"Kỳ lân" công nghệ nông nghiệp kỳ lân eFishery của Indonesia, đang bị điều tra vì cáo buộc thổi phồng doanh thu lên 600 triệu USD vào tháng 9 năm 2024.
Cuộc điều tra diễn ra sau các khiếu nại của người tố giác và dẫn đến việc sa thải CEO Gibran Huzaifah. Khi hệ sinh thái khởi nghiệp Đông Nam Á đang phải đối mặt với tình trạng thiếu vốn kéo dài nhiều năm và vụ bê bối này lại một lần nữa giáng một đòn mạnh vào tâm lý nhà đầu tư trong khu vực.
Được thành lập tại Indonesia vào năm 2013, eFishery nhanh chóng vươn lên thành ngôi sao sáng trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản Đông Nam Á. Công ty cung cấp cho nông dân các hệ thống cho ăn tự động (eFeeder), thức ăn giá rẻ, giải pháp tài chính và kênh tiếp cận thị trường – tất cả được tích hợp trên một nền tảng công nghệ tiên tiến.
Theo cuộc điều tra do các cổ đông ủy quyền, doanh thu thực tế của eFishery trong 9 tháng đầu năm 2024 chỉ đạt 157 triệu USD, thấp hơn tới 595 triệu USD so với con số báo cáo 752 triệu USD. Điều này đã biến khoản lợi nhuận công bố 16 triệu USD thành khoản lỗ thực tế 35,4 triệu USD.
Bản báo cáo dự thảo đã lộ rõ các thủ thuật kế toán đáng ngờ, bao gồm việc ghi nhận khoản lỗ từ các trang trại vay vốn và eFeeder chưa bán như tài sản. Theo đó, dù eFishery tuyên bố đã phân phối hơn 400.000 thiết bị, thực tế chỉ có khoảng 24.000 thiết bị đang hoạt động. Một nhà đầu tư giai đoạn đầu tiết lộ rằng những “chiêu trò” kế toán này đã bắt đầu từ năm 2018.
Vụ bê bối này đã gây chấn động hệ sinh thái khởi nghiệp Đông Nam Á nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, vẫn có điểm tích cực. Đó là, những bài học kinh nghiệm. Về lâu dài, các công ty khởi nghiệp cũng như nhà đầu tư trong khu vực cần phải giám sát và đánh giá kỹ lưỡng hoạt động quản trị.
Trong nhiêu năm qua, Hệ sinh thái khởi nghiệp Đông Nam Á đã trải qua sự điều chỉnh đớn đau kể từ sau đại dịch Covid-19. Theo báo cáo hồi tháng 1 của trang tin Deal Street Asia, năm 2024, tổng khối lượng giao dịch đầu tư vốn mạo hiểm và cổ phần tư nhân ở ASEAN giảm 10,3% so với năm trước xuống còn 633 giao dịch. Trong khi giá trị giao dịch giảm 41,7%, xuống còn 4,56 tỉ USD.
Hệ sinh thái khởi nghiệp tại Đông Nam Á còn khá non trẻ, chỉ mới bắt đầu phát triển nhanh chóng hơn trong 15 năm trở lại đây. Sự tăng trưởng nóng trong giai đoạn đầu đã đẩy mức định giá của nhiều công ty khởi nghiệp lên mức quá cao dù mô hình kinh doanh của những công ty này chưa chứng minh được lợi nhuận và tính bền vững.
Theo nhận định của các chuyên gia, hiện bối cảnh thị trường gọi vốn vẫn đang ở giai đoạn khó khăn, vụ bê bối của eFishery không chỉ làm xói mòn lòng tin vào thị trường Indonesia mà còn khiến giới đầu tư quốc tế dè chừng với cả khu vực Đông Nam Á , một thị trường non trẻ nhưng đầy tiềm năng.