Lối thoát cho các ngành kinh tế chịu tác động từ covid-19?

Diendandoanhnghiep.vn Theo ông Phan Lê Thành Long, trước những khó khăn biến cố, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tái cơ cấu, tăng về chất và đa dạng hóa đầu vào-ra.

ông Phan Lê Thành Long, Chuyên gia tài chính AFA Research & Education

Ông Phan Lê Thành Long, Chuyên gia tài chính AFA Research & Education

Tăng trưởng GDP năm nay khả năng khó đạt mục tiêu do hoạt động xuất nhập khẩu, kinh doanh sản xuất nhiều ngành nghề bị tác động trực tiếp từ dịch Corona. Vậy đâu là lối thoát cho các ngành kinh tế chịu tác động từ dịch bệnh covid-19?

Để trả lời cho câu hỏi này, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã có buổi trao đổi với ông Phan Lê Thành Long, Chuyên gia tài chính AFA Research & Education.

- Thưa ông, dịch bệnh covid-19 đã tác động mạnh lên nền kinh tế Việt Nam. Theo ông, những ngành nghề nào chịu tác động mạnh từ dịch bệnh này? Điều này tác động như thế nào đến tăng trưởng GDP của Việt Nam?

Bộ KHĐT dự báo sơ bộ 2 kịch bản tăng trưởng GDP của Việt Nam giảm so với mục tiêu 6,8% do tác động của dịch covid-19. Kịch bản 1, nếu dịch virus corona được khống chế kịp thời trong quý I, ước tính GDP năm nay tăng 6,27%, thấp hơn 0,53% so với Nghị quyết 01. Trong đó quý I tăng 3,8%; quý II tăng 6,55%; quý III tăng 7,07% và quý IV tăng 6,81%.

Với kịch bản 2, nếu dịch virus corona được khống chế trong quý II, ước tính GDP tăng 6,09% so với năm trước (thấp hơn 0,71% so với Nghị quyết 01). Trong đó quý I, GDP tăng 3,8%; quý II tăng 5,81%; quý III tăng 7,05% và quý IV tăng 6,81%.

Và trước tác động của đợt dịch bệnh tới GDP của Việt Nam, chắc chắn chính phủ sẽ phải có kế hoạch cam kết đảm bảo tăng trưởng. Tuy nhiên, theo tôi sẽ có 4 ngành chính chịu tác động lớn nhất từ đợt dịch corona này.

Đầu tiên là ngành hàng không và các đơn vị vận tải, vân chuyển. Ngành hàng không chịu thiệt hại bởi hiện chuyến bay hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc đã bị dừng vô thời hạn, nên không thể tính được mức độ thiệt hại đến đâu. Hiện nay, Cục Hàng không ước tính, thiệt hại sẽ vào khoảng 10.000 tỷ đồng, đây là vấn đề tác động rất lớn kéo theo chi phí trang thiết bị, nhân công đình trệ.

Phương diện khác cũng phải kể đến ngành vận tải đường bộ chịu thiệt hại khi hàng hóa không được vận chuyển qua biên giới, ùn ứ tại cửa khẩu.

Ngành thứ hai là du lịch và các ngành dịch vụ ăn theo sẽ chịu ảnh hưởng. Việt Nam mỗi năm đón khoảng 5 triệu khách du lịch Trung Quốc, và với tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh nếu kéo dài lượng khách Trung Quốc sẽ giảm về 0, theo cách tính giảm tối đa 100% của Tổng Cục Du lịch. Kèm theo đó các dịch vụ ăn theo du lịch bị ảnh hưởng đáng kể và từ đó tác động lên GDP. Bởi tính ra, chi tiêu du lịch đóng góp khoảng 33% GDP từ khách du lịch Trung Quốc.

Ngành thứ ba là ngành nông nghiệp. Một năm ngành nông nghiệp của Việt Nam xuất sang Trung Quốc khoảng 5 tỷ USD, và mức độ ảnh hưởng rất lớn do tác động trực tiếp đến người dân, sâu rộng đến nền kinh tế. Bởi ngành hàng nông sản có điểm yếu là thời hạn sử dụng thấp, bảo quản khó. Việc mở cửa khẩu chỉ giải quyết phần nào, không đáng kể do có rất nhiều hàng vẫn ùn lại do phía Trung Quốc không thể tiếp nhận. Nếu sự giao thương vẫn đình trệ đến hết quý II, theo tôi sẽ là tình trạng rất căng thẳng, ảnh hưởng lớn đến GDP của Việt Nam những biện pháp duy trì GDP sẽ là thách thức rất lớn.

Ngành thứ tư chịu tác động trực tiếp là ngành bán lẻ. Bởi ngoài việc người ta hạn chế đi lại còn một phần tác động từ việc suy giảm thu nhập. Bởi chỉ cần chỉ số GDP sụt giảm 0,5% thôi đã tác động rất lớn rồi. Người dân sẽ cắt giảm chi tiêu, chỉ mua những mặt hàng thiết yếu và như vậy những mặt hàng như gia dụng, điện tử, thời trang sẽ chịu ảnh hưởng. Yếu tố thu nhập người dân không phải chờ đến đợt dịch này mới ảnh hưởng mà trước đó trong năm 2019 điều này đã xảy ra do ảnh hưởng bởi thị trường bất động sản.

Và với sự tác động lên bốn ngành trên rõ ràng sẽ tác động lên GDP nói chung cùng các ngành khác như thị trường chứng khoán sụt giảm 5%, ngân hàng cho vay kém đi do doanh nghiệp cắt giảm hoạt động, ngành dệt may bị ảnh hưởng về nguồn nguyên liệu, cắt giảm chi tiêu thời trang của người dân...

- Theo ông, Chính phủ và các bộ ngành cần có giải pháp gì để khắc phục thiệt hại do dịch Coronacovid-19,  tránh tác động tiêu cực đến nền kinh tế?

Chính phủ đã có phương án theo kịch bản khống chế dịch như đã nói ở trên, việc khống chế dịch trong quý I và II như thế nào sẽ có phương án điều tiết phù hợp.

Tuy nhiên, sẽ có hai công cụ mà chính phủ sẽ dùng đó là chính sách tiền tệ và tài khóa. Về chính sách tiền tệ, các ngân hàng đã bắt đầu giảm lãi suất cho các doanh nghiệp đó là bước đầu. Bước thứ hai sẽ tùy vào từng kịch bản phòng dịch để điều chỉnh lãi suất.

Trước đây, khi khủng hoảng kinh tế xảy ra vào giai đoạn cuối năm 2008, Chính phủ cũng đã có gói hỗ trợ lãi suất 4% cho một số ngành nhất định như nông nghiệp, mua sắm trang thiết bị sản xuất, những doanh nghiệp thuộc lĩnh vực đấy khi vay tiền ngân hàng chính phủ sẽ hỗ trợ 4%.

Và chính phủ cần phải kiểm soát rất chặt các chính sách tiền tệ, lãi suất, tăng cung tín dụng cho doanh nghiệp đặc biệt cho những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng lớn nhất như du lịch, nông nghiệp. Đây là điều kiện tiên quyết, nếu không quản lý chặt sẽ dẫn đến lạm phát. Tôi muốn nhấn mạnh, chính sách tiền tệ cần có đối tượng, mục tiêu rõ ràng và được kiểm soát chặt thì mới ổn định kinh tế.

Về chính sách tài khóa, cần hỗ trợ thuế cho doanh nghiệp, cần có chương trình ưu đãi thuế ngắn hạn cho những thành phần kinh tế đặc biệt nông nghiệp chịu tác động trực tiếp bởi dịch. Nhưng như thế sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách, vì vậy chính phủ cần phải điều tiết ra sao cho khéo léo.

- Thưa ông, lối thoát nào cho các ngành kinh tế chịu tác động tiêu cực từ covid-19?

Theo tôi, các doanh nghiệp Việt Nam hiện đang chịu ảnh hưởng rất lớn từ Trung Quốc trong việc xuất nhập khẩu, sản xuất, nguồn nguyên liệu. Nhưng đây vừa là khó khăn, cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp Việt cần phải mở rộng thị trường, tìm thêm các nguồn nguyên liệu ngoài thị trường Trung Quốc. Việc giao thương với thị trường Trung Quốc là con dao hai mặt, đây vừa là thị trường lớn nhưng cũng chứa nhiều rủi ro mà ta có thể nhận thấy ngay trong biến cố lớn như hiện nay.

Chính vì vậy trước những biến cố lớn, đây là cơ hội để các doanh nghiệp tính đến chuyện đa dạng hóa đầu vào-ra, chủ động tìm kiếm thị trường mới đối với các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu, đa dạng hóa thị trường nguyên liệu ví dụ như Ấn Độ có nguồn cung nguyên liệu tốt.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần phải tính đến phát triển về chất. Ví dụ như ngành du lịch có thể mất 5 triệu khách du lịch Trung Quốc, một lượng rất lớn nhưng như thế doanh nghiệp cần nhìn lại chất lượng dịch vụ của mình. Doanh nghiệp muốn đa dạng hóa, thu hút các thị trường khác thì chất lượng dịch vụ, hạ tầng hiện đang ở mức nào.

Trong khó khăn, nếu xét trên góc độ chiến lược, kể cả doanh nghiệp và quốc gia ông tổ ngành chiến lược Michael Porter có một câu như thế này: “Trong lúc khó khăn, nhiệm vụ của mình là đầu tư”. Doanh nghiệp cần xem đây là cơ hội để tái cơ cấu, có đầu tư đến khi khó khăn qua đi, doanh nghiệp có thể “chạy” mới nhanh được. Bởi không chỉ Việt Nam chịu ảnh hưởng mà còn có Thái Lan,khi đó ai có sự chuẩn bị tốt tái cơ cấu tốt sẽ “chạy” nhanh hơn, còn nếu ngồi im sẽ “chết”.

Như vậy, doanh nghiệp cần phải tái cơ cấu, nhìn lại hoạt động của mình tăng cường chất lượng dịch vụ, tinh gọn quy trình sản xuất, tiết kiệm chi phí.

Xin cảm ơn ông!

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Lối thoát cho các ngành kinh tế chịu tác động từ covid-19? tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714279009 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714279009 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10