Tài chính doanh nghiệp

Mạnh tay chi tiền quảng cáo, "kỳ lân" công nghệ VNG lỗ nặng

ĐÌNH ĐẠI 09/08/2024 04:35

Trong quý II/2024, “kỳ lân” công nghệ VNG thua lỗ 489 tỷ đồng, chủ yếu do doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục thúc đẩy hoạt động quảng cáo cho sản phẩm.

Kết thúc quý II/2024, Công ty CP VNG (UpCOM: VNZ) mang về 2.055 tỷ đồng doanh thu, biến động không đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Khấu trừ giá vốn, doanh nghiệp lãi gộp 647 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ năm 2023.

vnz.jpg
Mạnh tay chi tiền quảng cáo, "kỳ lân" công nghệ VNZ lỗ nặng trong quý II/2024 - Ảnh: VNZ.

Điểm sáng duy nhất trong bức tranh kinh doanh trong kỳ này của VNG đến từ hoạt động tài chính. Theo đó, doanh thu tài chính tăng mạnh 247% so với cùng kỳ, lên 85 tỷ đồng; trong khi đó, chi phí cho hoạt động này được cắt giảm 54% so với cùng kỳ, xuống còn 39 tỷ đồng. Khoản lãi lỗ trong công ty liên doanh liên kết cũng được thu hẹp từ lỗ 206 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước, xuống chỉ còn lỗ 18 tỷ đồng trong kỳ này.

Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế của “kỳ lân” công nghệ này ghi nhận lỗ 489 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 507 tỷ đồng; lãi ròng ghi nhận lỗ 462 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 457 tỷ đồng. Doanh nghiệp cho biết, nguyên nhân thua lỗ chủ yếu là do Công ty vẫn đang tiếp tục thúc đẩy hoạt động quảng cáo cho các sản phẩm mới và sản phẩm chiến lược.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, VNG ghi nhận doanh thu thuần tăng 30% so với cùng kỳ, lên 4.314 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 520 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức lỗ 1.205 tỷ đồng cùng kỳ năm 2023.

Tính đến cuối quý II/2024, tổng tài của VNG đạt hơn 10.162 tỷ đồng, tăng 6% so với hồi đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn đạt hơn 5.077 tỷ đồng, giảm 8% so với hồi đầu năm, trong đó có hơn 3.400 tỷ đồng là tiền mặt và tiền gửi. Chi phí xây dựng cơ bản dở dang tăng 47% so với đầu năm, lên hơn 314 tỷ đồng, chủ yếu ở các phần mềm trò chơi đang hoàn thiện.

Doanh nghiệp cũng dành khá lớn ngân sách đầu tư vào các công ty liên doanh liên kết, khi trong kỳ này khoản đầu tư này tăng 18% so với đầu năm, lên gần 1.200 tỷ đồng, do phát sinh thêm khoản đầu tư 221 tỷ đồng vào Công ty Phát triển phần mềm VTH, trước đây từng là công ty con của VNG.

Mặc dù chi khá nhiều tiền đầu tư vào các công ty liên doanh, liên kết (Hiện VNG đang đầu tư vào 9 công ty liên doanh, liên kết) nhưng doanh nghiệp này vẫn chưa được “hái trái ngọt” từ hoạt động đầu tư này, khi khoản mục này vẫn ghi nhận lỗ hàng trăm tỷ đồng.

Ngoài việc đầu tư vào các công ty liên doanh, liên kết, VNG cũng đẩy mạnh đầu tư vào các công ty con. Chỉ tính riêng Công ty CP Zion, đơn vị sở hữu ZaloPay, VNG nắm 99,99% vốn điều lệ, với tổng giá trị đầu tư hơn 5.141 tỷ đồng.

Ở một diễn biến khác, mới đây VNG đã bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) xử phạt 175,5 triệu đồng do vi phạm về công bố thông tin. Theo đó, VNG đã không công bố thông tin trên hệ thống của UBCKNN và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đối với Nghị quyết HĐQT ngày 08/9/2022 thông qua việc thế chấp tài sản của Công ty để đảm bảo nghĩa vụ nợ của cổ đông lớn là Công ty CP Công nghệ Big V. Ngoài ra, doanh nghiệp đã công bố thông tin không đúng thời hạn với báo cáo tài chính riêng và hợp nhất năm 2023 đã kiểm toán; và Báo cáo thường niên 2023. Với vi phạm trên, VNG bị xử phạt 92,5 triệu đồng.

cpvnz.jpg
VNZ vẫn đang là cổ phiếu đắt nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam

Bên cạnh đó, VNG bị phạt thêm 65 triệu đồng vì công bố thông tin không đầy đủ. Cụ thể, trong năm 2022 và 2023, VNG phát sinh giao dịch với bên liên quan là Big V (Doanh nghiệp đã sử dụng tài khoản tiền gửi mở tại Citibank - chi nhánh Hà Nội để đảm bảo cho khoản vay của Big V tại Citibank - chi nhánh Singapore). Tuy nhiên, tại báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 và 2023, doanh nghiệp đã không trình bày đầy đủ giao dịch với bên liên quan này.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 tổ chức hồi cuối tháng 6 vừa qua, nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc VNG Lê Hồng Minh cho biết, mảng kinh doanh mang tính chiến lược AI đã bắt đầu ghi nhận doanh thu thực tế từ thị trường nước ngoài. Công ty cũng xác định sẽ dồn lực phát triển trí tuệ nhân tạo AI.

VNG xác định trí tuệ nhân tạo là trọng tâm phát triển, có thể tạo ra đà tăng trưởng mới trong những năm tới cho công ty. Hiện tại, Công ty đang ứng dụng AI để phát triển 3 lớp khác nhau: cơ sở hạ tầng, nền tảng và ứng dụng.

Zalo cũng đang tích cực ứng dụng GenAI (trí tuệ nhân tạo tạo sinh) để nâng cấp dịch vụ cho người dùng, điển hình là AI Avatar - ứng dụng đầu tiên của GenAI do Zalo phát triển đã thu hút 6,8 triệu người dùng trong năm 2023. Trợ lý ảo thông minh Kiki hiện đã được cài đặt trên 600.000 xe ô tô và ghi nhận khoảng 230.000 lượt truy cập mỗi ngày.

Ở mảng Trò chơi trực tuyến, lãnh đạo VNG cho biết, tổng bookings năm 2023 đạt 7.930 tỷ đồng (cao nhất từ trước tới nay). Trong đó, 26% đến từ thị trường nước ngoài, tăng 18 lần so với năm 2016. VNGGames đã phát hành thành công 10 tựa game trong năm 2023, nổi bật là Metal Slug: Awakening và Thiên Dụ ở 9 thị trường Đông Nam Á và Đài Loan, HongKong.

VNGGames đang đẩy mạnh mảng game tự sản xuất và tích cực đóng góp vào mục tiêu mở rộng doanh thu từ thị trường quốc tế. Từ đầu năm 2023 đến nay, VNGGames cũng liên tiếp công bố hợp tác với hàng loạt tên tuổi hàng đầu trong ngành công nghiệp game toàn cầu như Riot Games, Roblox và tới đây là NCSOFT.

Cùng với kết quả kinh doanh ảm đạm khi liên tục thua lỗ, trên thị trường, cổ phiếu VNZ cũng đã sụt giảm gần 23,6% từ vùng giá 670.000 đồng/cổ phiếu hồi đầu năm, xuống vùng giá 512.000 đồng/cổ phiếu (ngày 7/8). Đặc biệt, từ ngày 30/7 đến nay, mã này đã trải qua chuỗi 7 phiên giảm giá liên tiếp, với mức giảm gần 12,5%. Tuy nhiên, cổ phiếu VNZ vẫn đang có thị giá cao nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Mạnh tay chi tiền quảng cáo, "kỳ lân" công nghệ VNG lỗ nặng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO