Nội dung về thu hồi đất trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhất là với các dự án kinh tế, thương mại đơn thuần là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, phát biểu để hoàn thiện chính sách.
>>> Duy trì 2 kênh tạo quỹ đất phát triển nhà ở
Ngày 14/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) dẫn Điều 54 của Hiến pháp năm 2013 nêu rõ "Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật".
Theo đại biểu Mai Thị Phương Hoa, trong việc thu hồi đất, Nhà nước phải bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ hợp pháp của 3 bên: Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Trong đó, bà Hoa đề nghị cần quan tâm hơn đến người dân bị thu hồi đất, vì họ ở thế bị động, có khả năng mất chỗ ở cũ, mất mảnh đất vẫn đang trồng cấy để mưu sinh.
"Người dân bị thu hồi đất đã thiệt thòi rồi, nếu không được thỏa thuận bồi thường theo giá thị trường thì càng thiệt thòi hơn" - đại biểu đoàn Nam Định nhấn mạnh và kiến nghị các chính sách về đền bù, tái định cư cần phải được quan tâm hơn nữa.
Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) cho biết, gần 70% vụ việc khiếu nại, tố cáo là liên quan tới việc thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng để phát triển kinh tế - xã hội. Vị đại biểu cho biết trên thực tế, các bất cập trong việc áp giá thu hồi đất có thể khiến người có đất bị thiệt, dẫn đến khiếu kiện. "Thu hồi đất luôn là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, được sự quan tâm của toàn xã hội liên quan đến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội và mọi người dân" - đại biểu nhấn mạnh.
Vị đại biểu đoàn Kon Tum kiến nghị việc sửa đổi Luật Đất đai cần làm rõ nội hàm của việc thu hồi đất cho phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. "Tuy nhiên, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thường không cố định. Trong khi dự thảo luật đang sử dụng phương pháp liệt kê để nêu các trường hợp thu hồi đất, vậy có thể dự liệu trước được những tình huống phát sinh trên thực tế hay không. Do đó, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xung đột, nhiều nguy cơ lạm quyền gây bức xúc trong nhân dân" - đại biểu Tô Văn Tám lo ngại.
Đại biểu Tô Văn Tám đề nghị cơ quan soạn thảo có thể tiếp cận theo hướng những dự án vì mục đích quốc phòng, an ninh, những dự án phát triển kinh tế - xã hội mang tính chiến lược, tác động đến sự phát triển một vùng, khu vực hoặc của cả nước hoặc các công trình công cộng thì áp dụng thu hồi đất.
Đại biểu Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam) đề nghị cơ quan soạn thảo lưu ý việc thể chế hóa chủ trương Nghị quyết 18 của Trung ương về việc thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại.
Theo ông Bình, đây là vấn đề phát sinh khiếu nại, tố cáo rất nhiều thời gian qua. Vị đại biểu cho biết trên thực tế, ở cùng một khu vực, các điều kiện hoàn toàn giống nhau, nhưng khi Nhà nước thu hồi đất thì áp dụng đền bù theo giá Nhà nước, nhưng khi doanh nghiệp thỏa thuận thu hồi thực hiện các dự án thương mại, thì giá đền bù cao hơn. Do sự chênh lệch giá đền bù này, đại biểu cho biết xảy ra tình trạng so bì, khiếu nại rất phức tạp.
>>>TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Tập trung hoàn thiện dự án Luật Đất đai
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã có báo cáo các đại biểu Quốc hội về dự kiến một số nội dung tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu tại phiên thảo luận tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, theo Bộ trưởng Hà, Nghị quyết số 18-NQ/TW xác định thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, do đó cần phải thu hồi đất để có quỹ đất phục vụ cho mục tiêu trên.
Về ý kiến đề nghị làm rõ tiêu chí, điều kiện, nội hàm thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, ông Hà nói dự thảo luật đã có thể chế định hướng đổi mới chính sách đất đai theo Nghị quyết 18. Trong đó quy định về điều kiện, tiêu chí thu hồi đất cho mục đích phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng đến từng loại dự án. Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện dự thảo luật.
Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về điều kiện, trình tự, thủ tục thu hồi đất đối với dự án đô thị, dự án nhà ở thương mại sử dụng các loại đất không phải là đất ở. Tuy nhiên có ý kiến cho rằng thực hiện dự án đô thị, dự án nhà ở thương mại là hoạt động kinh tế đơn thuần, không phục vụ lợi ích công cộng mà chủ yếu phục vụ lợi ích của nhà đầu tư, doanh nghiệp bất động sản nên quy định cho chủ đầu tư thỏa thuận với người sử dụng đất để đảm bảo công bằng với lĩnh vực khác.
Về nội dung này, ông Hà cho rằng Nghị quyết 18 xác định thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Theo đó, tại dự thảo đã quy định dự án đô thị, nhà ở thương mại thuộc trường hợp phải đấu giá đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, vì vậy trong trường hợp này Nhà nước phải thu hồi đất để thực hiện.
"Việc đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất ngoài việc tạo sự công bằng, minh bạch trong tiếp cận đất đai còn tạo ra nguồn thu lớn vào ngân sách nhà nước để phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng, nhằm điều tiết hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người có đất thu hồi và nhà đầu tư" - Bộ trưởng Hà khẳng định.
Có thể bạn quan tâm