Chuyên đề

Khai phá tiềm năng quỹ đầu tư mạo hiểm cho phát triển kinh tế tư nhân

PGS, TS Phan Anh - Phó Viện trưởng Viện NCKH Ngân hàng, HVNH 08/05/2025 04:40

Dòng vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm có thể trở thành động lực hỗ trợ khu vực tư nhân khởi nghiệp trong công nghệ cao, vốn được xem là lực lượng dẫn dắt đổi mới sáng tạo và tăng trưởng dài hạn.

venture-capital.jpg
Chính phủ cần đẩy mạnh ký kết các hiệp định thương mại và đầu tư song phương/đa phương, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các quỹ VC đa quốc gia hoạt động tại Việt Nam

Theo Nghị quyết 68-NQ/TW ngày 4/5/2025, việc thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, cùng với việc xây dựng một nền kinh tế tư nhân bền vững và hiệu quả, đã được xác định là những mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển đất nước.

Đặc biệt, các lĩnh vực công nghệ cao đã trở thành yếu tố trọng tâm trong việc tạo ra giá trị gia tăng và thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo trong nền kinh tế. Điều này mở ra cơ hội lớn cho các quỹ đầu tư mạo hiểm (Venture Capital - VC) không chỉ đóng vai trò là nhà đầu tư, mà còn là những đối tác chiến lược quan trọng trong việc phát triển và nâng cao giá trị của các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam.

Trong báo cáo “Vietnam Innovation and Tech Investment Report 2024” do Do Ventures công bố: Tổng vốn đầu tư mạo hiểm vào startup Việt Nam năm 2023 đạt 677 triệu USD, tăng 35% so với năm 2022, bất chấp bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động. Việt Nam nằm trong Top 3 hệ sinh thái khởi nghiệp hấp dẫn nhất Đông Nam Á, chỉ sau Singapore và Indonesia. Các lĩnh vực thu hút đầu tư mạnh nhất là công nghệ tài chính (fintech), trí tuệ nhân tạo (AI), phần mềm dưới dạng dịch vụ (SaaS) và công nghệ sâu (deeptech), cho thấy sự ưu tiên rõ ràng với các mô hình tăng trưởng cao và ứng dụng công nghệ.

Điều này chứng minh rằng dòng vốn VC hoàn toàn có thể trở thành động lực hỗ trợ sự phát triển của khu vực tư nhân khởi nghiệp trong công nghệ cao, vốn được xem là lực lượng dẫn dắt đổi mới sáng tạo, năng suất và tăng trưởng dài hạn. Tuy nhiên, để các quỹ VC không chỉ “đầu tư”, mà còn trở thành các đối tác chiến lược đồng hành cùng doanh nghiệp công nghệ cao, Việt Nam cần có các định hướng cụ thể như.

Thứ nhất, kết nối VC với vườn ươm khởi nghiệp, viện nghiên cứu, các đại học công nghệ để phát hiện sớm các giải pháp đột phá từ giai đoạn ý tưởng. Sửa đổi các quy định liên quan đến thoái vốn, IPO, ưu đãi thuế cho nhà đầu tư thiên thần và quỹ đầu tư mạo hiểm. Thành lập hoặc tham gia các quỹ đồng đầu tư (co-investment funds) để chia sẻ rủi ro cùng VC tư nhân trong giai đoạn đầu. Huy động các quỹ phát triển công nghệ từ nhà nước (NATEC, Quỹ đổi mới sáng tạo VINIF…) vào hệ sinh thái VC nhằm hỗ trợ doanh nghiệp deeptech, vốn ít được VC ưu tiên vì rủi ro cao.

PGS.TS. Phan Anh
PGS, TS Phan Anh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Ngân hàng, HVNH

Thứ hai, kết nối startup công nghệ cao với thị trường toàn cầu là một định hướng cần thiết. Các quỹ VC có kinh nghiệm quốc tế sẽ không chỉ giúp tăng cường vốn, mà còn hỗ trợ chiến lược go-to-market và mở rộng ra toàn Đông Nam Á, châu Á - Thái Bình Dương, tư vấn mô hình kinh doanh, nâng cấp năng lực quản trị, tuyển dụng nhân sự chiến lược.

Theo đó, Chính phủ cần đẩy mạnh ký kết các hiệp định thương mại và đầu tư song phương/đa phương, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các quỹ VC đa quốc gia hoạt động tại Việt Nam. Đồng thời, cần thành lập các chương trình xúc tiến, kết nối startup Việt với các trung tâm công nghệ lớn như Silicon Valley, Tel Aviv, Singapore, đưa doanh nghiệp tham gia chương trình tăng tốc khởi nghiệp quốc tế.

Thứ ba, tập trung định hướng đầu tư mạo hiểm vào các lĩnh vực ưu tiên được nêu trong Nghị quyết 68-NQ/TW. Cụ thể, tại Mục III.4, Nghị quyết đã nhấn mạnh việc "thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh", đồng thời tại Mục III.6 đề cập đến "phát triển nhanh các doanh nghiệp lớn và vừa, các tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu".

Nhằm hiện thực hóa các mục tiêu này, các quỹ VC cần được khuyến khích tập trung vào: (i) Công nghệ xanh và năng lượng tái tạo, phù hợp với định hướng chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn; (ii) Trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, công nghệ số phục vụ chuyển đổi số doanh nghiệp và kinh tế; (iii) Công nghệ sinh học và y tế kỹ thuật số, đáp ứng nhu cầu y tế của dân số già hóa; (iv) Công nghiệp bán dẫn và linh kiện điện tử, giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Để kinh tế tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ, trở thành lực lượng dẫn dắt tăng trưởng đúng như định hướng Quyết định 68-NQ/TW, các quỹ VC cần được định vị như những đối tác chiến lược dài hạn thay vì chỉ là nhà đầu tư ngắn hạn. Muốn vậy, Nhà nước cần thực hiện vai trò “kiến tạo” để hoàn thiện thể chế đầu tư đổi mới sáng tạo, hỗ trợ hạ tầng nghiên cứu và thương mại hóa công nghệ. Và quan trọng nhất, tạo điều kiện để các quỹ VC chọn Việt Nam là điểm đến ưu tiên, từ đó hình thành các “kỳ lân” công nghệ do khu vực tư nhân Việt Nam làm chủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Khai phá tiềm năng quỹ đầu tư mạo hiểm cho phát triển kinh tế tư nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO