh nghiệp và người dân mà còn góp phần duy trì sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chính sách tỷ giá được điều hành linh hoạt, giúp Việt Nam ứng phó hiệu quả với những cú sốc bên ngoài, giảm thiểu rủi ro từ thị trường tài chính quốc tế.
Một trong những điểm sáng trong năm qua là việc ngành ngân hàng tập trung tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên. Mức tăng trưởng tín dụng 15,08% so với cuối năm 2023 phản ánh rõ nét sự hỗ trợ thiết thực của hệ thống ngân hàng đối với nền kinh tế. Các chương trình tín dụng như gói 145.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, tín dụng cho ngành lâm, thủy sản không chỉ giải quyết nhu cầu vốn mà còn góp phần đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy các ngành kinh tế trọng điểm.
Đáng chú ý, sự vào cuộc kịp thời của ngành ngân hàng trong việc hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 thể hiện tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân, khẳng định trách nhiệm xã hội của hệ thống tín dụng.
Bước vào năm 2025, Ngân hàng Nhà nước xác định tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo hướng linh hoạt, bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng bền vững. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều biến động, việc điều chỉnh lãi suất hợp lý và quản lý tỷ giá chặt chẽ sẽ là những yếu tố then chốt giúp duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính quốc gia.
Song hành với đó, ngành ngân hàng tiếp tục thực hiện các giải pháp tín dụng nhằm đảm bảo dòng vốn được phân bổ hiệu quả, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế nhưng vẫn kiểm soát được rủi ro nợ xấu. Đặc biệt, việc triển khai quyết liệt Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng sẽ giúp tăng cường sức khỏe tài chính của ngành, đảm bảo an toàn hệ thống và nâng cao hiệu quả hoạt động.
Năm 2025 cũng là dấu mốc quan trọng trong quá trình chuyển đổi số của ngành ngân hàng, khi các giải pháp công nghệ được ứng dụng mạnh mẽ để nâng cao chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và tối ưu hóa hoạt động quản lý. Bên cạnh đó, công tác đảm bảo an toàn, bảo mật trong hoạt động ngân hàng tiếp tục được chú trọng nhằm bảo vệ lợi ích của khách hàng, hạn chế rủi ro trước các nguy cơ an ninh mạng ngày càng tinh vi.
Bước vào năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP ít nhất 8%, tạo đà vững chắc cho giai đoạn tiếp theo. Trong bối cảnh đó, ngành ngân hàng đóng vai trò then chốt, không chỉ trong việc điều hành chính sách tiền tệ, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô mà còn góp phần đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu ngành Ngân hàng thực hiện hiệu quả Nghị quyết 01 và Nghị quyết 02 của Chính phủ năm 2025 nhằm tạo động lực cho tăng trưởng, thúc đẩy dòng vốn chảy vào các lĩnh vực ưu tiên và duy trì sự phát triển bền vững của hệ thống tài chính.
Ngoài nhiệm vụ kinh tế, năm 2025 còn gắn với các sự kiện chính trị trọng đại như tổ chức đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng, cùng với quá trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước. Những yếu tố này đòi hỏi ngành ngân hàng không chỉ vận hành hiệu quả mà còn phải thể hiện vai trò chủ động, linh hoạt, đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế và xã hội.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt ra cho ngành Ngân hàng là tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là các chương trình an sinh xã hội như phát triển nhà ở xã hội, xóa nhà tạm, nhà dột nát. Đồng thời, dòng vốn tín dụng cần hướng đến những động lực tăng trưởng truyền thống như đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng, trong đó có tín dụng cho phát triển hạ tầng. Bên cạnh đó, việc thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số cũng là định hướng quan trọng trong bối cảnh nền kinh tế đang chuyển mình mạnh mẽ theo xu hướng số hóa.
Trước những biến động trong hệ thống tài chính thời gian qua, Thủ tướng cũng yêu cầu ngành ngân hàng tiếp tục xử lý dứt điểm các ngân hàng yếu kém, kiểm soát nợ xấu chặt chẽ, tránh lặp lại các vụ việc như ngân hàng SCB. Cùng với đó, ngành ngân hàng cần đi đầu trong chuyển đổi số, kết hợp với thực hiện Đề án 06 về dữ liệu dân cư và xây dựng cơ sở dữ liệu ngành ngân hàng để tăng cường hiệu quả quản lý, minh bạch hóa hệ thống tài chính.
Ngoài ra, công tác truyền thông chính sách cần được thực hiện tốt hơn, giúp doanh nghiệp và người dân hiểu rõ, tin tưởng vào các chính sách điều hành của Nhà nước. Song song với đó, việc hoàn thiện thể chế, tạo môi trường bình đẳng, thông thoáng cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận nguồn vốn là yếu tố quan trọng để duy trì sự phát triển ổn định, bền vững của nền kinh tế.
Đáng chú ý, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh tinh thần "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành cái có thể", đồng thời kêu gọi ngành ngân hàng đổi mới tư duy, vượt qua giới hạn của chính mình để tạo ra những đột phá. Không chỉ dừng lại ở việc duy trì ổn định, ngành ngân hàng phải hành động quyết đoán, đề cao trí tuệ, tận dụng từng giây phút để triển khai hiệu quả các chính sách tiền tệ, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Nhằm đạt được những mục tiêu lớn của năm 2025, Thủ tướng chỉ đạo ngành ngân hàng cần chủ động, linh hoạt và kịp thời trong điều hành chính sách tiền tệ, đảm bảo tính đồng bộ và hiệu quả trong phối hợp với các cơ quan chức năng. Hơn cả một công cụ tài chính, hệ thống ngân hàng phải đóng vai trò kiến tạo, xây dựng một hệ sinh thái tài chính bền vững, giúp doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn thuận lợi hơn, tạo thêm nhiều việc làm, thúc đẩy sinh kế, hiện thực hóa phương châm "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".
Thủ tướng nhấn mạnh, chỉ khi doanh nghiệp và người dân phát triển thì ngành ngân hàng mới phát triển. Vì vậy, ngoài việc đảm bảo an toàn hệ thống, các tổ chức tín dụng cần thực sự đặt mình vào vị trí của khách hàng, biết chia sẻ, cảm thông, cùng đồng hành vượt qua khó khăn.
Có thể khẳng định, bbước sang năm 2025, ngành ngân hàng không chỉ đóng vai trò là "mạch máu" của nền kinh tế mà còn là động lực quan trọng giúp đất nước đạt được mục tiêu tăng trưởng cao, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội. Với sự quyết tâm, chủ động và linh hoạt trong điều hành chính sách, cùng tinh thần trách nhiệm với người dân và doanh nghiệp, tin rằng ngành ngân hàng hoàn toàn có thể tạo nên những bước đột phá mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước.