Mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt, cách nào?

NGUYỄN ĐỨC LỆNH -P.Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM 02/01/2024 15:20

Từ thực tiễn thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, có thể thấy truyền thông vẫn là "chìa khóa" quan trọng trong việc chuyển biến, thay đổi tâm lý dẫn đến thay đổi hành vi thanh toán.

>>>Tạo hành lang pháp lý để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt

Mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt, cần nhiều giải pháp đồng bộ và chương trình, hành động cụ thể. Trong đó, truyền thông có vai trò quan trọng, với yêu cầu phải làm thường xuyên, liên tục mang ý nghĩa “mưa dầm thấm lâu” để thay đổi thói quen và tâm lý sử dụng tiền mặt trong dân cư.

Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đang tiếp tục được mở rộng. Ảnh minh họa: BVB

Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đang tiếp tục được mở rộng. Ảnh minh họa: BVB

Tại TP. Hồ Chí Minh, nhằm triển khai đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ (theo quyết định 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021), UBND Thành phố đã xây dựng kế hoạch số 4066/KH-UBND về triển khai và tổ chức thực hiện. Trong đó phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở ngành, UBND các quận, huyện và TP. Thủ Đức trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ có liên quan.

Ở góc độ quản lý và hoạt động ngân hàng, bằng những chương trình và hành động cụ thể đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, thông qua những cách làm hay và sáng tạo, góp phần lan tỏa và tạo hiệu ứng lớn cho quá trình mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt trong toàn bộ nền kinh tế. Ý nghĩa đó, được phản ánh trực tiếp bằng những kết quả ấn tượng trong năm 2023:

Thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục mở rộng gắn liền với xu hướng phát triển các dịch vụ ngân hàng điện tử, hiện đại, tiện ích, an toàn và thuận lợi cho khách hàng và người dân. Sự tiện ích, tiện lợi vượt trội so với hình thức thanh toán bằng tiền mặt trong các lĩnh vực chuyển tiền, thanh toán, thương mại điện tử, vận chuyển hành khách công nghệ, cung cấp dịch vụ thương mại, du lịch, dịch vụ, nhà hàng ăn uống… đã và đang thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp, người dân thành phố sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt: thẻ, ví điện tử, quét mã QR code; mobile banking, internet banking.

Giao dịch thanh toán điện tử qua ngân hàng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh trong năm 2023 tiếp tục tăng trưởng tốt, với con số ấn tượng về số món thanh toán điện tử tăng 52% so với năm 2022.

Hoạt động thanh toán thẻ duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Trong đó, thẻ ATM đạt 20,5 triệu thẻ, tăng 10,8% so với cuối năm 2022. Dịch vụ thẻ ATM ngày càng tiện ích gắn liền sự phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử và các phương tiện sử dụng thẻ. Trong đó máy ATM, máy POS với nhiều tính năng mới, đã mang lại lợi ích tối đa cho người sử dụng thẻ. Hiện nay, trên địa bàn thành phố số điểm chấp nhận thanh toán thẻ đạt: 97.621 điểm, tăng 17,1% so với cuối năm 2022, với gần 158.000 máy POS, tăng 25,6% so với cuối năm.

>>>Kết nối dữ liệu để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt

Bên cạnh đó, dịch vụ thẻ ATM vẫn là dịch vụ “phổ thông nhất” trong số các dịch vụ ngân hàng hiện đại, nhờ việc dễ sử dụng, tiện lợi đối với nhiều đối tượng khách hàng, nhiều lứa tuổi và ở các địa bàn khác nhau. Đặc biệt việc sử dụng thẻ ATM trong thực hiện chính sách: chi trả lương, trợ cấp; thực hiện chính sách xã hội; chi trả lương hưu… rất phù hợp và phát huy được hiệu quả hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt.

Tiếp tục mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt lĩnh vực công: chi trả điện nước và điện thoại, dịch vụ truyền hình; thanh toán trong lĩnh vực giáo dục, y tế; thu phí lệ phí liên quan đến thủ tục hành chính công; chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội; trợ cấp thất nghiệp. Trong đó lĩnh vực điện nước, giáo dục và thủ tục hành chính công và chi trả lương… tiếp tục là những lĩnh vực tiên phong, tạo hiệu ứng cao và động lực thúc đẩy mở rộng hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực công.

Đối với chi trả tiền điện nước, thanh toán không dùng tiền mặt chiếm 97,31% trong tổng số hóa đơn thanh toán; 100% các cơ sở giáo dục và đào tạo đã triển khai thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt để thu học phí.

Những cách làm hay, thiết thực và hiệu quả cần phát huy. Ở góc độ quản lý, tiện tích và sự đổi mới, ứng dụng công nghệ hiện đại trong phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, cung ứng dịch vụ thanh toán chỉ là yếu tố cơ sở, là điều kiện cần và thuộc vai trò và trách nhiệm của tổ chức cung ứng dịch vụ, của các NHTM. Trong khi đó, điều kiện đủ để mở rộng và phát triển hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong dân cư và trong toàn bộ nền kinh tế đó là vai trò quan trọng của NHNN Chi nhánh tỉnh thành phố, trong việc phối hợp với các cấp, các ngành và tham mưu chính quyền địa phương chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện.

Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh đồng hành cùng Công ty Cổ phần Giải pháp Thanh toán Việt Nam (VNPAY) tổ chức Lễ phát động chuỗi sự kiện hưởng ứng Shopping Season năm 2023.

Chuỗi sự kiện hưởng ứng Shopping Season năm 2023 của Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cùng Công ty Cổ phần Giải pháp Thanh toán Việt Nam (VNPAY) tổ chức, qua đó thúc đẩy các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt là "phổ cập" thanh toán bằng mã QR

Kết quả đạt được trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh trong năm 2023 mang đậm dấu ấn về trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện của các quận, huyện, sở, ngành trên địa bàn thành phố. Dấu ấn đó gắn liền với sự sáng tạo trong cách làm truyền thông, tuyên truyền, gắn với sự vận dụng hiệu quả của các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt với thực thi chính sách.

Nhiều quận, huyện đã hưởng ứng và tổ chức “Ngày không tiền mặt”; ngày mua sắm “Shopping Season”, với sự tham gia của các doanh nghiệp, các NHTM và người dân. Thông qua đó, giới thiệu các dịch vụ thanh toán qua ngân hàng, hỗ trợ, hướng dẫn sử dụng các sản phẩm dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; tổ chức chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp; kết nối tiểu thương… thông tin tuyên truyền phổ biến kiến thức về thương mại điện tử; về kinh doanh trên nền tảng số; các hình thức thanh toán trực tuyến; thanh toán không dùng tiền mặt và chứng từ điện tử …

Đặc biệt một số quận huyện vận dụng linh hoạt gắn việc thực hiện các chính sách xã hội với việc sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt như: hỗ trợ cấp tài khoản cho các đối tượng bảo trợ xã hội; người cao tuổi; người có công… đủ điều kiện mở tài khoản ngân hàng để nhận tiền hỗ trợ, trợ cấp hàng tháng…. Việc làm này, tuy nhỏ song mang lại ý nghĩa lớn, không chỉ góp phần mở rộng hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, mà còn góp phần bảo đảm chính sách được thực hiện công khai minh bạch, đúng địa chỉ , đúng đối tượng và mang đậm ý nghĩa nhân văn.

Cách làm của các quận, huyện trên địa bàn Thành phố hiện nay mang lại hiệu ứng truyền thông, tuyên truyền rất lớn, cần tiếp tục được phát huy và làm thường xuyên, phối hợp và lồng ghép với việc thưc hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội tại mỗi địa phương, mỗi Quận huyện trên tất cả các lĩnh vực hoạt động kinh tế xã hội của Thành phố.

Có thể bạn quan tâm

  • Phó Thủ tướng chỉ đạo 6 giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt

    Phó Thủ tướng chỉ đạo 6 giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt

    16:40, 16/06/2023

  • Thanh toán không dùng tiền mặt đột phá, nhưng lan tỏa còn khó khăn

    Thanh toán không dùng tiền mặt đột phá, nhưng lan tỏa còn khó khăn

    13:26, 26/05/2023

  • Nâng tầm thanh toán không dùng tiền mặt

    Nâng tầm thanh toán không dùng tiền mặt

    16:00, 28/02/2023

  • Thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng mạnh

    Thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng mạnh

    02:00, 26/12/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt, cách nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO