Máy bay dân dụng Trung Quốc "chật vật" vươn ra toàn cầu

CẨM ANH 31/07/2024 03:00

Trung Quốc đang dần mở rộng tham vọng xuất khẩu máy bay dân dụng nội địa sang nhiều khu vực, đặc biệt là Đông Nam Á. Tuy nhiên, quốc gia này vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức.

>> Trung Quốc tìm ra cách sản xuất pin bền vững hơn

Dòng máy bay Trung Quốc

Dòng máy bay Trung Quốc Comac ARJ21 tại Indonesia, tháng 4/2023

Các nhà sản xuất máy bay của Trung Quốc đang mong muốn thúc đẩy xuất khẩu máy bay chở khách với sải cánh dài và bay xa hơn, nhưng hiện tại mong muốn của họ vẫn chỉ là tham vọng, mặc dù đã có một bước đột phá nhỏ ở khu vực Đông Nam Á.

Tổng công ty máy bay thương mại Trung Quốc (Comac) đã nhận được rất nhiều đơn đặt hàng đối với dòng máy bay thân hẹp C919 do họ sản xuất. Trong khi những đơn đặt hàng này đã chứng minh năng lực sản xuất của họ, các nhà lãnh đạo Comac đã vạch ra lộ trình đưa dòng máy bay phản lực của công ty ra nước ngoài để cạnh tranh với Airbus và Boeing.

Tuy nhiên, việc thiếu chứng nhận quan trọng từ các cơ quan quản lý hàng không ở Châu Âu hoặc Hoa Kỳ, cũng như các vấn đề địa chính trị có thể dập tắt hy vọng lớn của Comac đối với C919, vốn được coi là đối thủ tiềm năng của dòng máy bay Boeing 737 và Airbus A320.

Trong bối cảnh đó, Đông Nam Á là nơi mang lại hy vọng cho các nhà sản xuất may bay Trung Quốc, khi hãng hàng không TransNusa có trụ sở tại Jakarta đã lọt vào tầm ngắm, trong khi Brunei và Trung Đông cũng đang trở thành thị trường tiềm năng cho các loại máy bay chở khách của Trung Quốc.

"Tôi hy vọng TransNusa sẽ phối hợp chặt chẽ với Comac vì họ cần những máy bay phản lực lớn hơn để phát triển và cạnh tranh hiệu quả”, ông Shukor Yusof, người sáng lập công ty tư vấn hàng không Endau Analytics có trụ sở tại Singapore cho biết và nhấn mạnh rằng ông sẽ không ngạc nhiên nếu có đơn đặt hàng chắc chắn được thực hiện trong vòng hai năm tới.

Đội ngũ của Comac tại Jakarta đang giúp TransNusa đào tạo phi công; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh hoạt động khi hai máy bay phản lực Comac ARJ21 đã bay khắp quần đảo Indonesia trong một năm. Chiếc ARJ-21 thứ ba cũng đã đến Jakarta vào tháng 5 và đang được chuẩn bị để đưa vào hoạt động tại đây. Ông Yusof hy vọng Comac sẽ cung cấp các khoản chiết khấu và ưu đãi khi TransNusa ký kết hợp đồng mua máy bay của Comac.

Trong ba thập kỷ qua, Trung Quốc đã trở thành một gã khổng lồ công nghiệp. Nước này cung cấp hàng nghìn mặt hàng mà các tổ chức, cá nhân sử dụng trong cuộc sống và công việc của họ, từ xô nhựa đến các công cụ máy móc tinh vi có giá rẻ hơn đáng kể so với sản phẩm của các quốc gia phương Tây.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, trong lĩnh vực hàng không dân dụng, Trung Quốc vẫn tụt hậu so với các quốc gia phương Tây. Máy bay chở khách của Trung Quốc đã không được xuất khẩu thành công và nước này tiếp tục nhập khẩu hầu hết các máy bay cần thiết để đáp ứng nhu cầu nội địa khổng lồ, cùng với số lượng khách du lịch Trung Quốc ra nước ngoài ngày càng tăng.

>> Các doanh nghiệp nước ngoài đã thích ứng với thị trường Trung Quốc?

Trung Quốc sản xuất máy bay nội địa C919 để cạnh tranh với Boeing, Airbus

Trung Quốc sản xuất máy bay nội địa C919 để cạnh tranh với Boeing, Airbus

Các thiết kế máy bay thương mại trước đây của Trung Quốc không mấy thành công. Cụ thể, Shanghai Y-10, một chiếc máy bay trông giống Boeing 707, được trang bị động cơ Pratt & Whitney JT-3D, lần đầu tiên bay vào năm 1980. Tuy nhiên, sau đó chỉ có ba chiếc được chế tạo và chương trình đã bị hủy bỏ một cách lặng lẽ khi các thiết kế phương Tây hiện đại hơn bắt đầu xuất hiện ở Trung Quốc.

Các loại máy bay khác vẫn được Trung Quốc phát triển vào cuối những năm 1980 và 1990 bao gồm máy bay phản lực tua bin cánh quạt Xian MA60 và Harbin Y-12, máy bay tiện ích hai động cơ cánh cao. Cả hai loại máy bay này đều được sản xuất với nhiều phiên bản quân sự, tiện ích, chở khách và thậm chí là chữa cháy.

Trong khi MA60 không được cấp chứng nhận để sử dụng ở Hoa Kỳ hoặc Châu Âu, máy bay Y-12 được Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) và gần đây nhất là Cơ quan An toàn Hàng không châu Âu EASA cấp chứng nhận. Mặc dù vậy, hai loại máy bay này đều nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Ví dụ, Nepal Airlines đã cố gắng bán ba chiếc Y-12 và hai chiếc MA60 trong nhiều năm, vì chi phí vận hành cao và khó khăn trong việc mua phụ tùng thay thế.

Các Giám đốc của Alton Aviation Consultancy, Alan Lim và Joshua Ng cho biết, các máy bay Trung Quốc sản xuất gặp rào cản do hỗ trợ hậu mãi kém. "Các nhà sản xuất Trung Quốc không có mạng lưới hậu mãi đủ tốt để xử lý mọi vấn đề phát sinh trong quá trình vận hành máy bay. Điều đó dẫn đến việc khi máy bay cần nhiều tuần để sửa chữa, khiến các hãng khai thác không quá hào hứng".

Với quan hệ thương mại, vị trí địa lý, tiềm năng thị trường, các hãng hàng không mới nổi của Đông Nam Á có thể sẽ ưa chuộng các dòng máy bay dân dụng của Trung Quốc. Tuy nhiên, Nathaniel Sher, nhà nghiên cứu cấp cao tại Carnegie China cảnh báo, sự gián đoạn chuỗi cung ứng có thể ảnh hưởng đến khách hàng tiềm năng của các nhà sản xuất máy bay Trung Quốc.

"Sẽ cần nhiều thời gian để C919 cạnh tranh được với Airbus và Boeing", ông Sher nói và nhấn mạnh đây vẫn chưa phải thời điểm thuận lợi. Các khách hàng quốc tế sẽ cân nhắc khi quyết định có nên mua và vận hành C919 hay không.

Có thể bạn quan tâm

  • Trung Quốc tìm ra cách sản xuất pin bền vững hơn

    Trung Quốc tìm ra cách sản xuất pin bền vững hơn

    03:31, 28/07/2024

  • Thời hoàng kim Apple tại Trung Quốc đã

    Thời hoàng kim Apple tại Trung Quốc đã "lụi tàn"?

    04:00, 27/07/2024

  • Các doanh nghiệp nước ngoài đã thích ứng với thị trường Trung Quốc?

    Các doanh nghiệp nước ngoài đã thích ứng với thị trường Trung Quốc?

    03:00, 24/07/2024

  • Hàng loạt câu hỏi băn khoăn dành cho ô tô điện Trung Quốc

    Hàng loạt câu hỏi băn khoăn dành cho ô tô điện Trung Quốc

    04:21, 23/07/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Máy bay dân dụng Trung Quốc "chật vật" vươn ra toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO